Định hình kinh tế báo chí kỷ nguyên số
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và những ứng dụng mới, sự lên ngôi của truyền thông xã hội cũng như các nội dung trên nền tảng số đã tạo ra những cơ hội chưa từng có cho báo chí. Tuy nhiên, việc thúc đẩy đổi mới tòa soạn diễn ra với càng nhiều trở ngại, thách thức. Bên cạnh việc phải thay đổi mô hình quản trị nội dung thì vấn đề tìm hướng mới cho phát triển kinh tế báo chí cũng đặt ra cấp bách.
Thách thức hiện hữu
Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, một mục tiêu cụ thể được đặt ra là đến năm 2030 các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Như vậy, có thể thấy Chính phủ đã đặt ra vấn đề kinh tế báo chí như là một động lực quan trọng để phát triển báo chí trong thời đại kinh tế số.
Cho đến nay, theo quy định của Luật Báo chí 2016 thì các cơ quan báo chí Việt Nam hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Nguồn thu chủ yếu của báo chí truyền thống dựa vào quảng cáo và tiền phát hành báo. Tuy nhiên, những năm vừa qua, đại dịch Covid-19 cùng với sự chi phối, cạnh tranh của các nền tảng truyền thông đã tác động nặng nề đến báo chí, lượng báo in phát hành và các hợp đồng quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm mạnh; 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới... Nguồn thu trở thành nỗi lo lớn của các tòa soạn.
Để đảm bảo sự tồn tại, báo chí cần khai thác nhiều nguồn lực khác nhau, và chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết giúp báo chí tăng nguồn thu. Song phát triển kinh tế báo chí cũng là vấn đề khá phức tạp, bởi nó liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, mô hình hoạt động của báo chí. Nếu chỉ tập trung nhiệm vụ chính trị, có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội huy động được các nguồn lực kinh tế. Ngược lại khi mải mê chạy doanh số, nhiều tòa soạn “thả” cho phóng viên làm kinh tế, khoán view, hợp đồng truyền thông… dẫn đến không ít tiêu cực. Tạo nên bức tranh xám về kinh tế báo chí.
Đổi mới mô hình kinh doanh
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), nêu quan điểm: Cần nhận thức, kinh tế báo chí là một trong những động lực cơ bản và quan trọng nhất để phát triển báo chí. Một mặt, báo chí là sản phẩm văn hóa, cũng là sản phẩm chính trị, không thể bằng mọi giá để có nguồn thu, nhưng mặt khác để báo chí phát triển cần xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại.
Nhiều quan điểm cho rằng, thành công của mô hình kinh tế báo chí trong thời đại số phụ thuộc vào khả năng tạo và duy trì được cộng đồng độc giả trung thành. Hiện nay, với sự phổ biến của mạng internet và các nền tảng truyền thông xã hội, người dùng có rất nhiều lựa chọn để tiếp cận thông tin. Để thu hút và giữ chân độc giả, báo chí cần tập trung vào việc tạo ra nội dung chất lượng và độc đáo; sử dụng công nghệ để tăng cường trải nghiệm độc giả, đặc biệt là tận dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và phân tích dữ liệu…
Đồng thời, khai thác nhiều nền tảng và kênh phân phối khác nhau như trang web, ứng dụng di động, truyền hình, đài phát thanh, podcast và mạng xã hội nhằm tiếp cận đa dạng người dùng. Nội dung được tối ưu hóa cho từng nền tảng và kênh phân phối để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho độc giả.
Ở góc độ kinh tế, việc đổi mới mô hình kinh doanh báo chí là yêu cầu cấp thiết. Các tòa soạn cần thay đổi mô hình truyền thống để thích ứng với thời đại số. Thay vì chỉ tập trung vào việc bán nội dung, có thể tìm kiếm các hình thức thu nhập khác như tài trợ, tổ chức sự kiện trực tuyến, dịch vụ tư vấn, thương mại điện tử, hay là nhượng quyền thương hiệu đối với các nền tảng xuất bản...
Báo chí cũng có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác và đối tác với các công ty công nghệ, tổ chức truyền thông khác và cộng đồng để chia sẻ nguồn lực. Hợp tác giúp tăng cường khả năng cạnh tranh, đưa ra các giải pháp sáng tạo và mở rộng phạm vi phân phối.
Nhà nước là khách hàng lớn của báo chí
Theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra trong chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hội Nhà báo Việt Nam sáng 13/6, đến nay chi thường xuyên cho báo chí thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng chỉ dưới 0,5% tổng chi ngân sách thường xuyên của Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước.
Báo chí đang gặp khó khăn về tài chính. Việc giải được bài toán kinh tế báo chí sẽ giúp cho báo chí có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá. Muốn vậy thì các cơ quan báo chí phải thực hiện được cơ chế đặt hàng. Nhà nước phải là khách hàng lớn của báo chí.
Thực tế, ngân sách cho cơ quan báo chí hoạt động không phải là không có. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc xây dựng được một cơ chế thuận lợi cho báo chí. Thời gian qua, dường như chúng ta còn loay hoay với việc xây dựng định mức, đơn giá và còn thiếu sự thống nhất từ cơ quan chủ quản, đơn vị liên quan.
Tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 được tổ chức hồi tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về kinh tế để báo chí phát triển sao cho phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, không đánh mất vai trò phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, là vấn đề quan trọng, vừa có tính chất cấp bách, vừa lâu dài.
Khi tự chủ về mặt tài chính, cơ quan báo chí sẽ có quyền tự chủ cơ chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo chi trả đúng người, đúng việc; đủ nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực. Từ đó làm cơ sở nâng cao chất lượng nội dung, thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dinh-hinh-kinh-te-bao-chi-ky-nguyen-so-157298.html