Diều sáo làng Bá Dương Nội được công nhận danh hiệu nghề truyền thống
Những năm gần đây, giá trị của từng cánh diều ở làng Bá Dương Nội ngày càng được nâng cao
Chiều ngày 12-4, tại di tích miếu Diều, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Hội diều làng Bá Dương Nội"; Bằng công nhận danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội "Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội".

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà trao bằng công nhận danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội "Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội"
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức chia sẻ đón nhận danh hiệu là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng, đặc biệt là nhân dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà.
Thời gian qua, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người, các di sản văn hóa, nghề truyền thống, đặc biệt là hội diều và nghề làm diều sáo của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Có cánh diều bán được hàng triệu đồng trở lên
Trước kia, làm diều sáo ở Bá Dương Nội chỉ mang tính tự phát, thỏa mãn niềm đam mê (chủ yếu là chơi hoặc biếu, tặng) và gìn giữ bản sắc truyền thống của di sản.
Những năm gần đây, do nhu cầu thú chơi thả diều sáo được nhiều người ở các nơi đam mê tìm hiểu và đặt mua hàng với giá trị của từng cánh diều từ một đến vài trăm ngàn đồng, đến hàng triệu đồng (tùy thuộc vào kích cỡ sáo lớn hay nhỏ, sáo đôi hay sáo ba..) theo sở thích của người mua.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, cho hay hiện tại làng Bá Dương Nội có hơn 130 hộ gia đình làm diều sáo truyền thống.

Những con diều đủ tiêu chuẩn được đánh số thứ tự, chuẩn bị tham gia Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội
"Địa phương tập trung chú trọng thương mại hóa diều thông qua việc sản xuất kích cỡ sải cánh đáp ứng nhu cầu của người chơi. Sản xuất diều trên tranh Đông Hồ và tranh Đông Hồ trên diều, để đáp ứng nhu cầu vừa chơi vừa thưởng lãm nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam" - ông Hà cho biết.
Làng có 3 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (loại hình Tri thức dân gian) gồm: 1 Nghệ nhân Nhân dân là ông Nguyễn Hữu Kiêm và 2 Nghệ nhân Ưu tú là ông Phạm Văn Mai và ông Nguyễn Gia Độ.
Nghệ nhân Nhân Dân Nguyễn Hữu Kiêm (78 tuổi) kể ông gắn bó với nghề làm sáo diều từ năm 6-7 tuổi. Đến nay, Nghệ nhân tiếp tục truyền dạy cách làm và chơi diều cho các thế hệ kế cận.

Tranh Đông Hồ trên cánh diều
Trong những năm tới, địa phương tiếp tục quảng bá, đẩy mạnh phát triển nghề diều sáo gắn với phát triển du lịch, các dịch vụ mới, hấp dẫn phục vụ lễ hội, mang tính biểu tượng văn hóa di sản, hướng đến mục tiêu Hội Diều làng Bá Dương Nội và nghề làm Diều sáo trở thành một điểm tham quan, du lịch, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể, nghề làm Diều sáo làng Bá Dương Nội xã Hồng Hà ngày càng phát triển.
Làng Bá Dương Nội (còn có tên là Bá Giang), xưa có tên nôm là Kẻ Bá. Đầu thế kỷ thứ XIX làng Bá Giang thuộc tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, thị trấn Sơn Tây; nay thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.
Người làng Bá Dương Nội đã mang diều sáo truyền thống tham gia nhiều lễ hội lớn trong nước cũng như quốc tế như: Festival diều quốc tế tại Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu; đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Festival diều quốc tế tổ chức tại các nước Thái Lan (2010; 2014), Trung Quốc (2012); Cộng hòa Pháp (2012), Malaysia (2014)… được bạn bè quốc tế đánh giá cao về sự độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của cánh diều Việt Nam.