Điều nền kinh tế đầu tàu châu Âu cần để thoát khỏi tình cảnh hiện tại

Việc đưa ra chiến lược tăng trưởng sẽ là thách thức lớn nhất đối với chính phủ mới của Đức – sẽ nhậm chức sau cuộc bầu cử liên bang diễn ra vào cuối tuần này.

Đức cần một mô hình kinh doanh mới. Mô hình cũ – được thúc đẩy bởi khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Nga và xuất khẩu sang Trung Quốc, đã bị phá vỡ – khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu sa lầy trong tình trạng trì trệ.

Việc đưa ra chiến lược tăng trưởng mới sẽ là thách thức lớn nhất đối với chính phủ mới của Đức – sẽ nhậm chức sau cuộc bầu cử liên bang được ấn định vào ngày 23/2, sớm hơn 7 tháng so với dự kiến.

Cái tên tiềm năng cho vị trí Thủ tướng Đức tiếp theo đã lộ diện. Ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử liên bang Friedrich Merz, cũng thừa nhận mô hình kinh doanh trước đây của nước này đã "biến mất" theo những biến động của thời cuộc.

Tuy nhiên, Chủ tịch Đảng CDU bảo thủ đã không đưa ra được giải pháp thay thế thực tế. Trong chiến dịch tranh cử, đảng này chỉ đưa ra lời hứa về cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập để thúc đẩy nền kinh tế.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và ông Friedrich Merz, ứng cử viên hàng đầu của liên minh CDU/CSU cho chức Thủ tướng, đang chờ chương trình thảo luận trên kênh truyền hình "Quadrell" về chiến dịch tranh cử Bundestag trong trường quay. Ảnh: Yahoo!News

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và ông Friedrich Merz, ứng cử viên hàng đầu của liên minh CDU/CSU cho chức Thủ tướng, đang chờ chương trình thảo luận trên kênh truyền hình "Quadrell" về chiến dịch tranh cử Bundestag trong trường quay. Ảnh: Yahoo!News

Cường quốc Tây Âu đã không chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế thực sự trong 5 năm qua kể từ khi xuất hiện Covid-19.

Nhiều yếu tố kết hợp với nhau đưa Đức từ cường quốc công nghiệp trở thành kẻ tụt hậu sau đại dịch. Quá nhiều thủ tục hành chính, thiếu hụt lao động lành nghề, triển khai công nghệ chậm và thiếu định hướng rõ ràng từ chính phủ liên minh sắp mãn nhiệm là một vài trong số đó.

"Chúng tôi thực sự cần một nền chính trị thân thiện hơn với công ty và doanh nghiệp", ông Klaus Geissdoerfer, CEO của nhà sản xuất quạt công nghiệp EBM-Papst, cho biết.

Với doanh thu hàng năm là 2,5 tỷ Euro (2,6 tỷ USD) và các nhà máy trên 3 châu lục, EBM-Papst tự mô tả mình là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của mình. Năm ngoái, công ty báo cáo rằng họ "đang gặp khó khăn ở Đức nói riêng" và đã chịu mức giảm doanh thu 4,1% tại thị trường trong nước.

Để đối phó với tình trạng khó khăn ở Đức, EBM-Papst đã chuyển trọng tâm đầu tư sang châu Á và Mỹ. Ví dụ, công ty hiện cung cấp cho khách hàng Mỹ sản phẩm từ các nhà máy ở Farmington, Connecticut và Telford, Tennessee.

Các động thái của công ty nhằm nội địa hóa sản xuất ở nước ngoài đã có từ trước đại dịch Covid-19, nhưng lại giúp EBM-Papst có lá chắn chống lại bất kỳ loại thuế nhập khẩu mới nào do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.

Các container được chất hàng tại cảng Stuttgart, Đức. Ảnh: Getty Images

Các container được chất hàng tại cảng Stuttgart, Đức. Ảnh: Getty Images

Ngoài các vấn đề trong nước, sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc và giá năng lượng cao do cuộc xung đột Nga-Ukraine là những đòn giáng tiếp theo.

Kể từ cuộc xung đột, Nga đã cắt hầu hết nguồn cung khí đốt tự nhiên tới Đức. Ở Đức, giá điện, một chi phí quan trọng đối với ngành công nghiệp, đã tăng gấp 2,5 lần so với ở Mỹ và Trung Quốc.

Một cú sốc khác đến từ Trung Quốc, nơi trong suốt những năm 2010 đã đóng vai trò là thị trường béo bở cho máy móc và ô tô do Đức sản xuất. Khi các công ty Trung Quốc bắt đầu sản xuất những sản phẩm tương tự nhưng có giá cạnh tranh hơn, thì xuất khẩu của Đức đã bị ảnh hưởng.

Nền kinh tế Đức đã suy thoái trong 2 năm qua. Đến cuối năm 2024, nền kinh tế này chỉ tăng trưởng 0,3% so với năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch. Theo Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis), trong cùng kỳ, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ tương ứng là 11,4% và 25,8%.

Ông Marcel Fratzscher, Chủ tịch của DIW Berlin, một trong những viện nghiên cứu kinh tế và nhóm chuyên gia hàng đầu tại châu Âu, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại cũng là do các công ty Đức đã không phản ứng đủ nhanh với các xu hướng công nghệ, chẳng hạn như chuyển sang xe điện.

Ông cho biết, khi những khó khăn kinh tế kéo dài, doanh nghiệp và người dân ngày càng cảm thấy thiếu lạc quan, và đó là một lời giải thích quan trọng tại sao các công ty không đầu tư.

Một cuộc khảo sát mới do cơ quan thương mại DIHK của Đức thực hiện cho thấy, các doanh nghiệp không kỳ vọng tình hình của họ sẽ được cải thiện trong năm nay, với số lượng doanh nghiệp đổ lỗi cho chính sách kinh tế của đất nước cao nhất từ trước đến nay, với 55% trong số 23.000 công ty tham gia khảo sát.

Nhiều giám đốc điều hành doanh nghiệp và nhà kinh tế cho rằng chính phủ tiếp theo của Đức nên nỗ lực nới lỏng các giới hạn hiến pháp về nợ (biện pháp "phanh nợ" - debt brake) để có thể tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng và giáo dục.

"Chúng ta cần thay đổi tư duy, để hiểu rằng chúng ta cần phải nhanh hơn nhiều trong các chuyển đổi kinh tế", vị chuyên gia Đức nói.

Minh Đức (Theo Independent, Euractiv)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dieu-nen-kinh-te-dau-tau-chau-au-can-de-thoat-khoi-tinh-canh-hien-tai-204250217205217515.htm