Tưởng người thương, hóa ra ChatGPT: AI đang thao túng hẹn hò thế nào?
Ngày càng nhiều người dùng AI để 'tút' lại tin nhắn trên ứng dụng hẹn hò.
Richard Wilson, 31 tuổi, từng nghĩ mình đã gặp được người đặc biệt. Trên một ứng dụng hẹn hò, anh kết với một phụ nữ không chỉ đáp lại tin nhắn mà còn phản hồi kỹ lưỡng từng ý, thậm chí ghi nhớ chi tiết từ những cuộc trò chuyện trước đó. Cách "cô" trả lời tạo cảm giác tinh tế, sâu sắc và khiến anh hy vọng về một mối quan hệ thật sự.
Nhưng khi gặp nhau ngoài đời, mọi thứ hoàn toàn khác. Cô không có sự cuốn hút trong giao tiếp như qua tin nhắn, và rồi một câu nói khiến anh khựng lại: cô “dùng ChatGPT suốt ngày ở chỗ làm”. Lúc đó, Wilson bắt đầu hoài nghi: phải chăng từ đầu đến giờ, người trò chuyện với anh là... AI?
Vẫn giữ hy vọng, anh hẹn cô thêm một lần nữa, có thể lần đầu chỉ là ngại ngùng. Nhưng cuộc gặp thứ 2 chỉ càng khẳng định điều anh cảm nhận rằng không có sự ăn ý, không có cảm giác kết nối thật. Dù không có bằng chứng chắc chắn rằng cô đã dùng chatbot để viết thay, Wilson vẫn cảm thấy như mình đã bị đánh lừa.
“Hai người nhắn tin hàng tuần trời. Nhưng cuối cùng lại thấy như... chưa từng trò chuyện thực sự với nhau”, Wilson chia sẻ với Washington Post.

AI đang giúp người dùng hẹn hò trở nên hấp dẫn hơn, nhưng lại khiến mối quan hệ thiếu chân thật và khó đoán - Ảnh: Washington Post
Tình yêu được viết bằng thuật toán
Các công ty như Match Group, chủ sở hữu Tinder, Hinge, và hàng loạt ứng dụng hẹn hò khác, đang tích cực tích hợp AI nhằm “giúp người dùng ít nói, quá bận rộn, hoặc không khéo giao tiếp dễ tiếp cận hơn với tình yêu”.
Nhưng ngày càng nhiều người độc thân như Wilson nhận ra điều ngược lại rằng AI không đơn giản khiến việc hẹn hò dễ hơn, nó đang làm cho mọi thứ thêm mờ mịt, thậm chí đánh tráo khái niệm chân thật trong những mối quan hệ vốn đã mong manh.
Erika Ettin, một huấn luyện viên hẹn hò từng làm việc với hàng ngàn khách hàng, cho rằng AI khiến việc đánh giá một con người trở nên khó khăn hơn. “Bình thường, bạn có thể thấy họ dùng từ ngữ gì, cách họ phản ứng, họ có đi thẳng vào chủ đề nhạy cảm hay không… Nhưng nếu AI đang gõ thay họ, bạn không còn biết mình đang nói chuyện với ai nữa”, bà Ettin nói.
Với gần 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ từng sử dụng ứng dụng hẹn hò và phần lớn các mối quan hệ hiện nay bắt đầu từ môi trường trực tuyến, các công ty công nghệ đang đua nhau tích hợp AI như một lợi thế cạnh tranh, như ứng dụng Hinge dùng AI để phân tích hồ sơ và ảnh nhằm gợi ý chỉnh sửa giúp tăng khả năng được match. Tinder sử dụng AI để phát hiện tin nhắn có thể gây phản cảm và hỏi lại người dùng trước khi họ gửi, còn các ứng dụng như Rizz và Wing AI thì đưa ra gợi ý trả lời sao cho “ngầu”, “lịch thiệp” hoặc “hài hước” tùy theo hoàn cảnh.
Theo Amanda Gesselman, nhà tâm lý học tại Viện Kinsey, nghiên cứu cho thấy một bộ phận lớn người độc thân dùng AI để “tăng hiệu quả hẹn hò”. Với những người không giỏi giao tiếp, công nghệ này có thể giúp họ tự tin hơn. Nhưng bà Gesselman cũng thừa nhận: “Ranh giới giữa việc hỗ trợ và đánh lừa người khác rất mong manh”.
Hẹn hò không còn là chuyện giữa hai người
Luật sư Eve Tilley-Coulson ở Los Angeles, người điều hành dịch vụ giúp người dùng quẹt hộ trên Hinge, nhận định người dùng đã mất niềm tin vào các thuật toán. Việc AI yêu cầu họ trả lời chi tiết hơn có thể khiến họ lo ngại rằng ứng dụng đang thu thập dữ liệu cho mục đích không minh bạch.
“AI có thể trở thành công cụ thao túng người dùng, khiến họ quẹt nhiều hơn, trả tiền nhiều hơn. Trong khi đó, các câu trả lời của người dùng ngày càng trở nên na ná nhau, thiếu cá tính, vì AI chỉ tái chế lại những thứ nó học được từ hàng triệu người khác”, cô cảnh báo.
Phía Match Group phản hồi rằng mục tiêu cuối cùng của họ là giúp người dùng kết nối ngoài đời thật càng nhanh càng tốt. “Chúng tôi ưu tiên tính xác thực, minh bạch và an toàn”, đại diện công ty nói.
Yoel Roth, trưởng bộ phận an toàn của Match Group, cho biết công ty sử dụng AI để lọc những tin nhắn có nguy cơ gây khó chịu. Người gửi sẽ được hỏi lại “Bạn có chắc không?” Khoảng 20% chọn không gửi. Người nhận cũng có thể được hỏi “Tin nhắn này có làm bạn thấy khó chịu không?”.
Tuy việc giảm bớt những mẩu hội thoại “thô ráp” là điều tích cực, nhưng nó cũng khiến những người thiếu kỹ năng giao tiếp càng trở nên lệ thuộc vào AI.
Roman Khaves, đồng sáng lập ứng dụng Rizz, một “huấn luyện viên hẹn hò sử dụng AI”, nói rằng “Rất nhiều người đàn ông tốt nhưng không biết nhắn tin. Chúng tôi giúp họ gây ấn tượng tốt hơn”. Người dùng thậm chí có thể tải ảnh chụp màn hình hội thoại để AI tư vấn bước tiếp theo.
Tuy nhiên, Giada Pistilli, chuyên gia đạo đức tại công ty AI Hugging Face, chỉ ra rằng “Ở nơi làm việc, AI giúp tăng hiệu quả. Nhưng trong tình cảm, mục tiêu lại là "bộc lộ con người thật của bạn". Nếu AI làm thay điều đó, bạn còn là bạn? Chúng ta có cảm xúc đạo đức rất mạnh mẽ về sự chân thật trong tình yêu. Một bức thư tình mất hết giá trị cảm xúc nếu bạn phát hiện nó do AI viết”.
Kathryn Coduto, giáo sư truyền thông tại Đại học Boston (Mỹ) bổ sung: “Nếu bạn thành thật bày tỏ mà người kia chỉ phản hồi bằng câu do máy móc viết, đó là một sự bất cân xứng rất lớn”.