Điều trị cúm hiệu quả cần đúng thuốc và thời điểm

Bác sĩ Bảo khuyến cáo một trong những điều quan trọng nhất khi đối phó với bệnh dịch do virus cúm là chẩn đoán nhanh chóng và kịp thời.

 Về điều trị bệnh cúm, bác sĩ Bảo cho rằng sử dụng thuốc kháng virus đúng cách là rất quan trọng. Ảnh: Freepik.

Về điều trị bệnh cúm, bác sĩ Bảo cho rằng sử dụng thuốc kháng virus đúng cách là rất quan trọng. Ảnh: Freepik.

Cúm là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng nhiều người vẫn chủ quan vì hiểu lầm về mức độ nghiêm trọng và cách phòng ngừa. Nhiều người cho rằng cúm không nguy hiểm nên không cần tiêm vaccine hoặc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh này.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới thống kê, mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó có 3-5 triệu ca nặng, 290.000-650.000 trường hợp tử vong.

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Quốc Bảo, Phó trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, cho biết từ đầu năm 2025 đến nay, khoa truyền nhiễm của bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mắc cúm, có nhiều ca nặng, nguy cơ phải thở máy.

Về điều trị bệnh cúm, bác sĩ Bảo cho rằng sử dụng thuốc kháng virus đúng cách là rất quan trọng.

"Hiện nay, một số loại thuốc kháng virus thường được sử dụng để điều trị cúm bao gồm Oseltamivir (Tamiflu) giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng cúm; Zanamivir (Relenza) dạng hít, có tác dụng tương tự như Oseltamivir và Peramivir dạng tiêm, thường được sử dụng trong các trường hợp nặng", bác sĩ Bảo nói.

 Bệnh nhân mắc cúm được điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: CDC Hà Nội.

Bệnh nhân mắc cúm được điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: CDC Hà Nội.

Về thời điểm sử dụng, thuốc kháng virus nên được bắt đầu trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng để đạt hiệu quả cao nhất. Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng.

"Kháng sinh không có tác dụng đối với virus và việc lạm dụng loại thuốc này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi khuẩn gây ra, không có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh do virus như cúm", bác sĩ Bảo lưu ý.

Bên cạnh đó, việc tự ý sử dụng kháng sinh có thể dẫn đến kháng kháng sinh do vi khuẩn có thể phát triển khả năng kháng thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị các bệnh nhiễm khuẩn sau này.

Việc dùng kháng sinh không cần thiết có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như dị ứng, tiêu chảy hoặc rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột.

Bác sĩ Bảo khuyến cáo một trong những điều quan trọng nhất khi đối phó với bệnh dịch do virus cúm là chẩn đoán nhanh chóng và kịp thời.

Khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính nghi ngờ nhiễm cúm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định bệnh và can thiệp điều trị phù hợp. Đồng thời, bệnh nhân cần theo dõi sát diễn biến lâm sàng nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm do cúm gây ra.

Theo vị chuyên gia, cúm không chỉ là một bệnh cảm lạnh thông thường mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Việc tiêm vaccine cúm hàng năm và giữ gìn vệ sinh cá nhân là những biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dieu-tri-cum-hieu-qua-can-dung-thuoc-va-thoi-diem-post1547644.html