Điều hành room tín dụng theo cơ chế thị trường: Cần cân bằng 3 lợi ích

Nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn có dấu hiệu suy giảm, điều hành room tín dụng theo hướng thị trường là cần thiết, nhưng cần thực hiện thận trọng.

 Các chuyên gia cho rằng điều hành room tín dụng theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhưng cần cân bằng giữa khả năng tự chủ của tổ chức tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn và ổn định hệ thống. Ảnh: Nam Khánh.

Các chuyên gia cho rằng điều hành room tín dụng theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhưng cần cân bằng giữa khả năng tự chủ của tổ chức tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn và ổn định hệ thống. Ảnh: Nam Khánh.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong nửa đầu năm nay, dòng vốn tín dụng tiếp tục bứt tốc. Tính đến hết tháng 6/2025, dư nợ toàn hệ thống đã vượt mốc 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm trước, cao gấp 2,5 lần so với mức tăng ghi nhận nửa đầu năm 2024.

Đây không chỉ là con số ấn tượng về quy mô tín dụng, mà còn là minh chứng cho sức "nóng" của dòng vốn này trong việc tiếp sức cho nền kinh tế.

Nghịch lý tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn

Tuy nhiên, mặt còn lại của bức tranh tăng trưởng lại cho thấy nhiều tín hiệu khác. Tín dụng tiếp tục là trụ cột gần như duy nhất về dòng vốn cho sản xuất, tiêu dùng và đầu tư, trong khi hiệu quả sử dụng vốn đang có chiều hướng giảm.

Tại phiên chất vấn Quốc hội hồi tháng 6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã lên tới 134% - mức cao kỷ lục trong lịch sử - cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn vào tín dụng ngân hàng trong một mô hình tăng trưởng vốn dĩ cần nhiều cải cách về hiệu quả.

Đáng lưu ý, đây không chỉ là con số kỹ thuật, mà còn là tín hiệu cảnh báo về chất lượng tăng trưởng. Những năm gần đây, thông thường để có 1 điểm % tăng trưởng GDP, nền kinh tế Việt Nam phải sử dụng hơn 2 điểm % tăng trưởng tín dụng.

Như năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng 7,09% thì tín dụng tăng 15,08%.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ ra chỉ số ICOR - phản ánh hiệu quả sử dụng vốn - của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước, cho thấy đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa tương xứng. Chính điều này khiến quy mô tín dụng trên GDP ngày càng cao nhưng hiệu quả thực sự đang có dấu hiệu giảm bớt.

Đây chính là lý do nhiều chuyên gia cho rằng chính sách điều hành tín dụng trong giai đoạn tới cần đặt mục tiêu cân bằng giữa tăng trưởng và bền vững.

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cần một lộ trình điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng mang tính thị trường hơn, nhưng vẫn đảm bảo giám sát chặt chẽ để duy trì an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an ninh kinh tế.

Lịch sử cũng từng chứng minh khi nền kinh tế phụ thuộc quá mức vào tín dụng - như giai đoạn 2008-2010 - sẽ dẫn tới nhiều hệ quả: lạm phát tăng, tỷ giá biến động mạnh, bong bóng tài sản và nợ xấu kéo dài.

Do đó, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng là cần thiết, nhưng bài toán cốt lõi vẫn là làm sao để mỗi đồng vốn đưa vào nền kinh tế tạo ra giá trị thật.

Room tín dụng: Áp dụng cơ chế thị trường nhưng cần thận trọng

Đầu tháng 7, trong công điện về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch (room) từ năm 2026. Đây được xem là yêu cầu tất yếu trong quá trình hiện đại hóa công cụ chính sách tiền tệ.

Cơ chế giao room tín dụng đã được nhà điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam áp dụng từ năm 2012, nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng, hỗ trợ điều hành lãi suất, lượng tiền và lạm phát. Trong hơn một thập kỷ, theo NHNN, cơ chế này đã góp phần quan trọng vào việc giữ ổn định hệ thống ngân hàng, kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Thời gian qua, cơ quan quản lý cũng từng bước điều chỉnh cơ chế phân bổ room, tiến gần hơn với thông lệ quốc tế. Từ đầu năm nay, chỉ còn các ngân hàng thương mại trong nước phải tuân theo hạn mức, trong khi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức phi tín dụng đã được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - việc xóa bỏ hoàn toàn hạn mức tín dụng chỉ nên được thực hiện theo lộ trình chặt chẽ, đi kèm với bộ công cụ giám sát hiệu quả. Khi không còn “trần” tín dụng, các ngân hàng thương mại sẽ có toàn quyền quyết định quy mô tín dụng theo chiến lược riêng, khiến thị trường vận hành hoàn toàn theo cung - cầu. Trong bối cảnh năng lực quản trị rủi ro chưa đồng đều, điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ bất ổn nếu thiếu kiểm soát.

"Bài học từ giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng trước khủng hoảng kinh tế hơn một thập kỷ trước vẫn còn nguyên giá trị. Dù hệ thống ngân hàng đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn còn những tổ chức chưa đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế", bà Mùi nhấn mạnh.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng trong giai đoạn chuyển tiếp, việc phân bổ hạn mức - nếu còn áp dụng - nên ưu tiên cho các ngân hàng có hệ số an toàn cao, năng lực quản trị tốt và tuân thủ nghiêm các quy định pháp lý.

Trong khi nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn có dấu hiệu suy giảm, việc chuyển sang cơ chế điều hành room tín dụng theo hướng thị trường là cần thiết, nhưng cần thực hiện thận trọng để tránh lặp lại vòng xoáy tăng nóng - nợ xấu - bất ổn hệ thống.

Hoàng Xá

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-hanh-room-tin-dung-theo-co-che-thi-truong-can-can-bang-3-loi-ich-post1567701.html