Đinh Công Tráng: 'Tài lưu thiên hạ, nổi danh Bắc kỳ'

Dù không phải người con của xứ Thanh nhưng tên tuổi ông đã gắn bó thân thương với đất và người quê Thanh, ông là Đinh Công Tráng, một trong những thủ lĩnh tài năng xuất chúng của khởi nghĩa Ba Đình - đỉnh cao của phong trào chống thực dân Pháp hưởng ứng Chiếu Cần Vương trên đất Thanh Hóa.

Trên quê hương Ba Đình (Nga Sơn), tên tuổi Đinh Công Tráng và các vị thủ lĩnh khởi nghĩa Ba Đình luôn được người dân nhắc nhớ.

Trên quê hương Ba Đình (Nga Sơn), tên tuổi Đinh Công Tráng và các vị thủ lĩnh khởi nghĩa Ba Đình luôn được người dân nhắc nhớ.

Theo sử sách, Đinh Công Tráng sinh ra ở làng Nham Chàng, xã Nham Kênh, tổng Cẩm Bối, phủ Lý Nhân (nay thuộc huyện Thanh Liêm, Hà Nam) trong gia đình có truyền thống làm nghề thuốc chữa bệnh cứu người. Cha ông là danh y Đinh Văn Thành nổi tiếng khắp vùng.

Ngay từ nhỏ, Đinh Công Tráng đã có tướng mạo khôi ngô, nhanh nhẹn, khẩu khí rắn rỏi nên được cha hết sức quý mến, đặt nhiều kỳ vọng. Không chỉ tìm thầy dạy tốt, chú trọng rèn luyện nhân cách, Đinh Công Tráng còn được cha truyền cho nghề làm thuốc, chữa bệnh cứu người... Cũng bởi thế, chàng thiếu niên Đinh Công Tráng được người trong vùng quý mến, còn đám trẻ trong làng thì thường tôn làm thủ lĩnh trong những trò chơi đánh trận của con trẻ. Theo học cụ Hoàng giáp Phạm Văn Nghị - một sĩ phu khí phách thời bấy giờ, Đinh Công Tráng đã từng thi đậu Tam trường.

Một số tài liệu cho biết, trước khi Đinh Công Tráng tham gia khởi nghĩa Ba Đình, ông đã làm Chánh tổng. Vào thời kỳ đó huyện Thanh Liêm thuộc phủ Lý Nhân có 8 tổng; tổng Cẩm Bối quê hương Đinh Công Tráng có 10 xã thôn. Với tấm lòng nhân nghĩa và cốt cách của kẻ sĩ, khi làm Chánh tổng Đinh Công Tráng cương quyết loại bỏ những kẻ sâu mọt ra khỏi bộ máy chính quyền; lập đội tuần phu đánh cướp giữ làng, sẵn sàng trừng trị kẻ phá hoại, răn đe những kẻ cậy quyền thế, giàu có ức hiếp dân lành... Với sự tận tâm ấy, Đinh Công Tráng trở thành vị quan gần dân, thương dân và được dân mến yêu.

Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp đánh Đà Nẵng, chiếm các tỉnh Nam Kỳ và rồi không che giấu dã tâm đánh chiếm Bắc Kỳ, đất nước suy yếu, triều đình nhà Nguyễn không quyết đoán trong việc chống giặc... trước tình thế ấy, với khí phách của kẻ sĩ, Đinh Công Tráng đã trả lại quan tước cho triều đình để thực hiện lý tưởng đánh giặc cứu nước.

Trước khi trở thành một trong những thủ lĩnh tối cao của khởi nghĩa Ba Đình, Đinh Công Tráng đã lên Sơn Tây gặp Hoàng Kế Viêm nhận lệnh đi Bảo Hà phối hợp với quân Cờ Đen chống Pháp. Ông đánh giặc ở sông Thao (Phú Thọ) cùng với Nguyễn Quang Bích rồi về giữ thành Sơn Tây, đánh giặc ở Hà Đông...

Trước sức mạnh của thực dân Pháp, triều đình phong kiến tỏ rõ sự bạc nhược. Trong triều chia thành hai phe chủ chiến và chủ hòa. Trong đó, phe chủ chiến do quan đại thần Tôn Thất Thuyết đứng đầu. Biết Đinh Công Tráng là tướng giỏi đánh trận, Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn đã mời ông vào Thanh Hóa bàn chuyện quốc sự. Sau những bàn bạc, phân tích tầm quan trọng cũng như yếu điểm của vùng đất Nga Sơn, những người đứng đầu phong trào quyết định chọn Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt xây dựng căn cứ Ba Đình để bảo vệ “cửa ngõ” miền Trung, làm bàn đạp đánh thực dân xâm lược ở đồng bằng. “Trong 3 người có quyền chỉ huy tối cao ở Ba Đình, nếu cả ba đều là nho sĩ, quan lại của nhà Nguyễn thì Đinh Công Tráng là người ít tuổi nhất nhưng lại là người có bề dày kinh nghiệm đánh Pháp. Chính vì vậy mà danh nghĩa chỉ huy cao nhất căn cứ Ba Đình là Phạm Bành nhưng quyền chỉ đạo trực tiếp về quân sự và kiến trúc căn cứ này thuộc về Đinh Công Tráng” (theo PGS.TS Hà Mạnh Khoa, Viện Sử học).

Ba Đình bấy giờ là một xã vùng đồng chiêm trũng với ba làng Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh. Gọi căn cứ này là Ba Đình vì mỗi làng có một ngôi đình, đứng từ làng này có thể nhìn thấy đình làng kia. Ba Đình khi đó như thế chân kiềng nổi lên giữa cánh đồng ngập nước bao bọc bởi sông Chính Đại và sông Hoạt.

Dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng, căn cứ Ba Đình được bao bọc bởi hệ thống lũy tre dày đặc, cùng với đó là hệ thống hào rộng, thành đất vững chãi. Phía trong thành có hệ thống giao thông hào để vận chuyển lương thực và di chuyển khi nghĩa quân chiến đấu. Ở những vị trí xung yếu đều có công sự vững chắc. Các hầm chiến đấu xây theo kiểu chữ “Chi” nhằm hạn chế thương vong cho nghĩa quân. Còn ở khu vực mỗi làng - vị trí đình làng được bố trí đồn đóng quân. Đồn Thượng ở làng Thượng Thọ; đồn Trung ở làng Mậu Thịnh; đồn Hạ ở làng Mỹ Khê. Ba đồn vừa có thể chiến đấu độc lập, lại có thể hỗ trợ nhau khi cần thiết... Nhìn từ bên ngoài, căn cứ Ba Đình được bao bọc bởi lũy tre dày đặc khiến kẻ địch khó phát hiện bên trong.

Sau khi việc kiến thiết căn cứ Ba Đình cơ bản hoàn thiện, thủ lĩnh Đinh Công Tráng bắt đầu chỉ huy nghĩa quân chặn đánh các đoàn xe của thực dân Pháp trên đường hành quân ra phía Bắc. Ban đầu, kẻ địch khinh thường, nhưng sau đó tần suất bị tấn công liên tục, thiệt hại gia tăng... Chúng điên cuồng truy lùng và tìm ra căn cứ Ba Đình.

Theo các tài liệu, cuối năm 1886, thực dân Pháp tập trung đến 4.000 quân, có súng đạn, đại bác hung hăng tấn công trực diện vào căn cứ Ba Đình song thất bại. Không đạt được ý định khiến cho kẻ địch “sa lầy” ở Ba Đình. Thông tin bất lợi nhanh chóng truyền về nước Pháp. Kẻ địch xác định, nếu không nhanh chóng phá hủy căn cứ Ba Đình thì sự tổn thất thật sự khó lường. Chính vì thế, cùng với việc tăng cường lực lượng, chúng cử đến Ba Đình những viên tướng giỏi trận mạc.

Kẻ địch đã tiến hành nhiều bước nhằm cô lập căn cứ Ba Đình, ngăn chặn nguồn tiếp tế từ bên ngoài vào và sau đó tháo nước từ các con sông nhằm biến căn cứ trở thành ốc đảo. Dẫu vậy, dưới sự chỉ huy dũng mãnh, kiên cường của các thủ lĩnh khởi nghĩa Ba Đình và Đinh Công Tráng, căn cứ Ba Đình vẫn đứng vững.

Không còn đủ kiên nhẫn, giữa tháng 1/1887, thực dân Pháp hạ lệnh tổng tấn công Ba Đình. Chúng đổ dầu vào lũy tre, cùng lúc tập trung đại bác điên cuồng bắn phá dồn dập, trong thời gian ngắn đã biến nơi đây thành một vành đai lửa khổng lồ.

Trước sức mạnh áp đảo của thực dân Pháp, các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa buộc phải hạ lệnh rút quân khỏi Ba Đình, lên Mã Cao để củng cố lực lượng. Sau khi bị truy lùng riết ráo, Đinh Công Tráng vào Nghệ An nhằm tìm cách xây dựng lực lượng. Đáng tiếc, tại đây, vì có kẻ chỉ điểm mà ông bị rơi vào tay thực dân Pháp, sau đó hy sinh anh dũng.

Dẫu đàn áp được cuộc khởi nghĩa và phá hủy căn cứ Ba Đình song tướng giặc Pháp là Masson cũng không giấu khỏi sự thán phục trước tài bày binh, đánh trận của thủ lĩnh Đinh Công Tráng: “Ông là người có trật tự, trọng kỷ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình, biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập thế trận” (Dẫn theo sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam).

Về sau, thi sĩ Tản Đà cũng dành cho ông sự ái mộ qua những vần thơ, như: “Hơn người trí dũng thông minh/ Tài lưu thiên hạ, nổi danh Bắc Kỳ”.

Khởi nghĩa Ba Đình và phong trào Cần vương dù không đi đến thắng lợi cuối cùng song đó vẫn mãi là dấu son minh chứng cho tinh thần yêu nước bất khuất từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Trong đó, Đinh Công Tráng, một trong những vị thủ lĩnh xuất sắc của khởi nghĩa Ba Đình mãi là tấm gương về tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường. Sự tận hiến của ông không chỉ lưu danh sử sách mà còn sống mãi trong lòng người dân.

Ông Trịnh Xuân Đắc, bậc lão niên được ví như pho sử sống của quê hương Ba Đình, chia sẻ: “Trên quê hương Ba Đình (Nga Sơn), suốt hàng trăm năm qua, tên tuổi Đinh Công Tráng cùng những thủ lĩnh của khởi nghĩa Ba Đình năm xưa như Hoàng Bật Đạt, Phạm Bành luôn được người dân nhắc nhớ, biết ơn”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Kỷ yếu hội thảo khoa học khởi nghĩa Ba Đình; Đinh Công Tráng thủ lĩnh khởi nghĩa Ba Đình; và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dinh-cong-trang-tai-luu-thien-ha-noi-danh-bac-ky-32547.htm