AI thao túng luận văn tốt nghiệp của sinh viên Trung Quốc

Người học tệ thì nhờ các ứng dụng AI giúp sức, người có tài tự viết thì nhờ AI sửa cho nó bớt hay lại để không bị đánh trượt vì sợ nghi là nhờ AI viết.

Khi kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ, có những rắc rối mà không ai có thể lường trước phát sinh. Trung Quốc, một quốc gia hàng đầu về phát triển, ứng dụng AI xuất hiện những câu chuyện trớ trêu liên quan đến học thuật.

Cùng với đó là vấn nạn đạo văn do sinh viên sử dụng AI để thay mình viết các bài luận thường kỳ, thậm chí là luận văn tốt nghiệp. Nhiều trường đại học tại Trung Quốc đặt ra các tiêu chuẩn ngặt nghèo về việc sinh viên sử dụng các AI ngôn ngữ lớn hỗ trợ thực hiện luận văn.

Các trường dùng chính phần mềm AI để phát hiện các phần trong bài luận được cho là "do AI viết ra". Từ đó, tạo ra những hoàn cảnh trớ trêu hết sức nghiệt ngã. Dường như, mọi chuyện thành hay của luận văn bị phụ thuộc vào những cổ máy ngôn ngữ vô tri.

Sinh viên lười, người chấm lười gây họa cho người "học thật"

Một tuần trước hạn nộp luận văn, Xiaobing, sinh viên năm cuối chuyên ngành Văn học Đức, nhận được thông báo: trường đại học của cô ở yêu cầu bài làm của mọi sinh viên năm tư phải qua kiểm duyệt của các công cụ phát hiện nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Bất kỳ luận văn nào bị xác định có hơn 30% nội dung do AI tạo ra sẽ bị đánh rớt.

Xiaobing không hề lo lắng — cô đã tự viết bài luận dài 16 trang, chỉ dùng ChatGPT và DeepSeek để biên tập lại một vài đoạn. Nhưng để cho chắc, cô đã chi 70 nhân dân tệ (khoảng 250.000 VNĐ) để kiểm tra thử trên một trong những nền tảng mà nhà trường thông báo sẽ sử dụng. Cô đã choáng váng khi kết quả đưa ra là bài luận của mình bị "vu oan giá họa" cho là 50% được AI tạo ra.

“Tôi cảm thấy toàn bộ quá trình này thật phi lý... Cứ như một người vô tội bị kéo đến máy chém vậy,” Xiaobing chia sẻ với Rest of World.

Sinh viên Trung Quốc chia sẻ những trớ trêu do vấn nạn "AI chấm AI".

Sinh viên Trung Quốc chia sẻ những trớ trêu do vấn nạn "AI chấm AI".

Trên khắp Trung Quốc, hàng chục ngàn sinh viên như Xiaobing đang phải xoay xở trước một đợt siết chặt học thuật, mà trớ trêu thay, lại đang thúc đẩy việc sử dụng AI bùng nổ.

Và thế là các công cụ AI khác ra đời chỉ với mục đích là giúp cho bài luận (dù có phải AI viết hay không) trở nên con người hơn nhằm vượt qua sát hạch.

Có hàng chục trường đại học, bao gồm các trường hàng đầu như Đại học Phúc Châu, Đại học Tứ Xuyên, và Đại học Giang Tô, gần đây đã quy định tỷ lệ nội dung do AI tạo ra trong bài luận cuối khóa chỉ được phép từ 15% đến 40%.

Nhưng họ không có khả năng để xác định đâu là phần do AI viết, đâu là phần sinh viên tự viết. Họ lại quay sang sử dụng một công cụ AI thương mại để giúp họ "chấm" tỷ lệ. Không hề có các tiêu chí cụ thể cho việc "đánh giá" cũng như các quy trình xử lý sai sót, chỉ đơn giản là giao phó cho các công cụ mặc sức "chém" bớt số bài luận.

Luận văn tốt nghiệp là yêu cầu bắt buộc, và nếu không qua được vòng kiểm duyệt này, sinh viên có thể bị buộc thôi học hoặc chậm tốt nghiệp.

Trớ trêu đến từ vô tri đến cấp độ "cợt nhã"

Dù các trường đại học lập luận rằng quy định này nhằm ngăn chặn gian lận học thuật, sinh viên lại cho rằng các nền tảng kiểm duyệt hoạt động rất thiếu ổn định và không đáng tin cậy.

Nhiều sinh viên chỉ sử dụng AI rất ít hoặc thậm chí không dùng đến cũng cho biết bài của mình không qua được kiểm duyệt. Trên mạng xã hội, các sinh viên bày tỏ sự thất vọng khi phải "tự làm cho câu văn của mình trở nên ngô nghê hơn" để tránh bị nghi ngờ, biến những tác phẩm tâm huyết thành những câu cú ngượng nghịu, trẻ con.

 Sinh viên vò đầu bức tóc nhìn cảnh AI vừa đá bóng vừa thổi còi.

Sinh viên vò đầu bức tóc nhìn cảnh AI vừa đá bóng vừa thổi còi.

Khi chỉnh sửa thủ công không hiệu quả, nhiều người đành tìm đến các công cụ dùng AI để viết lại văn bản và đánh lừa hệ thống phát hiện. Các trường đại học chủ yếu dựa vào công cụ do China National Knowledge Infrastructure (CNKI), Wanfang Data và Chongqing VIP phát triển — đây là những công ty công nghệ học thuật từ lâu đã nổi tiếng với các công cụ phát hiện đạo văn.

Nhưng điên khùng nhất là các công ty này như Chongqing VIP và PaperPass, lại vì hám lợi mà chơi trò vừa đá bóng, vừa thổi còi. Họ cung cấp dịch vụ "giảm tỷ lệ AI" để giúp sinh viên qua mặt kiểm duyệt, tạo ra một vòng lặp lợi nhuận khép kín.

Sinh viên từ tám trường đại học cho biết họ rất hoang mang trước các chính sách "đột ngột" này và cảm thấy áp lực phải trả tiền cho các dịch vụ AI để có thể tốt nghiệp.

Một số tìm đến các nền tảng quảng cáo dịch vụ "viết lại hoàn toàn thủ công" do các học viên cao học thực hiện, với chi phí lên tới hàng trăm nhân dân tệ (gần 2,5 triệu VNĐ).

Số khác thì dựa vào các chatbot AI rẻ tiền hơn để thay đổi từ vựng và cú pháp. Họ cho biết kết quả rất hên xui: có dịch vụ giúp họ qua được vòng kiểm duyệt, nhưng cũng có dịch vụ lại tạo ra những lỗi nghiêm trọng hơn.

Trải qua mỗi lần chỉnh sửa như vậy, sinh viên đồng thời giữ thêm một "phiên bản" thứ phát của luận văn, và các AI đó lại "xào" những phiên bản này cho mục đích "học sâu" của nó và một vòng lẩn quẩn vô tận đã được tạo ra.

 Bên trong một trung tâm chỉ đạo kỳ thi quốc gia Trung Quốc được trang bị hệ thống giám sát thông minh theo thời gian thực.

Bên trong một trung tâm chỉ đạo kỳ thi quốc gia Trung Quốc được trang bị hệ thống giám sát thông minh theo thời gian thực.

Dede, một sinh viên đến từ tỉnh Phúc Kiến, đã trả khoảng 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu VNĐ) cho một người hứa sẽ chỉnh sửa thủ công. Dù tỷ lệ AI trong bài của cô giảm xuống, nội dung lại trở nên rời rạc, khó hiểu. Các thuật ngữ quan trọng bị diễn giải sai, và nhiều cụm từ bị thay thế bằng những từ đồng nghĩa không hề phù hợp.

"Rõ ràng là người đó đã dùng công cụ AI để sửa bài cho tôi chứ không hề tự viết lại," Dede nói với Rest of World, và chỉ ra một lỗi cụ thể: chi tiết về "tam bả đao", một loại trâm cài tóc truyền thống của phụ nữ Phúc Kiến, đã bị sửa thành "công cụ ba lưỡi" — một chuỗi ký tự hoàn toàn vô nghĩa.

Một sinh viên khác kể rằng dịch vụ hỗ trợ bằng AI đã đổi từ "chất bán dẫn" trong bài của cô thành "0.5 chất dẫn" — một lỗi ngớ ngẩn đến mức cô phải bật cười.

CNKI, công ty dẫn đầu thị trường công nghệ học thuật, chưa có phản hồi công khai nào về các khiếu nại. Trên trang web của mình, công ty này cảnh báo rằng "kết quả kiểm tra có thể chứa sai sót". Các trường đại học cũng không lên tiếng về vấn đề trên.

Thành vì AI, bại cũng AI

Cô nàng "khốn khổ" Xiaobing ở trên đã thử mọi cách để qua được kiểm duyệt mà không cần đến AI: cô điều chỉnh lại các luận điểm, viết lại câu, thay đổi từ ngữ. Nhưng tỷ lệ nội dung AI trong bài của cô vẫn giữ ở mức trên 50%. Cuối cùng, cô phát hiện ra một mẹo: thay dấu chấm bằng dấu phẩy. Câu văn trở nên dài dòng, lan man, nhưng tỷ lệ AI đã giảm hơn 20%.

"Cứ như thể bạn bị phạt vì viết quá tốt vậy", cô nói. Cô đã tốt nghiệp vào giữa tháng Sáu với bài luận văn được trường xác định chỉ có 2% nội dung do AI tạo ra.

Việc sử dụng các công cụ phát hiện AI thiếu tin cậy đã dấy lên tranh cãi ở Mỹ và nhiều nơi khác. Nhưng Trung Quốc lại nổi bật vì tốc độ các trường đại học lớn áp dụng chúng một cách chóng mặt, bất chấp làn sóng đón nhận AI đang bùng nổ mạnh mẽ.

AI dường như thao túng cả việc học tập, thi cử của sinh viên Trung Quốc.

AI dường như thao túng cả việc học tập, thi cử của sinh viên Trung Quốc.

Một số giáo sư lo ngại rằng việc siết chặt này đang dạy cho sinh viên những bài học sai lầm. "Vấn đề lớn hơn là những công cụ này khiến sinh viên cảm thấy việc dùng AI là điều gì đó đáng xấu hổ," một giáo sư ngành truyền thông tại tỉnh Sơn Đông chia sẻ. "Nó cũng giống như cách chúng ta luôn né tránh giáo dục giới tính. Khi một vấn đề không thể được thảo luận một cách thẳng thắn, nó sẽ không bao giờ được giải quyết một cách đúng đắn."

Yanzi, sinh viên chuyên ngành kinh doanh tại Sơn Đông, ban đầu chỉ lo sợ các công cụ phát hiện AI sẽ "ăn cắp" bài làm của mình. Nhưng sau khi bạn bè phàn nàn về tình trạng bị báo động sai, cô đã thử kiểm tra bài luận tự viết của mình trên CNKI. Kết quả: hơn 30% bị xác định là do AI tạo ra.

Cô cố gắng viết lại từng dòng, nhưng vẫn không qua. Khi hạn nộp chỉ còn bốn ngày, cô đành chấp nhận bỏ ra 16 nhân dân tệ (khoảng 55.000 VNĐ) cho một công cụ AI hứa hẹn sẽ chỉnh sửa văn bản để qua mặt hệ thống kiểm duyệt.

"Thực sự rất đáng sợ," cô chia sẻ với Rest of World, khi nói về nguy cơ không thể tốt nghiệp.

Trước khi có chính sách mới, cô chưa từng nghe nói việc sử dụng AI trong học tập bị cấm. Cô cho biết, sinh viên công khai dùng AI là chuyện rất bình thường.

"Thậm chí có giáo viên còn khuyến khích chúng em dùng AI để phục vụ nghiên cứu," cô nói.

Phòng khám chỉ có bác sĩ AI của Trung Quốc khám bệnh.

Tuệ Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/ai-thao-tung-luan-van-tot-nghiep-cua-sinh-vien-trung-quoc-post1552217.html