Điều kiện bảo đảm cho tổ chức thực hiện học tập suốt đời thành công
Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải thực hiện việc học tập theo hướng Bình dân học vụ số, không để xảy ra tình trạng 'Mù về chuyển đổi số', 'mù về chuyển đổi xanh', đồng thời phải có kế hoạch xóa mù ngoại ngữ, xóa mù nghề, xóa mù chữ chức năng và mù số, nghĩa là có học nhưng không làm được.

Những cô gái trẻ bên Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: pexels
THẾ KỶ 21 PHÁT TRIỂN NHANH, ĐẦY BIẾN ĐỘNG
Thế kỷ 21 đã, đang tạo ra nhiều cơ hội để con người phát triển toàn diện hơn, các quốc gia trở nên thịnh vượng hơn nếu như nắm bắt được, tận dụng được các cơ hội đó. Những yếu tố tạo nên hoàn cảnh này gồm mấy xu thế phát triển chính sau đây:
1. Toàn cầu hóa (Globalization) đã mở rộng phạm vi của nó đến hầu hết các quốc gia thuộc các châu lục. Xu thế này đã có tác dụng nhiều mặt trong các nước trên thế giới.
Về kinh tế: Nhiều tập đoàn đã mở rộng phạm vi hoạt động tới nhiều quốc gia, tạo nên sự phân công sản xuất mới cho nhiều công ty ở các nước khác nhau; những công ty xuyên quốc gia phát triển nhanh hơn, nhiều hơn; thị trường thế giới mở rộng...
Về xã hội: Sự liên kết với quy mô rộng đang tiến triển giữa các vùng dân cư, các vùng kinh tế trong khu vực và trên thế giới; Sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và hỗ trợ nhau giữa nhiều quốc gia đang mở rộng; nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động mang tính toàn cầu (như vận động chống đại dịch COVID-19; tham gia chương trình bảo vệ môi trường sinh thái xanh, chương trình chuyển đổi số quốc gia...) đang trở thành phong trào quần chúng rộng rãi.
Về văn hóa: Sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới tiến triển mạnh, nhân dân nhiều nước đã phát triển mối quan hệ hữu nghị, bạn bè và từ đó có sự tôn trọng đa dạng văn hóa. Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã được coi là dịch vụ chung toàn cầu...
2. Kinh tế tri thức (Knowledge Economy)
Nền kinh tế tri thức đã cung cấp cho người lao động những công cụ, những nguồn lực và môi trường làm việc hiện đại và tiên tiến, mở ra nhiều cơ hội về việc làm mới (new jobs), một hệ thống nghề mới, hiện đại và có mức thu nhập nhiều hứa hẹn. Kinh tế tri thức có những tác động chính đối với xã hội như sau:
- Tăng cường năng suất và hiệu quả do nó giúp vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý;
- Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, từ đó tạo ra những sản phẩm mới và những dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
- Chuyển dịch cơ cấu lao động: Chuyển dịch lao động chân tay sang lao động trí óc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Tăng cường cạnh tranh toàn cầu, tạo thế cạnh tranh cho quốc gia và doanh nghiệp, nhanh chóng phát triển kinh tế tri thức.
- Phát triển bền vững, làm giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua cải thiện dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, văn hóa...
3. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industy 4.0)
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được gọi là Công nghiệp 4.0. Những nền tảng kỹ thuật của cuộc Cách mạng này gồm Internet kết nối vạn vật (Internet of Things-IoT); Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI); Chuỗi khối (Block chain); Điện toán đám mây (Cloud); Dữ liệu lớn (Big Data); Người máy (Robot); In đắp dần (Three Dimensional Printing-3D);
Công nghiệp 4.0 có những tác dụng lớn tới sự phát triển xã hội bền vững như:
- Kết nối vật lý với kỹ thuật số, cho phép con người cộng tác và truy cập tốt hơn giữa các bộ phận, đối tác, nhà cung cấp và các sản phẩm.
- Trao quyền để các chủ doanh nghiệp kiểm soát và hiểu rõ hơn mọi khía cạnh hoạt động của họ.
- Bản thân Công nghiệp 4.0 là một trong những động lực chính góp phần tăng doanh thu và tăng trưởng GDP của các quốc gia.
- Tạo nên hệ thống các nhà máy thông minh kết nối với nhau, giúp cho các nhà máy đáp ứng một cách nhạy bén những nhu cầu khách hàng.
- Tạo ra nền tảng kỹ thuật để xây dựng hệ sinh thái số hóa và xanh hóa.
Những thành quả tham gia Toàn cầu hóa, thúc đẩy kinh tế tri thức, tiếp cận và vận dụng những công nghệ cao của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho nhiều người rất lạc quan và phấn khích. Thế kỷ 21 dường như giúp họ thấy nhiều màu hồng. Song trên thực tế, có rất nhiều hiện tượng và sự việc làm cho họ dần dần nhận ra rằng, qua hơn hai thập niên đầu của thế kỷ 21, thế giới đã thay đổi tới một tầm cao mới về độ phức tạp và đối lập. Một thế giới VUCA hiện hình với rất nhiều thách thức đối với con người. Phải học tập bằng mọi cách, con người mới có đủ tri thức, kỹ năng và những phẩm chất nhân cách để đối đầu trực tiếp với thế giới VUCA.
4 đặc điểm trên đây đã thể hiện rõ nét trong các hiện tượng điển hình là:
*Sự biến đổi khí hậu: Hiện tượng tăng cường những thiên tai như lũ lụt, bão tố, hạn hán, rét hại... làm gián đoạn sản xuất, phá hủy các cơ sở hạ tầng, làm mất các nguồn lực và tài nguyên, gây thiệt hại cho sản xuất, tổn thương nền kinh tế.
*Sự ô nhiễm môi trường: Hiện tượng gây nhức nhối cho con người vì nó làm giảm chất lượng cuộc sống, tác hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần, gây ra những bệnh tật khó chữa, dẫn đến tử vong hàng loạt.
*Các đại dịch có tác động toàn cầu (vào thế kỷ 21, trên thế giới có mấy đại dịch lớn):
- Đại dịch HIV/AIDS hoành hành nhiều nhất ở Châu Phi, từ năm 2000 đến năm 2018, số người chết vì dịch này đã giảm 45%, tuy nhiên, đến nay vẫn còn 40 triệu người mắc bệnh.
- Đại dịch H1N1 là dịch cúm mới (còn gọi là cúm lợn). Hơn 70 quốc gia mắc bệnh và đến năm 2010, đã có 575.000 người tử vong. Đến nay, dịch cúm H1N1 tiếp tục diễn ra theo mùa.
- Đại dịch Ebola: Đại dịch này càn quét ở Tây Phi rồi lan sang một số nước Châu Âu và Mỹ. Đại dịch bắt đầu từ năm 2014 và tạm lắng vào năm 2016. Ebola quay lại Congo năm 2018. 11.000 người đã tử vong.
- Đại dịch COVID-19: Bệnh do một loại virus Corona mới xuất hiện ở Trung Quốc. Hàng trăm nước bị COVID-19 hoành hành; 70% dân số thế giới phải tiêm vacinne, có tới 7.000.000 người chết. Dịch tạm lắng xuống từ năm 2023.
*Chiến tranh nóng: Có mấy cuộc chiến tranh ác liệt xảy ra từ năm 2022 đến nay, đặc biệt là cuộc chiến Nga - Ucraina, bên cạnh đó xung đột Israel - Hamas, gần đây là sự căng thẳng Mỹ - Iran. Cuộc chiến Nga - Ucraina nếu không đi đến kết thúc, thay vào đó là NATO vào cuộc thì có thể xảy ra Đại chiến thế giới lần thứ III, kết quả lúc đó sẽ không lường được.
Trước những cơ hội và thách thức do thế giới hiện đại đặt ra, con người phải có năng lực chớp lấy thời cơ và đồng thời phải đủ sức đối đầu với các thách thức. Điều kiện tiên quyết là phải có những tri thức mới như một chiếc chìa khóa mở ra những hướng đi vào tương lai, phải có những công nghệ cao và hiện đại để hóa giải những rào cản sự phát triển bền vững. Học tập suốt đời phải thực sự chất lượng và hiệu quả để đi tới những đáp số cần thiết.

Nhóm bạn trẻ nhiều quốc tịch trong thư viện học tập. Minh họa: unsplash
NHỮNG GIÁ TRỊ MÀ HÀNH TRÌNH HỌC TẬP SUỐT ĐỜI HƯỚNG TỚI
Hành trình học tập suốt đời trong những năm tới hướng đến một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của cả dân tộc - để đất nước đạt mức phát triển bền vững, thịnh vượng và bình đẳng với các quốc gia. Đó là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới trong lá thư đầu tiên gửi học sinh, sinh viên nhân ngày khai giảng lần thứ nhất năm học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Học tập để sánh vai với các cường quốc.
Hành trình học tập suốt đời sẽ làm cho mỗi cá nhân trở thành người lao động tri thức, người công dân hữu ích cho nước nhà, và tập hợp lại thành nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nên sự đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định.
Trong nửa sau của thập niên 2021-2030, hành trình học tập suốt đời của toàn dân sẽ là sức mạnh của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh quốc gia: Chuyển đổi số để phát triển đất nước với gia tốc lớn và chuyển đổi xanh để quốc gia mãi mãi bền vững.
Hành trình học tập suốt đời là quá trình con người tự giải phóng mình ra khỏi sự nghèo nàn thiếu thốn về tri thức, trở thành người dân của nước Việt Nam trên đường vươn tới đỉnh cao của văn hóa, văn minh, hiện đại. Đó là:
Con người phát triển bền vững: Con người được quy chiếu về một hệ thống giá trị khác, tăng sự giàu có phi vật chất, tăng trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và môi trường. Với tri thức tốt hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn, gắn tri thức mới với giá trị làm người, họ sẽ là con người thông thái.
Con người được tôn trọng: Với sự thông thái nhờ vào sự giàu có tri thức, mỗi con người đều có vị thế (Status) trong xã hội. Họ hoàn toàn bình quyền, bình đẳng trong cộng đồng, trong quốc gia và trong các mối quan hệ xuyên quốc gia.
Con người mang văn hóa truyền thống dân tộc, hòa nhập vào thế giới đa sắc màu, văn hóa, sống nhân ái, hòa hợp trong ngôi nhà toàn cầu, trở thành công dân toàn cầu.
Nhờ vào học tập suốt đời, con người góp phần xóa bỏ, chấm dứt những di sản độc hại của quá khứ, mở ra con đường phát triển văn hóa mới theo triết lý đa chiều nhân đạo, thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia về phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ và xã hội.
Ý nghĩa lớn lao của học tập suốt đời và những giá trị cao cả mà hành trình hướng tới đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có quy định chặt chẽ về các điều kiện đảm bảo cho việc học tập suốt đời được tổ chức thành công. Đó là những khoản đầu tư về mọi mặt cho sự phát triển xã hội, cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất, đồng bộ và hài hòa, đúng phương châm: Học tập suốt đời là nghĩa vụ và quyền lợi của toàn dân.
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO TOÀN DÂN HỌC TẬP SUỐT ĐỜI CHẤT LƯỢNG TỐT, HIỆU QUẢ CAO
Điều kiện 1: Đảng có quyết tâm chiến lược và Nhà nước quản lý chặt chẽ
Tổ chức UNESCO gọi điều kiện này là sự cam kết chính trị của giới lãnh đạo.
Việt Nam đã hội nhập vào xu thế xây dựng xã hội học tập, thực hiện việc học tập suốt đời trong toàn dân từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX với chủ trương thay mô hình giáo dục truyền thống bằng mô hình giáo dục mở.
Cứ sau một giai đoạn phát triển của xã hội học tập, Đảng đều có những Nghị quyết chỉ đạo Chính phủ ra những Quyết định xây dựng xã hội học tập với những tiêu chí phát triển rất cụ thể và khả thi trong 3 giai đoạn 2005-2010, 2011-2020; 2021-2030.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở và đang mở rộng việc tham gia xây dựng thành phố học tập toàn cầu theo Chương trình do UNESCO điều hành.
Mô hình xã hội học tập ở Việt Nam đã từng bước được định hình và hoàn chỉnh thể hiện ở 5 mô hình học tập: Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và công dân học tập. Công dân học tập là nhân vật trung tâm của xã hội học tập, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy việc học tập suốt đời. Các mô hình học tập đều là những môi trường nuôi dưỡng công dân học tập, tạo nên hệ sinh thái giáo dục suốt đời, có tính đặc thù của xã hội học tập ở Việt Nam.
Căn cứ vào kết quả của hành trình học tập suốt đời, người dân sẽ được trao quyền (Empower) trong quản lý xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, bảo vệ môi trường. Đặc biệt là khi họ có được những tri thức cần thiết, làm chủ được các công nghệ cao, nhất là những công nghệ chiến lược (Strategic Technology) và công nghệ cốt lõi (Core Technology), người dân sẽ đối đầu có hiệu quả trước những tác động xấu của thế giới VUCA.
Bước vào năm 2025, hành trình học tập suốt đời của mọi công dân sẽ theo hướng Học tập suốt đời mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu lên, theo tinh thần Bình dân học vụ số mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động. Đó là quyết tâm chiến lược của Đảng và nhà nước đối với hành trình học tập suốt đời trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Điều kiện 2: Các lực lượng trong xã hội có liên quan đều chung sức thúc đẩy học tập suốt đời
Xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời là sự nghiệp không của riêng ai: "Học tập suốt đời cho mọi người; mọi người cho học tập suốt đời". Điều kiện này nói lên rằng, ai cũng là người học, ai cũng là người dạy, không ai đứng ngoài phong trào học tập suốt đời, không ai bị phong trào học tập suốt đời bỏ quên.
Trong Đảng, mỗi đảng viên phải là một công dân học tập; mỗi gia đình đảng viên phải là một gia đình học tập; mỗi chi bộ phải là một đơn vị học tập.
Trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể, các tổ chức xã hội, mỗi công chức, viên chức, nhân viên... đều tham gia thi đua đạt danh hiệu công dân học tập; mỗi tổ chức thuộc cơ quan phải phấn đấu trở thành đơn vị học tập.
Trong các tập đoàn, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, đơn vị an ninh và quốc phòng... đều phải có những bộ tiêu chí đánh giá công nhận danh hiệu công dân học tập, đơn vị học tập phù hợp với đặc điểm công việc của riêng mình.
Mặt khác, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải thực hiện việc học tập theo hướng Bình dân học vụ số, không để xảy ra tình trạng "Mù về chuyển đổi số", "mù về chuyển đổi xanh", đồng thời phải có kế hoạch xóa mù ngoại ngữ, xóa mù nghề, xóa mù chữ chức năng (Functional illiteracy) và mù số (innumeracy), nghĩa là có học nhưng không làm được.
Dừng học tập là tụt hậu, là bị đẩy ra lề của sự phát triển xã hội, là tự đào thải. Vì vậy, mọi tổ chức trong xã hội phải chăm lo đào tạo công dân tốt, cán bộ tốt cho chính mình - đó là những người công dân học tập, những công dân số hay công dân toàn cầu của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến triển hiện nay.
Điều kiện 3: Nhà nước trung ương và chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực cần thiết để mọi công dân có cơ hội và điều kiện học tập suốt đời
Huy động nhân lực: Các trường đại học, các công ty lớn, các tập đoàn lớn có thể giúp vào việc mở các khóa học, các lớp học trực tuyến, cung cấp cho các trung tâm giáo dục thường xuyên những hướng dẫn viên giáo dục người lớn. Các công ty có thể mở các trường đào tạo mới cho những nơi có nhu cầu hoặc đào tạo lại nguồn nhân lực tại chỗ v.v...
Các hội nghiên cứu khoa học là nơi có thể giúp cho người học về hướng phát triển sản xuất, tư vấn cho người lớn về khởi nghiệp, lập nghiệp.
Hội Cựu giáo chức, Hội Người cao tuổi... có nhiều nhân lực giàu kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng mà các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm dạy nghề và truyền nghề có thể kết nối với họ. Họ sẽ đắc lực dạy học cho các chương trình Bình dân học vụ số...
Huy động tài lực và vật lực: Những doanh nghiệp, những cơ sở sản xuất, Hội khuyến học, Hội làm vườn, Hội cây cảnh, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, các đơn vị bộ đội, công an, các làng nghề, các nhà chùa và xứ đạo có thể tạo ra các loại hình quỹ khuyến học, khuyến tài để giúp trẻ em và người lớn có hoàn cảnh khó khăn về tài chính để học tập suốt đời. Nhiều nhà khoa học, doanh nhân, trí thức... cũng có thể đóng góp tiền của và vật liệu cho việc học tập suốt đời của nhân dân.
Trên cơ sở cân đối các khoản đầu tư lớn cho các sự nghiệp, Nhà nước sẽ huy động khoản tiền thích đáng để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho giáo dục người lớn, tạo ra những tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân, giúp cho mỗi người dân có được cơ hội học tập để phát triển tận lực năng lực tiềm ẩn của họ theo hướng cá nhân hóa và bảo đảm phổ cập dịch vụ giáo dục trong xã hội học tập.
Điều kiện 4: Hợp tác quốc tế để phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả của việc tổ chức và thúc đẩy học tập suốt đời của nhân dân
Trên thế giới, việc học tập suốt đời được tổ chức rất đa dạng. Học tập và trao đổi kinh nghiệm cũng như tranh thủ sự hỗ trợ nhiều mặt của các nước trên thế giới là cần thiết.
Những mô hình như Trường đại học cho lứa tuổi thứ ba (Phần Lan), Kominkan - Cung Văn hóa (Nhật Bản), Trường đại học cho nông dân (Trung Quốc)... đều là những mô hình có thể giúp cho Việt Nam tổ chức tốt hơn nữa việc học tập suốt đời mà ta đang tiến hành.