Đình Đại Phùng – di sản văn hóa, kiến trúc độc đáo xứ Đoài
Những ngày này, người dân thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng rộn ràng trang trí đường làng ngõ xóm, tập dượt các nghi thức rước lễ, tất bật sửa soạn đón khách mừng ngày hội làng và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng.
Lưu giữ di sản nghệ thuật chạm khắc đỉnh cao
Từ Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến nay, không khí tại khu vực đình Đại Phùng, xã Đan Phượng luôn rộn ràng khi chính quyền và Nhân dân tất bật chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của địa phương. Đó là lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng vào ngày 15/2, tức 18 tháng Giêng.
![Đình Đại Phùng nhìn từ trên cao.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51444540/fd7ba85c9c12754c2c03.jpg)
Đình Đại Phùng nhìn từ trên cao.
Trò chuyện với Kinh tế & Đô thị, cụ Bùi Vinh Thủy – thủ từ đình Đại Phùng cho biết, đình có từ thế kỷ XVII, thờ vọng thiên thần Tích Lịch Hỏa Quang, tức là Pháp Điện, được cả tổng Phùng xưa tôn thờ Thành hoàng và thờ tướng Vũ Hùng (nhân thần) - vị tướng đã có công dẹp giặc đời vua Trần Nghệ Tông. Ông được nhà Trần truy tặng danh hiệu Trần triều Trung quân Ngã Bốn, Vũ Hùng Đại Vương. Làng Đại Phùng là nơi ông đã từng đóng quân. Nhớ ơn ông, dân làng lập đền thờ, lấy ngày 18/1 Âm lịch làm ngày hóa của Thành hoàng làng Đại Phùng.
Đình Đại Phùng là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc văn hóa đặc biệt độc đáo, đầy ắp các di vật quý giá cả về văn hóa vật thể lẫn phi vật thể. Khu di tích nằm ở trung tâm làng Đại Phùng, trên một khuôn viên rộng 2.542m2. Kiến trúc đình Đại Phùng gồm ba hạng mục chính là tiền tế, đại bái và hậu cung; đầu hồi phía phải là một giếng cổ, nguồn nước đá ong bốn mùa trong xanh.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51444540/8e5cde7bea35036b5a24.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51444540/56360411305fd901804e.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51444540/ac0eff29cb6722397b76.jpg)
![Các bức chạm khắc độc đáo tại đình Đại Phùng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51444540/c2989ebfaaf143af1ae0.jpg)
Các bức chạm khắc độc đáo tại đình Đại Phùng.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm cho biết, đình Đại Phùng là di tích đặc biệt độc đáo ở chỗ toàn bộ cấu kiện nguyên thủy được làm bằng gỗ xoan với mái lớn, thân thấp, phù hợp với cả không gian, khí hậu, hoàn cảnh, cho thấy đây là một sáng tạo của cư dân địa phương. Kết cấu ngôi đình theo kiểu “chồng rường - giá chiêng - hạ kẻ” với 6 hàng chân, toàn bộ ngôi đình có 64 cột, đường kính cột lớn nhất trên 0,6m.
Giá trị lớn nhất ở đình Đại Phùng là còn giữ nguyên các mảng chạm khắc dày đặc với gần 1.000 họa tiết đạt đến trình độ nghệ thuật rất cao, hiếm thấy ở nước ta nói chung, thế kỷ XVII nói riêng. Ở nơi đây, các nghệ nhân đã thao diễn kỹ thuật một cách điêu luyện dưới dạng chạm bong, lộng với rất nhiều đề tài và bố cục sống động, phản ánh đời sống xã hội đương thời. Tiêu biểu như hình tượng “Vinh quy bái tổ”, “Mả táng hàm rồng”, “Tiên tắm đầm sen”, “Đấu vật”…
![Người dân Đan Phượng dâng lễ tại đình Đại Phùng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51444540/a52df80acc44251a7c55.jpg)
Người dân Đan Phượng dâng lễ tại đình Đại Phùng.
Nét đặc biệt có một không hai của ngôi đình này là không một chi tiết nào giống nhau, từ họa tiết kẻ liền bẩy bốn góc, kẻ liền bẩy vì chính, đến các đầu dư đầu duôi, xà thượng, các chồng rường, bát đỡ, câu đầu... đều là những tác phẩm nghệ thuật kiệt tác.
Trong số các tác phẩm chạm khắc được lưu giữ tại đình Đại Phùng hiện nay có các cảnh về cõi trần và cõi tiên, phản ảnh con người và tự nhiên là một. Ngoài ra, tại đây có vô số chạm khắc con vật, từ các loài linh vật như long, ly, quy, phượng, đến các con vật gắn với chiến binh như ngựa chiến, voi chiến; các loài vật gần gũi với người như trâu, mèo, chim, cá, thạch sùng… đều được chạm khắc sinh động trên các đầu dư, xà, bẩy của nội thất ngôi đình.
Được nhiều người nói tới là bức chạm "Mèo ngoạm cá" với các nét chạm tỉ mỉ đến từng sợi ria mép, vành tai của mèo và đến từng chiếc vảy, vây cá. Bức chạm "Rồng và thằn lằn" vui đùa được cho là thể hiện quan niệm của người xưa về thằn lằn (thạch sùng) như một linh vật giữ lửa tương tự như rồng.
![Đình Đại Phùng được gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51444540/788126a612e8fbb6a2f9.jpg)
Đình Đại Phùng được gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
“Có thể nói những mảng chạm tinh tế đã thể hiện các ý tưởng, nội dung có giá trị cao về nghệ thuật, phong phú về thể loại và tập trung khai thác các đề tài sinh hoạt văn hóa dân gian, tâm linh, thể hiện ước vọng của người dân. Hệ thống các mảng chạm của đình Đại Phùng, dưới bàn tay của nghệ nhân dân gian đã được bố trí, lồng ghép vào trong các cấu kiện kiến trúc, tạo nên một tổng thể sinh động nghệ thuật” – bà Nguyễn Thị Quỳnh Lâm chia sẻ.
Ngoài ra, đình Đại Phùng còn là kho bảo tồn và lưu trữ một khối di vật phong phú như long ngai bài vị, bát hương, hương án, y môn, cửa võng, bát bửu, kiệu… cùng một số đồ thờ tự giá trị có niên đại trải dài từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.
Phát huy giá trị di sản
Xã Đan Phượng xưa kia là vùng đất trù phú với sự nhộn nhịp của thương thuyền, thuở sông Hát (Hát Giang) còn mở thông nối sông Đáy với sông Hồng qua cửa Hát Môn (hiện khu vực này nay đã bị bồi lấp). Ngôi đình Đại Phùng khang trang, bề thế, cổ kính tọa lạc ở đầu làng, hướng Tây Bắc nhìn về phía sông Đáy cổ và núi Tản Viên. Việc thông thương thuận tiện với Thăng Long làm vùng làng quê này tiếp cận được với mức độ văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật bậc cao thời bấy giờ và sản sinh ra nhiều bậc anh tài trong cả học hành, khoa cử, kinh doanh.
![Diễn tập thực hiện nghi lễ chuẩn bị cho hội đình Đại Phùng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51444540/85f6dad1ee9f07c15e8e.jpg)
Diễn tập thực hiện nghi lễ chuẩn bị cho hội đình Đại Phùng.
Trò chuyện với Kinh tế & Đô thị, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Xuân Sách cho biết, không chỉ có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đình Đại Phùng còn là nơi hiếm hoi có bức chạm khắc đàn đáy – nhạc cụ của nghệ thuật ca trù. Điều này cho thấy loại hình nghệ thuật ca trù xuất hiện ở mảnh đất Đan Phượng từ khá sớm.
Không những vậy, ngày 9/12/1966 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã về dự chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác cán bộ thủy lợi chuyên toàn miền Bắc tổ chức tại đình Đại Phùng. Khi đi thăm di tích, thấy đình Đại Phùng là di sản văn hóa có giá trị đặc biệt lại đang xuống cấp, Thủ tướng đã đề nghị cấp kinh phí tu sửa cấp tốc.
Năm 2010, đình Đại Phùng được tu bổ, tôn tạo tổng thể. Một số cột gỗ xoan được thay thế bằng gỗ lim, song các họa tiết đặc biệt quý hiếm của đình Đại Phùng vẫn được bảo tồn nguyên giá trị vốn có. Cũng trong năm 2010, đình Đại Phùng được gắn biển Công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
![Trang trí đường làng ngõ xóm tại thôn Đại Phùng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51444540/cbbe9399a7d74e8917c6.jpg)
Trang trí đường làng ngõ xóm tại thôn Đại Phùng.
Dịp 18 tháng Giêng, cả thôn Đại Phùng nhộn nhịp bước vào chính hội. Từ trước Tết Nguyên đán, các hộ gia đình trong thôn đã chung tay đóng góp trang trí đường làng ngõ xóm với những cụm đèn lồng, dải cờ Đảng, cờ Tổ quốc, cờ đuôi nheo rực rỡ. Bà con còn ra quân dọn vệ sinh môi trường, chỉnh trang diện mạo làng xóm khang trang, sạch đẹp để đón ngày hội lớn.
Trưởng thôn Đại Phùng Cù Đình Lịch cho biết, thôn có 815 hộ dân, hơn 3.400 nhân khẩu. “Dù di tích đình Đại Phùng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2019 nhưng vì nhiều lý do nên năm nay địa phương mới tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng. Năm nay lại là năm mở hội lớn 5 năm một lần với nhiều hoạt động, nghi lễ đặc sắc nên người dân rất phấn khởi” – ông Cù Đình Lịch chia sẻ.
![Trưởng thôn Đại Phùng Cù Đình Lịch chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_11_51444540/28a7718045ceac90f5df.jpg)
Trưởng thôn Đại Phùng Cù Đình Lịch chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị.
Những năm mở hội lớn, làng Đại Phùng mời các làng trong xã như: Đông Khê, Đoài Khê, Phượng Trì… tham gia hội đồng rước. Đoàn rước kiệu của các làng hoành tráng, cờ biển rợp trời, trống chiêng rộn rã. Nam, phụ, lão, ấu đủ các thành phần đoàn thể cùng vào hội. Khí thế hùng dũng oai nghiêm của đoàn rước mô phỏng cảnh xuất quân lịch sử năm xưa của tướng Vũ Hùng đánh tan giặc rợ Cao, giành lại thanh bình cho đất nước.
Lễ và hội ở đình Đại Phùng có sự hòa đồng, trong khi ở trong đình diễn ra các tuần tế trang nghiêm, thành kính theo nghi thức cổ truyền, thì ở phía ngoài đình diễn ra rất nhiều trò vui náo nhiệt. Lễ hội đình Đại Phùng là dịp bày tỏ lòng nhớ ơn các vị tiền nhân có công với làng với nước, cầu mong “nhân khang – vật thịnh” đồng thời làm phong phú đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương.
Ngày 15/2/2025, (tức 18 tháng Giêng Âm lịch), huyện Đan Phượng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, xã Đan Phượng. Chương trình được tổ chức gồm 2 phần: phần lễ đón nhận di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng và phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc như tổ chức triển lãm ảnh, trình diễn cổ phục, chợ đặc sản văn hóa Đan Phượng, hội thi làm bánh tẻ, thổi cơm thi, trò chơi dân gian…
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dinh-dai-phung-di-san-van-hoa-kien-truc-doc-dao-xu-doai.html