Điều giúp Nvidia đạt cột mốc 4.000 tỷ USD

Với trên 4.000 tỷ USD vốn hóa, Nvidia cũng là công ty giá trị nhất thế giới và giới đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào nhà sản xuất chip phục vụ làn sóng AI tạo sinh.

Cổ phiếu Nvidia tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 9/7 (giờ Mỹ), đưa giá trị vốn hóa thị trường của hãng lần đầu tiên vượt mốc 4.000 tỷ USD, theo CNBC.

Nvidia cũng trở thành công ty đầu tiên trong lịch sử nhân loại đạt được mức vốn hóa kỷ lục này, dù Microsoft và Apple là những doanh nghiệp đạt mốc 3.000 tỷ USD trước. Hiện Microsoft cũng là một trong những khách hàng lớn và quan trọng nhất của Nvidia.

Với trên 4.000 tỷ USD vốn hóa, Nvidia cũng là công ty giá trị nhất thế giới và giới đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào nhà sản xuất chip phục vụ làn sóng AI tạo sinh này.

Con đường đến ngai vàng

Năm 1999, Intel vẫn thống trị lĩnh vực bán dẫn, còn Nvidia lần đầu xuất hiện trên sàn giao dịch Nasdaq. Chưa đầy 3 năm sau, công ty gia nhập S&P 500 (nhóm 500 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất nước Mỹ), thay thế tập đoàn dầu mỏ Enron.

 Nvidia trở thành công ty đầu tiên trong lịch sử nhân loại đạt được mức vốn hóa 4.000 tỷ USD, dù Microsoft và Apple là những doanh nghiệp đạt mốc 3.000 tỷ USD trước. Ảnh: Annabelle Chih/Bloomberg.

Nvidia trở thành công ty đầu tiên trong lịch sử nhân loại đạt được mức vốn hóa 4.000 tỷ USD, dù Microsoft và Apple là những doanh nghiệp đạt mốc 3.000 tỷ USD trước. Ảnh: Annabelle Chih/Bloomberg.

Dù vậy, ít ai nghĩ Nvidia có thể duy trì đà phát triển suốt 1/4 thế kỷ, cổ phiếu tăng 591.078%. Mức tăng trưởng phần lớn đến từ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI), lĩnh vực nhà đầu tư nhìn nhận Nvidia thành công nhất khi sản xuất chip hỗ trợ công nghệ.

Từ khi IPO năm 1999 đến lúc gia nhập S&P 500 vào 2001, cổ phiếu Nvidia tăng hơn 1.600%, vốn hóa khoảng 8 tỷ USD. Đà tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ lao dốc sau khi vỡ bong bóng dot-com.

Theo Bloomberg, chìa khóa dẫn đến thành công ban đầu của Nvidia là tích hợp công nghệ vào máy chơi game Microsoft Xbox, Sony PlayStation. Bộ xử lý đồ họa (GPU) của Nvidia trở thành món hàng được game thủ săn đón vì hiệu năng cao, mang đến trải nghiệm chân thực.

Rhys Williams, trưởng nhóm chiến lược tại Wayve Capital Management, đánh giá cao tầm nhìn của CEO Jensen Huang.

"Jensen kể một câu chuyện đẹp, và rõ ràng GPU ngày càng quan trọng. Mỗi thế hệ phần cứng mới đều cải thiện hiệu năng, hình ảnh chân thực, mở ra thời kỳ mới cho game PC", Williams nhấn mạnh.

Sau thời kỳ thành công đầu tiên, 6 năm tiếp theo chứng kiến nhiều sóng gió. Cổ phiếu Nvidia sụt giảm năm 2008 do khủng hoảng tài chính khiến nhu cầu suy yếu, cùng lúc đối thủ AMD vùng lên.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, Nvidia trình làng GPU cho máy chủ trung tâm dữ liệu, hỗ trợ các tác vụ phức tạp như thăm dò dầu khí và dự báo thời tiết.

Đây là tiền đề giúp Nvidia có chỗ đứng trong thị trường béo bở sau này. Mặc dù vậy, những con chip đó chưa thể giúp bứt phá ngay khi phải gần 9 năm sau, cổ phiếu Nvidia mới phá đỉnh lập năm 2007.

 Giá trị vốn hóa của Nvidia giai đoạn 2022-2024, thời điểm bùng nổ xu hướng AI. Ảnh: Bloomberg.

Giá trị vốn hóa của Nvidia giai đoạn 2022-2024, thời điểm bùng nổ xu hướng AI. Ảnh: Bloomberg.

Cổ phiếu Nvidia tăng trở lại vào 2015, giai đoạn GPU của công ty làm nền tảng cho nhiều công nghệ mới như giao diện đồ họa hiện đại, xe tự lái đến làn sóng sản phẩm AI.

Sự phát triển của điện toán đám mây và việc tập trung nhiều hơn vào điện toán khoa học đã đưa công ty của Huang đến một biên giới mới, nơi mà các trung tâm dữ liệu được chạy bằng GPU của Nvidia.

Từ đó, khả năng GPU Nvidia ngày càng đươc mở rộng. Đặc biêt nhất có thể kể đến việc khai thác tiền số khi đã từng có thời điểm card đồ họa của Nvidia "cháy hàng" do nhu cầu phát triển mạnh mẽ trong một thời gian.

Cái tên quan trọng nhất trong làn sóng AI

Từ những năm 2010, Nvidia bắt đầu sản xuất các con chip ngày càng mạnh mẽ, đặt tên cho mỗi "kiến trúc" hoặc thiết kế mới theo tên các nhà vật lý nổi tiếng và các nhà khoa học khác như James Clerk Maxwell, Johannes Kepler, Alan Turing và Ada Lovelace.

Theo Wall Street Journal, trong khoảng hai thập kỷ qua, Nvidia duy trì tốc độ phát hành một thế hệ chip mới với chu kỳ 2-4 năm. Khi công nghệ AI tăng tốc, chu kỳ đó đã được rút ngắn đáng kể khi hiện nay, hãng đặt mục tiêu duy trì nhịp độ phát hành thế hệ chip mới sau mỗi năm.

Trên thực tế, “sản phẩm” quan trọng nhất của hãng lại là một bức tường đóng, giúp giữ chân khách hàng và loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Rào chắn này được “xây” từ phần mềm và những con chip bán dẫn siêu nhỏ.

Theo Wall Street Journal, khu vườn đóng chính là lý do khiến Nvidia dễ dàng dẫn đầu, bất chấp mọi cạnh tranh từ các nhà sản xuất chip khác, thậm chí là cả những Big Tech như Google và Amazon.

Chìa khóa để giải mã khu vườn đóng của Nvidia nằm ở nền tảng phần mềm CUDA. Ra mắt vào năm 2007, nền tảng này là giải pháp cho một vấn đề chưa ai từng gặp phải vào thời điểm đó.

Nhà sản xuất chip khi đó muốn chạy những phần mềm không có đồ họa, như thuật toán mã hóa, đào tiền số bằng đơn vị xử lý chuyên dụng (GPU) của Nvidia. Những con chip này vốn được thiết kế cho các ứng dụng nặng như đồ họa 3D, game.

 H100 của Nvidia, có giá hơn 40.000 USD và liên tục cháy hàng trong năm 2024. Ảnh: Bloomberg.

H100 của Nvidia, có giá hơn 40.000 USD và liên tục cháy hàng trong năm 2024. Ảnh: Bloomberg.

CUDA kích hoạt mọi khả năng tính toán khác trên các bộ xử lý. Phần mềm AI là một trong số các ứng dụng CUDA hỗ trợ trên chip Nvidia. Đây cũng là loại công nghệ có tốc độ phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, đưa nhà sản xuất chip AI trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới.

Song, CUDA chỉ là khởi đầu. Sau nhiều năm, Nvidia đã đáp ứng nhu cầu của các nhà phát triển phần mềm bằng cách tung ra các thư viện cung cấp các mã chuyên dụng. Thư viện này giúp họ thực hiện một loạt tác vụ khổng lồ trên GPU với tốc độ không thể thực hiện được với các bộ xử lý thông thường của Intel và AMD.

Sức mạnh của nền tảng phần mềm giải thích tại sao nhiều năm qua, Nvidia luôn đầu tư xây dựng đội ngũ kỹ sư phần mềm hơn nhóm kỹ sư phần cứng tại tập đoàn.

CEO Jensen Huang khẳng định Nvidia muốn tập trung vào sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm, đồng thời gọi đây là “điện toán toàn diện”. Điều này có nghĩa là Nvidia sản xuất mọi thứ từ chip đến phần mềm để xây dựng AI. Vị CEO còn gọi phần mềm của Nvidia là “hệ điều hành” của AI.

Mỗi khi có đối thủ công bố chip AI mới để cạnh tranh với Nvidia, chúng lại xung đột với các hệ thống mà khách hàng Nvidia đã sử dụng hơn 15 năm qua để viết hàng núi đoạn mã. Vì phụ thuộc vào chip Nvidia, những phần mềm đó có thể khó chuyển sang hệ thống mới của đối thủ cạnh tranh.

Tại cuộc họp cổ đông vào tháng 6/2024, nhà sản xuất chip AI cho biết CUDA hiện sở hữu hơn 300 thư viện mã và 600 mô hình AI, đồng thời hỗ trợ 3.700 ứng dụng tăng tốc GPU. Nguồn lực khổng lồ được hơn 5 triệu nhà phát triển tại 40.000 công ty sử dụng.

Nhu cầu tăng đột biến đã thúc đẩy cổ phiếu của "gã khổng lồ" sản xuất chip nhớ này tăng hơn 15 lần trong 5 năm qua. Giai đoạn từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu Nvidia tăng 22%, riêng một tháng vừa qua tăng hơn 15%.

Doanh thu của Nvidia cũng tăng song song với giá cổ phiếu. Hai năm trước, công ty chỉ có doanh thu 7,2 tỷ USD trong quý tháng 5. Trong khi đó, chỉ tính riêng trong năm 202, con số này hiện đã đạt mốc 44,1 tỷ USD — một con số khổng lồ đối với một doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận gộp trên 70%.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-giup-nvidia-dat-cot-moc-4000-ty-usd-post1567587.html