Điều gì xảy ra khi trẻ bị viêm loét dạ dày, tá tràng
Viêm loét dạ dày, tá tràng không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, điển hình là xuất huyết tiêu hóa.

Trẻ có thể mắc viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính, viêm tá tràng như người lớn. Ảnh: Freepik.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Dương, khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết trẻ nhỏ ít gặp bệnh dạ dày hơn người lớn do chưa phải trải qua các yếu tố "tàn phá" như stress kéo dài, thuốc men, thói quen ăn uống xấu... Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể mắc viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính, viêm tá tràng như người lớn.
Viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ thường được chia làm hai nhóm:
Viêm loét tiên phát:
Thường là mạn tính.
Tổn thương chủ yếu ở tá tràng.
Nguyên nhân chính là nhiễmvi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - loại vi khuẩn phổ biến sống trong niêm mạc dạ dày.
Viêm loét thứ phát:
Thường diễn ra đột ngột (cấp tính).
Tổn thương chủ yếu ở dạ dày.
Thường liên quan đến stress cấp tính, chấn thương lớn hoặc sử dụng thuốc như corticoid, NSAID (thuốc kháng viêm, giảm đau).
Viêm loét dạ dày, tá tràng không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, điển hình là xuất huyết tiêu hóa. Khi đó, trẻ có thể:
Đi ngoài phân đen hoặc lẫn máu.
Nôn ra máu.
Mệt mỏi, chóng mặt, da xanh, tụt huyết áp.
Bác sĩ Dương cho hay các tổn thương này chỉ có thể xác định rõ qua nội soi tiêu hóa và thực hiện đồng thời lấy mẫu xét nghiệm hoặc cầm máu tại chỗ nếu cần thiết.
Theo vị chuyên gia, điều trị hiệu quả nếu đúng phác đồ - đúng lối sống thì viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm. Ngoài việc tiêu diệt HP bằng kháng sinh (nếu có), kiểm soát bệnh lý nền, chế độ sinh hoạt khoa học đóng vai trò rất quan trọng:
Không cho trẻ dùng rượu bia (với trẻ lớn), tránh xa khói thuốc lá.
Ăn đủ 3 bữa chính/ngày, đúng giờ; chia nhỏ bữa nếu cần, tránh để trẻ quá đói hoặc ăn quá no.
Ăn chậm, nhai kỹ; tránh các món quá nóng, quá lạnh, cay, chua hoặc nhiều dầu mỡ.
Không cho trẻ xem tivi, chơi game trong khi ăn.
Giảm áp lực học hành, tạo môi trường sống thoải mái, vui vẻ.
Cha mẹ cần chú ý nếu trẻ bị một số biểu hiện như đau bụng dai dẳng, chóng mặt, da xanh, nôn máu, đại tiện phân đen, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, chậm tăng cân... nên đưa bé đến các cơ sở y tế gặp bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.