Điều trị cho bệnh nhi 8 tuổi bị cửa cuốn cuốn lên cao, nguy kịch vì ngưng tim, ngưng thở
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi 8 tuổi trong tình trạng nguy kịch sau tai nạn do cửa cuốn. Đây là trường hợp tai nạn hy hữu nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Bệnh nhi là bé Đ.T.M., 8 tuổi, ngụ tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Theo người nhà, vào khoảng 20h ngày 22/5, khi mẹ bé đang chăm em nhỏ trong nhà, bé M. chơi cùng chị gái 10 tuổi. Lúc người mẹ nhờ chị gái ra ngoài lấy sữa, bé M. bất ngờ đu người lên cửa cuốn đang mở - hành động mà bé thường thực hiện dù đã được người lớn nhắc nhở.
Khoảng hai phút sau, chị gái quay về phát hiện em bị cuốn toàn thân lên cao theo cửa cuốn và lập tức gọi mẹ. Gia đình nhanh chóng tìm cách đưa bé xuống. Sau khoảng 10 phút, bé M. được giải thoát trong tình trạng tím tái tay chân, không còn thở và tim ngừng đập.
Bé lập tức được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa An Phước - Phan Thiết trong tình trạng hôn mê sâu.

Sau 4 ngày điều trị, hiện bé đã được cai máy thở, tỉnh táo (Ảnh BVCC)
Tại đây, các bác sĩ tiến hành hồi sức, đặt nội khí quản và chuyển bé khẩn cấp trong đêm đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Bé M. được nhập viện lúc 2h sáng ngày 24/5 tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng tri giác không ổn định, nhiều vết thương ở vùng đầu, mặt, ngực và bụng. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhi có nguy cơ tổn thương não do thiếu oxy, nên đã áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chủ động nhằm bảo vệ não trong giai đoạn nguy kịch.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, đến ngày 26/5, bé M. đã được cai máy thở, tỉnh táo, có thể trả lời đúng tên tuổi và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Đây là dấu hiệu phục hồi khả quan sau một tai nạn nghiêm trọng.
ThS.BS Trần Thị Bích Kim, Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đây là tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh nếu gia đình chú ý hơn trong việc chọn loại cửa cuốn phù hợp và hướng dẫn trẻ cách sử dụng an toàn.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên ưu tiên cửa cuốn có cảm biến an toàn hoặc chức năng tự đảo chiều khi gặp vật cản (Ảnh BVCC)
Phụ huynh nên ưu tiên sử dụng loại cửa cuốn có cảm biến an toàn hoặc chức năng tự đảo chiều khi gặp vật cản. Nút điều khiển nên đặt ở vị trí cao, ngoài tầm với của trẻ, đồng thời trang bị nút ngắt khẩn cấp để xử lý kịp thời khi có sự cố.
Bên cạnh đó, người lớn cần tuyệt đối không để trẻ chơi gần cửa cuốn, nhất là khi thiết bị đang hoạt động. Cần giáo dục trẻ hiểu rõ đây không phải là đồ chơi và không được phép đu bám, trèo lên cửa.
“Trong trường hợp xấu nhất nếu chẳng may tai nạn xảy ra, cần lưu ý gỡ bé khỏi cửa cuốn, hồi sức tại hiện trường và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời để được cấp cứu nhanh nhất tránh mất thời gian vàng. Sau đó chúng ta có những phương pháp như làm lạnh hệ thân nhiệt chủ động để hy vọng sẽ cứu cứu được những trường hợp ngưng tim ngưng thở ngoại viện”, BS Trần Thị Bích Kim nói.