Điều ước mùa xuân
'Cha gói đòn bánh tét nhân chuối mà con thích với chùm bánh dừa, hũ dưa món, con nhớ cầm theo nha'. Đang lui cui xếp mấy bộ quần áo vào vali, nghe tiếng cha vẳng lên từ dưới bếp, tiếng chén va nhau, nắp lu gạo kêu ràn rạt, chắc cha đang cố tìm thêm còn món gì cho con gái mang đi. 'À, còn hũ ba khía nữa nè, bữa nay chín hung rồi đó, mang lên bỏ tủ lạnh ăn dần nghen con'. Tôi vừa xếp đồ vừa cười tủm tỉm, con đi làm mà cha gửi đồ ăn như cứu trợ vậy.
9 ngày nghỉ tết chớp mắt đã qua, tôi xin nghỉ thêm 2 ngày đi thăm giáp vòng bà con, ghé chợ chở bao gạo và một số gia dụng cần thiết về bỏ chạn cho cha. Nếu tôi không mua để sẵn cha sẽ tằn tiện mà không tiêu xài. Câu nói muôn thuở của cha là "ôi cha ăn khô mãn đời không ngán". Hiểu rõ các con làm lụng cực khổ xa quê, cha không nỡ xài tiền mà các con gửi về.
Tôi lên Sài Gòn 8 năm, thanh xuân của tôi là khu nhà trọ và xưởng may trong khu công nghiệp. Cha vẫn giận tôi vì không chịu tiếp tục học dù đã thi đậu trường cao đẳng sư phạm. Tôi cũng có chút tiếc nuối vì không thực hiện được ước mơ, nhưng tôi không buồn. Bởi tôi vẫn đang sống một cuộc đời tươi vui và rất đáng sống, có bạn bè, có công việc, có tiền gửi về cho cha khi đau ốm.
Quê tôi ở miền Tây sông nước, nơi người dân không bao giờ sợ đói vì chỉ cần ra đồng, xuống sông thể nào cũng thu được cá tôm, rau củ, nhưng người dân quê vẫn nghèo vì việc làm ra tiền rất ít. Vài công ruộng chỉ đủ gạo ăn, thậm chí có năm bị ngập mặn hoặc hạn hán thì coi như đói hẳn.
Thời trẻ cha chạy ghe mướn chở đồ dọc ngang khắp sông rạch, rồi quen má và nên duyên chồng vợ. Cha không có đất làm nhà, mượn đất của người bà con cất căn chòi ở tạm. Anh em tôi lần lượt ra đời, cuộc sống mưu sinh của cha mẹ càng trở nên vất vả. Má tôi không chịu được cảnh cơ hàn nên bỏ đi khi tôi tròn 2 tuổi. Nghe các bà trong xóm kể lại, khi đó cha tôi khóc suốt 2 ngày, rong ruổi tìm má hết 1 tuần không tăm hơi, cha lau nước mắt rồi xắn tay vào công việc. Cuộc sống cảnh "gà trống nuôi con" ắt hẳn khó khăn khôn cùng, nhưng trong ký ức non nớt của tôi, cha lúc nào cũng tươi vui và lạc quan.
Anh hai tôi sớm theo cha đi ghe rồi học nghề buôn bán trên sông nước. Cha nói tôi là con gái phải ráng học để sau này tìm việc làm cho nhẹ tấm thân. Khi tôi nhất định không đi học tiếp, cha buồn suốt 1 tuần. Tôi biết cha lo tôi không học rồi sẽ tay lấm chân bùn, cực nhọc. Ai cũng có ước mơ và hoài bão, nhưng thực tế mới là thứ tôi quan tâm, hiện tại mới là điều cần trân trọng. Cha đã không còn khỏe mạnh để tiếp tục gồng gánh cuộc sống, dẫu lúc nào cha cũng nói "cha còn khỏe như thuồng luồng, bây không phải lo".
Ngoài 60 tuổi nhưng cha vẫn đi ghe chở đồ thuê cho người ta. Anh hai cưới vợ rồi dắt díu nhau lên thị trấn bán buôn, còn mình cha ở căn nhà nhỏ, có chiếc ghe làm bạn đó đây cũng đỡ buồn. Chúng tôi lớn lên dưới sự bảo bọc của cha, thi thoảng cảm thấy tủi thân vì không có mẹ bên cạnh, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Tôi nhớ rất rõ từng cột mốc trong cuộc đời mình. Cha mua cho tôi chiếc cài tóc có nơ màu hồng xinh xắn khi tôi vào lớp 1. Khi tôi lên Sài Gòn đi làm, cha dẫn tôi lòng vòng khắp nơi, đến khi tìm được nhà trọ sạch sẽ, bảo đảm an ninh, cha mới yên lòng gửi tôi ở lại...
“Con còn muốn ăn gì nữa không? Cha làm cho mang đi, mang thêm ít khô cho mấy bạn trên trọ chút quà quê”, tiếng cha cắt ngang dòng hồi tưởng. Tôi năm nay đã gần 30 tuổi nhưng lúc nào cha cũng chăm tôi như lúc còn nhỏ. Tôi chỉ mong năm nào cũng được về ăn tết cùng cha, được cha gói ghém yêu thương qua những món ăn dân dã và hai cha con lại thủ thỉ những câu chuyện không đầu, không cuối…
Mỗi mùa xuân sang cha lại già thêm một chút, nhưng hình ảnh cha với nụ cười rạng rỡ thì vẫn luôn trẻ mãi. Với tôi, hạnh phúc chính là ánh mắt rạng ngời của cha khi đón tôi về nhà. Cha như cây mùa xuân cứ cần mẫn tích cóp nhựa sống cho mầm non đâm chồi, nảy lộc. Một năm mới bắt đầu với bao ước mơ về cuộc sống ấm no, khỏe mạnh, bình an và điều mong ước lớn nhất của tôi chính là mỗi khi trở về vẫn có cha mỉm cười đón đợi.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168779/dieu-uoc-mua-xuan