Điều kỳ diệu với cô gái bên vực tử thần, người nhà xin về, bác sĩ quyết giữ lại
Cô gái 18 tuổi mắc căn bệnh hiếm gặp được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch, phải mổ cấp cứu ngay trong đêm nhưng sau đó lập tức diễn biến xấu. Gia đình xin về vì không còn hy vọng song bác sĩ quyết tâm giữ lại.
Cô gái T.T.A (18 tuổi, Hà Nam) được chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng nguy kịch do viêm phúc mạc tiểu khung trên nền viêm phần phụ hai bên và ứ mủ vòi trứng. Đây là một dạng nhiễm trùng ổ bụng nặng có khả năng diễn tiến nhanh dẫn tới suy đa tạng và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Có lúc gia đình chủ động xin đưa bệnh nhân về vì "không còn hy vọng"
Ngay trong đêm, với dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn nặng, người bệnh được hội chẩn phối hợp với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Phụ sản Trung ương chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Khi mở ổ bụng của T.A, các bác sĩ ghi nhận có tới 1.000ml dịch mủ đục, giả mạc dày, tổ chức hoại tử lan tỏa khắp tiểu khung - dấu hiệu cho thấy bệnh đã âm ỉ và tiến triển nặng từ trước khi nhập viện.
Bệnh nhân được cắt vòi trứng hai bên, làm sạch ổ bụng, đặt dẫn lưu và phối hợp điều trị kháng sinh phổ rộng ngay sau mổ để kiểm soát nhiễm trùng.
Viêm mủ vòi trứng là bệnh phụ khoa hay gặp, nguyên nhân do vệ sinh kinh nguyệt chưa đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn… thông thường có thể điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa, rất hiếm trường hợp chuyển diễn biến nặng gây đe dọa tính mạng như bệnh nhân T.A.
Sau mổ, người bệnh rơi vào sốc nhiễm khuẩn nặng, suy đa tạng, một diễn biến được dự báo trước do tình trạng nhiễm trùng vốn đã vượt ngưỡng kiểm soát trước khi nhập viện.

Các bác sĩ hồi sức theo sát từng diễn biến nhỏ nhất trong hành trình chiến đấu cứu người bệnh qua cơn nguy kịch. Ảnh: Ngọc My
Huyết áp của cô gái tụt sâu (80/50mmHg) mặc dù đã dùng 3 loại thuốc trợ tim vận mạch, phổi không đáp ứng thở máy. Nồng độ oxy bão hòa trong máu (SpO2) có lúc chỉ còn gần 80% (bình thường phải trên 95%) với oxy máy thở 100%. Bệnh nhân còn bị suy gan, thận nặng và rối loạn đông máu. Các chỉ số sống trở nên mong manh, được níu giữ bằng máy móc.
"Có nhiều thời điểm, gia đình đã chủ động xin đưa bệnh nhân về vì cho rằng hoàn toàn không còn hy vọng", Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Trịnh, Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa, chia sẻ.
Điều kỳ diệu đã xảy ra
Với tinh thần “còn nước còn tát”, y bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực I Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa đã quyết định "chiến đấu" đến cùng để cứu sống người bệnh. T.A được hồi sức tối đa bằng các phương pháp: Đặt ECMO (trao đổi oxy ngoài màng cơ thể), lọc máu liên tục, thở máy xâm nhập, vận mạch, kháng sinh phổ rộng liều cao, nuôi dưỡng tĩnh mạch, điều chỉnh toan kiềm và điện giải.
Từng hơi thở, từng chỉ số sinh tồn của người bệnh đều được theo dõi sát sao. Đội ngũ hồi sức của bệnh viện ngoại khoa hàng đầu cả nước đã không bỏ cuộc.
"Hồi sức tích cực không chỉ là công nghệ và dùng thuốc mà còn là sự kiên trì, sát sao và phối hợp chặt chẽ giữa các khâu", bác sĩ Trịnh nói. Khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, niềm vui đó không chỉ vỡ òa với gia đình mà các thầy thuốc cũng rất xúc động.
Sau gần một tuần giành giật sự sống, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm: Huyết động ổn định, chức năng phổi cải thiện, các chỉ số sinh hóa dần hồi phục. Tới ngày 15/5, sau 3 tuần, bệnh nhân đã tạm ổn định và chuyển về phòng bệnh theo dõi, mở ra hy vọng sống cho cô gái từng bên bờ vực tử thần.