Hạnh phúc muộn
Ba mươi sáu tuổi chị Hai lấy chồng. Chồng chị là họa sĩ nhưng có một quán cà phê nhỏ đâu tận trên miền rừng xứ thông, chủ yếu phục vụ khách du lịch vãng lai. Họ gặp nhau hồi chị Hai lên đó thư giãn, tìm về với thiên nhiên sau những ngày tháng tất bật với công việc lúc nào cũng đùn ứ, mệt nhoài. Ghé quán cà phê bài trí theo phong cách tối giản nhưng có gu, tầm nhìn hướng ra rừng thông, chị thấy lòng mình thư thái, tự do. Nhạc Ngô Thụy Miên bổng trầm từ cái máy hát cũ rất hợp với khoảng không tĩnh lặng của đất trời phố núi. Anh Việt, chồng chị Hai vừa là chủ quán, vừa là pha chế kiêm luôn nhân viên bưng bê. Từ buổi gặp nhau, hai con người đồng điệu đã để lại trong nhau nhiều ấn tượng đẹp. Họ giữ liên lạc thường xuyên và ngày càng cảm nhận rõ ràng đó là mảnh ghép còn thiếu của mình. Hai năm quen nhau, họ kết thúc hành trình yêu đương bằng một đám cưới, bước sang một hành trình mới.

Minh họa: PV
Má nói đám cưới của chị Hai ít gì cũng phải từ hai chục mâm coi mới được. Nhà hai đứa con, mỗi chị là gái; mười mấy năm chị ra thành phố làm việc lo toan trong ngoài nên ngày vui của chị cũng cần rộn ràng để chị không phải tủi thân. Chị cười, có sao đâu má. Quan trọng nhất là đời sống sau hôn nhân có hạnh phúc không chớ còn hình thức ăn thua gì. Chị Hai chỉ muốn một lễ cưới đơn giản đủ mặt gia đình và bạn bè thân thiết, những người mà chị tin họ thực sự đến chúc phúc.
Trước đám cưới mấy bữa, thằng Được bảo: “Để em làm cho chị cái cổng cưới bằng lá dừa”. Chị Hai qua thời son trẻ nhưng vẫn đẹp lắm, nét đẹp của người phụ nữ trưởng thành hết sức đằm thắm. Hồi đó má vẫn thường tự hào vì sinh được đứa con gái đẹp nhất cái xóm heo hút bưng biền. Con gái quê nhưng chị Hai má đỏ môi cong, làn da trắng sứ. Dù dãi dầu mưa nắng như những cô gái con nhà nông nhưng chị vẫn sáng trưng, rạng rỡ như hoa mùa xuân. Mấy anh con trai trong xóm nhiều lần nài nỉ các bà mẹ tới đánh tiếng bỏ trầu cau nhưng tía cứ dứt khoát phải cho chị Hai học hành tới nơi tới chốn.
Chị Hai sáng dạ, học giỏi nhất trường cấp ba hồi đó. Thằng Được kém chị ba lớp, hồi chị tốt nghiệp thì nó mới vào lớp mười. Nhưng ở trường lúc nào thầy cô giáo cũng nhắc về chị như một tấm gương. Được lấy làm hãnh diện lắm. Thường khoe với chúng bạn rằng chị Hai tao hồi ấy là học sinh giỏi cấp tỉnh.
Từ hồi chị Hai đậu đại học, các anh trồng cây si trong xóm bắt đầu tản ra bớt. Người ta ngại những đứa con gái có chữ, học cao vì đinh ninh thể nào chị cũng cưới chồng phố, có việc làm bàn giấy chứ dễ gì về quê làm nông. Dù tiếc đứt ruột vì chị Hai nổi tiếng dịu dàng, lễ phép lại khéo léo, nấu ăn ngon, nhưng đành bỏ cuộc vì quá nhiều khác biệt.
Chị Hai đi học bốn năm xong thì cũng ở phố làm việc. Công việc bận rộn, nhiều lúc phải làm tận tối mịt vẫn không xuể nên chị ít khi về nhà. Có khi về được chốc lát, ăn vội bữa cơm thì có điện thoại gọi chị đi. Mỗi tháng có khi chị gửi xe có khi gửi bưu điện về một nửa số lương để má chi tiêu trong nhà. Bao giờ gửi tiền xong chị cũng gọi điện dặn má chuyện ăn uống đừng nên tiết kiệm, mua thêm rau củ trái cây này khác để bổ sung vitamin. Chị bảo Được định kỳ đưa cả nhà đi khám sức khỏe, dặn tía má đã đến tuổi nghỉ ngơi là vừa. Chị nhắc đi nhắc lại: “Tía má lo cho tụi con mòn mỏi cả đời rồi, giờ đã đến lúc an hưởng tuổi già, bồng ẵm cháu chắt”.
Cháu chắt ở đây là hai đứa con của Được, một trai một gái. Học hết cấp ba thì Được nghỉ học, ở nhà tiếp quản chuyện ruộng nương. Chị Hai bảo: “Cậu tính vậy cũng được. Ai cũng làm việc bàn giấy thì lấy ai trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất ra lương thực, của cải vật chất nuôi xã hội đây”. Chị Hai cười: “Chữ nghĩa của chị là để đổi cơm gạo của cậu. Nông dân là lực lượng tối cần dù trong thời nào”.
Cứ quần quật từ sáng đến tối ở công ty, chị Hai chẳng có mấy khi rỗi rãi để kết bạn hay làm quen với ai. Chỉ có mấy cô bạn thời đại học vẫn còn chơi với nhau nhưng sau khi ra trường mỗi người mỗi ngả. Sở làm đa số là nữ, có đàn ông thì các anh cũng đã ổn định chỗ nơi. Mà cha mẹ ở quê còn chật vật nên chị Hai cứ mải miết phấn đấu để sớm nhất chạm tới thành công vì nghĩ đấng sinh thành không còn bao nhiêu thời gian để đợi mình.
Bạn bè cùng lứa ai cũng lần lượt “theo chồng bỏ cuộc chơi” mà chị Hai vẫn miệt mài đi sớm về khuya. Mỗi lần đi dự đám cưới bạn đại học hay thôi nôi đầy tháng con của bạn học phổ thông, chị Hai như bị lìa ra ngoài bởi ngoài công việc nhàm chán với những con số và deadline ở sở thì chị không còn gì để kể. Trong khi hội bạn thành lập nào nhóm “Hội mẹ bỉm” hay “Mẹo vặt nuôi dạy con cái” và chia sẻ xôm tụ thì chị Hai chỉ biết lặng lẽ giải quyết những rắc rối và phàn nàn của khách hàng. Hội bạn thi thoảng cũng đùa: “Cày mà không có thời gian xài như bà Lài thì tiền để đâu cho hết”.
Tích góp nhiều năm, chị Hai xây nhà ngói cho tía má ở tuổi ba mươi. Đâu chừng năm sau thì thằng Được lấy vợ. Chị Hai biểu với đứa em trai duy nhất: “Để chị lo”. Ngày cuối tuần chị vượt đường xa về dẫn vợ chồng Được đi chọn lễ phục và chụp ảnh cưới. Chăm chút từng cái vặt vãnh, chị nói: “Đời người chỉ có một lần”. Chị đưa má đi mua vòng vàng nữ trang tặng con dâu, lựa toàn những mẫu mã mới và sang trọng. Má nói thời của má chỉ được đôi bông tai mù u. Chị Hai nhẹ nhàng: “Ăn theo thuở ở theo thời mà má”.
Người ta hay nói “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” nhưng với em dâu, chị Hai thật tâm lý. Mỗi lần chị về thăm nhà, lúc chỉ có hai chị em với nhau, chị dặn Được: “Ai thương ghét bao nhiêu thì với người vợ không ai qua người chồng”. Từ chuyện cư xử, ăn ở với nhau sao cho phải đạo chị đều hết lòng căn dặn. Chị bảo: “Là đàn ông nên bao dung, nhất là với vợ con”.
Vậy mà ngoài ba mươi tuổi chị vẫn đi về lẻ bóng, hàng xóm bắt đầu xì xào chị là gái già gái ế vì quá kén cá chọn canh. Chị Hai làm như không nghe, má vì lo rầu đôi khi cũng cằn nhằn thuật lại lời xóm giềng, chị chỉ cười: “Con bận quá thời gian đâu mà yêu đương, má”. Má lắc đầu, dạ hơi buồn tủi vì chị Hai học rộng hiểu nhiều nên lời bà già nhà quê con gái nghe không lọt tai. Thật ra thì chị Hai hiểu, rất hiểu, nhưng với chị chuyện hệ trọng một đời đâu thể vội vàng. Có thể người chị vừa ý sẽ đến muộn một chút nhưng phải đúng là người mà lòng chị luôn chờ đợi.
Khi Được yên bề, con cái đủ nếp tẻ, gia đình no đủ hòa thuận thì tía bảo chị: “Nhà mình con lo vậy được rồi, giờ nghĩ cho bản thân đi”. Chị không gật cũng chẳng lắc đầu nhưng dần dà sống chậm hơn trước. Chị làm việc điều độ, ăn uống ngủ nghỉ chú ý hơn. Ước mơ thời trẻ của chị là được đi đó đi đây du lịch. Mà tính chị lại không mấy thích những nơi nhộn nhịp, xô bồ. Kỳ nghỉ ngắn chị giong xe máy lang thang mấy nẻo đường quê, có lúc xuống phà qua một cù lao chênh vênh giữa sông Hậu lặng lẽ và hơi buồn để tìm đến những vườn cây ăn trái. Kỳ nghỉ dài chị lên rừng xuống biển, thường là những nơi hẻo lánh, có khi là biên giới hải đảo theo cách chẳng giống ai. Chị bảo: “Mỗi ngày bị cuốn vào guồng quay công nghiệp nên chỉ thèm thiên nhiên hoang sơ và thiệt tình”.
Trong những chuyến đi như vậy, chị gặp anh Việt và họ đến với nhau nhẹ nhàng như thể sinh ra là để dành cho nhau. Tưởng hai tâm hồn quá đồng điệu sẽ dễ chán, nhưng chị Hai cười: “Chị tin mình đã gặp đúng người”.
Ngày vu quy, chị Hai rạng rỡ trong bộ áo dài phụng đỏ thắm, dáng người thong thả, thảnh thơi. Tình yêu khiến gương mặt người ta đẹp hơn, ánh mắt cũng long lanh hơn bởi những tia sáng hạnh phúc. Nhìn chị e ấp bên người đàn ông là tình yêu của đời chị, má rơm rớm nước mắt không dám ra tiễn con. Mắt thì ướt nhưng dạ thì vui bởi sự đợi chờ của chị Hai đã được đáp đền tương xứng. Cưới xong, chị về phố núi cùng chồng kinh doanh quán cà phê và họ mở một phòng tranh. Anh Việt bảo vẫn sẽ để chị Hai tùy ý chọn cuộc sống mà chị thích. Tía là đàn ông nhưng trong phút giây đưa con gái về nhà chồng cũng không giấu được đôi mắt đỏ hoe. Tía hỏi: “Vậy là tía mất đứa con gái hả bây?”. Chị Hai rưng rưng nắm chặt tay cha: “Đâu phải mà, là tía có thêm thằng con rể”.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/sang-tac/202505/hanh-phuc-muon-e374bcb/