Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với phụ nữ trong quá trình mang thai để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi. Đối với phụ nữ nhiễm HIV/AIDS dinh dưỡng kém trong quá trình mang thai có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

1. Vai trò của dinh dưỡng đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV

Mang thai là một hành trình tuy khó khăn nhưng đầy kỳ diệu và hạnh phúc trong cuộc đời người phụ nữ. Quá trình mang thai kéo dài khoảng 40 tuần, cơ thể người mẹ còn cần nhiều hơn chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng sự phát triển, hình thành cấu trúc cơ thể, các hệ thống cơ quan, hệ thần kinh của thai nhi.

Trong khoảng thời gian này người mẹ có những thay đổi về hormon khiến cơ thể có những triệu chứng như kén ăn, ốm nghén, buồn nôn, mệt mỏi, táo bón…

Đối với phụ nữ nhiễm HIV/AIDS quá trình mang thai lại càng gian nan hơn vì hệ thống miễn dịch bị suy yếu khiến cơ thể có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ trong thai kì.

Một chế độ dinh dưỡng kém có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của trẻ và tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con.

Bổ sung rau xanh và quả chín trong quá trình mang thai.

Bổ sung rau xanh và quả chín trong quá trình mang thai.

2. Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV

Một chế độ dinh dưỡng tốt có vai trò hết sức quan trọng đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS. Cần chú trọng bổ sung dinh dưỡng và nâng cao thể trạng giúp đảm bảo sức khỏe trong quá trình mang thai.

Cần đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng tăng từ 20 - 30% cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS: Chia nhỏ bữa ăn, bổ sung thêm các bữa phụ trong ngày, có thể bổ sung dinh dưỡng bằng thực phẩm điều trị ăn liền (RUTF) từ 2-3 gói/ngày.

Cần ăn đa dạng các loại thực phẩm và đầy đủ các nhóm thực phẩm giúp đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng mà bà mẹ và thai nhi cần.

Khi mang thai, nhu cầu protein của bà mẹ tăng lên để xây dựng và hình thành cơ thể của trẻ. Nên lựa chọn các loại thực phẩm có năng lượng cao, nguồn đạm chất lượng như thịt, cá, trứng, sữa, thủy hải sản và các loại đậu, đỗ, ngũ cốc nguyên hạt.

Đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Tăng cường rau xanh và trái cây trong chế độ ăn giúp bổ sung các loại vitamin và khoáng chất.

Cần xét nghiệm để tầm soát tình trạng thiếu vi chất và bổ sung theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Cần tái khám tại các cơ sở y tế trong suốt thai kỳ.

Cần tái khám tại các cơ sở y tế trong suốt thai kỳ.

Nhu cầu sắt tăng cao hơn ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên tình trạng thiếu máu có thể phổ biến hơn. Thiếu máu thiếu sắt gây nên hậu quả cho cả mẹ và con như nhau tiền đạo, nhau bong non, tiền sản giật, băng huyết sau sinh, sinh non, thiếu tháng, suy thai...

Vì vậy cần chú trọng bổ sung sắt, acid folic cho phụ nữ nhiễm HIV/AIDS trong thời kỳ mang thai và sau sinh 1 tháng. Bổ sung các thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn như thịt đỏ, gan, trứng gà, đỗ xanh...

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS có thể dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh ngộ độc thực phẩm. Cần chú ý đảm bảo các nguyên tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuân thủ ăn chín – uống sôi, rửa sạch tay bằng xà phòng khi chế biến thực phẩm và ăn uống, rửa kỹ các loại rau củ quả trước khi ăn, bảo quản thực phẩm đúng cách...

Hạn chế tiêu thụ các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt có gas… để giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và kháng insulin ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS.

Tái khám tại các cơ sở y tế và tầm soát các bệnh trong quá trình mang thai như đái tháo đường thai kỳ, thiếu máu, tăng huyết áp.

Tình trạng dinh dưỡng kém làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm HIV và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Dinh dưỡng đầy đủ là chìa khóa vàng giúp tăng cường sức khỏe và đảm bảo hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV/AIDS.

Cử nhân dinh dưỡng Phạm Thị Mai Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dinh-duong-cho-phu-nu-mang-thai-nhiem-hiv-169231105145339898.htm