Digiworld tính 'nhảy' vào mảng phân phối xe điện
Lãnh đạo Digiworld cho biết các nhãn hàng mới, ngành hàng mới bổ sung liên tục trong năm nay. Đây là bàn đạp cho DGW gia tăng nguồn thu và phát triển so với các đối thủ.

Lãnh đạo Digiworld tiết lộ doanh nghiệp sẽ sớm lấn sân sang mảng xe điện. Ảnh: DGW.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra sáng nay, CTCP Thế giới số - Digiworld (HoSE: DGW) - đã trình cổ đông và được thông qua kế hoạch doanh thu kỷ lục 25.450 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD), và lợi nhuận sau thuế dự kiến 523 tỷ đồng, cao nhất 3 năm. So với năm ngoái, hai chỉ tiêu này lần lượt tăng 15% và 18%.
Sẽ sớm nhảy vào mảng phân phối xe điện
Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ với các đối tác hiện có và tìm kiếm thêm những đối tác mới đồng thời mở rộng kênh phân phối đa ngành, cũng như tìm kiếm thêm sản phẩm tiềm năng.
Trong quý II, Chủ tịch Digiworld Đoàn Hồng Việt cho biết sẽ hợp tác với thương hiệu Cuckoo của Hàn Quốc và sẽ bắt đầu phân phối các đồ gia dụng như nồi cơm điện, ấm đun nước, máy lọc không khí... Trong đó, sản phẩm nồi cơm cao cấp ở tầm giá 4 triệu đồng/cái trở lên sẽ là sản phẩm chủ lực.
Trước thắc mắc của cổ đông về việc kinh doanh xe điện của Xiaomi và Huawei, Chủ tịch HĐQT Đoàn Hồng Việt cho biết cũng sẽ gia nhập vào ngành hàng mới liên quan đến xe hơi trong tương lai gần. Dù vậy, chi tiết chưa thể tiết lộ do đang quá trình đàm phán.
Hiện, doanh thu của Xiaomi chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của DGW, đến từ điện thoại di động, thiết bị phụ kiện IoT và điện gia dụng.
"Năm 2025 khi các tay to trên thị trường co cụm lại, DGW sẽ lại tăng tốc. Các nhãn hàng mới, ngành hàng mới bổ sung liên tục trong năm nay. Đây là bàn đạp cho DGW gia tăng nguồn thu và phát triển so với các đối thủ", ông Việt khẳng định.
Nợ vay và tồn kho không đáng ngại
Trước lo ngại của cổ đông về tỷ lệ nợ vay ròng của DGW gấp 1,5 lần/vốn chủ sở hữu, ông Việt cho rằng nếu nhìn rộng hơn thì công ty đang có khoảng 1.500 tỷ đồng tiền mặt.
"Trừ đi con số này thì tỷ lệ nợ vay chỉ còn 50% trên vốn chủ sở hữu, tôi cho rằng đây là con số khá an toàn", lãnh đạo DGW giải thích.
Nói về vấn đề hàng tồn kho, ông Việt cho biết Digiworld có sẵn hệ thống hàng tồn kho, trích lập hàng tồn, dự phòng giảm giá tự động. Hàng quý công ty đều có trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trên báo cáo tài chính.
"Hiện tại DGW có khoảng 10.000 mặt hàng và việc quản trị hàng tồn kho là rào cản gia nhập ngành. Thực tế trên thị trường, ngành hàng của DGW không có đối thủ cạnh tranh mới", ông Việt nói thêm.
Thông tin về kết quả kinh doanh quý I, lãnh đạo Digiworld cho biết doanh thu thuần quý đầu năm ước đạt 5.294 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 14% đạt 105 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 8,7%, cải thiện so với mức 7,8% cùng kỳ.
Lãnh đạo DGW nhận định ngành hàng điện thoại, laptop vẫn sẽ có tăng trưởng 1 con số trong vòng 5 năm tới do nhu cầu cao cấp hóa. Tuy nhiên, để đạt tốc độ tăng trưởng kép 2 con số trong 10 năm tới, công ty cần bổ sung các nhãn hàng vào các nhóm hàng có biên lợi nhuận tốt như hàng thiết bị văn phòng, hàng gia dụng, hàng FMCG.
Về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT trình cổ đông chia cổ tức cho năm 2024 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt (500 đồng/cổ phiếu), ước tính số tiền DGW cần chi là gần 110 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2025 sẽ được HĐQT xây dựng và trình lên cổ đông trong lần ĐHĐCĐ gần nhất.
Tại đại hội, HĐQT cũng trình cổ đông phương án phát hành 2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2025. Giá bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ tương đương 1/3 so với thị giá hiện tại của cổ phiếu DGW.
Nguồn Znews: https://znews.vn/digiworld-tinh-nhay-vao-mang-phan-phoi-xe-dien-post1548681.html