Định hình lại 'bản đồ' doanh nghiệp từ thời khắc chuyển giao
Ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức quá trình sáp nhập để hình thành các đơn vị hành chính mới có quy mô và vai trò lớn hơn trong phát triển kinh tế quốc gia. Bước ngoặt này không chỉ đơn thuần là cải tổ bộ máy, mà còn tạo ra một trục mới trong cấu trúc phát triển doanh nghiệp.
Khi địa giới thay đổi, doanh nghiệp không thể tiếp tục tư duy theo bản đồ cũ. Các vùng sáp nhập đồng nghĩa với thay đổi trong phân bố dân cư, dòng vốn đầu tư, quy hoạch hạ tầng, nguồn lao động… Doanh nghiệp cần tái định vị mình trong không gian mới, xem lại vị trí chiến lược, chuỗi cung ứng, đối tác và khả năng mở rộng thị phần.

Doanh nghiệp cần tái định vị mình trong không gian mới
Trong bức tranh mới đó, bộ ba bảng xếp hạng VNR500 (Top 500 doanh nghiệp lớn nhất), PROFIT500 (Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất), FAST500 (Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất) do Vietnam Report công bố nhiều năm qua chính là ba lăng kính chiến lược, phản ánh năng lực phát triển của từng địa phương dựa trên nội lực kinh tế thực chất, mà cốt lõi là hệ sinh thái doanh nghiệp, theo ba trục: quy mô doanh nghiệp, hiệu suất sinh lời và tốc độ tăng trưởng.
Từ cực phát triển truyền thống đến hệ thống vùng động lực mới
Dữ liệu thống kê của Vietnam Report đến năm 2025 cho thấy, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn là hai trung tâm kinh tế chủ lực, dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp thuộc bảng VNR500 (lần lượt là 273 và 217 doanh nghiệp), chiếm gần một nửa tổng số cả nước. Tuy nhiên, xu hướng phân tán đang diễn ra mạnh mẽ. Các tỉnh như Đồng Nai, Hải Phòng, Hưng Yên, Tây Ninh, Quảng Ninh đang nổi lên với lực lượng doanh nghiệp lớn nhờ lợi thế vị trí, chính sách mở và đầu tư hạ tầng mạnh mẽ.
Đặc biệt, bảng PROFIT500 phản ánh rõ sự dịch chuyển hiệu suất kinh doanh về các địa phương không nằm trong nhóm trung tâm. Những địa phương như Phú Thọ, Lâm Đồng, Quảng Ngãi hay Bắc Ninh đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ vào chi phí vận hành hợp lý, mô hình linh hoạt và lực lượng lao động ổn định. Đây là minh chứng cho thấy hiệu quả không chỉ đến từ quy mô, mà còn đến từ sự tối ưu hóa và sáng tạo trong vận hành.
FAST500, nơi phản ánh tốc độ tăng trưởng, ghi nhận nhiều doanh nghiệp trẻ, tăng trưởng nhanh xuất hiện tại các tỉnh như Cần Thơ, Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Tháp. Những địa phương trước đây ít được nhắc đến trong bản đồ kinh tế giờ đang từng bước trở thành vùng tăng trưởng mới, nhờ vào chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh và công nghiệp chế biến.
Tổng thể, khi ba bảng xếp hạng này được tái cấu trúc theo đơn vị hành chính mới (34 tỉnh/thành phố sau sáp nhập), một bản đồ địa kinh tế Việt Nam phiên bản mới đã bắt đầu hình thành. Đây không chỉ là sự chuyển đổi bản đồ hành chính, mà còn là bản đồ năng lực, bản đồ chiến lược và bản đồ kỳ vọng phát triển.
Doanh nghiệp cần làm gì để không bị tụt lại?
Trước những thay đổi sâu sắc đó, câu hỏi đặt ra là: Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì?
Trước tiên, cần xác định lại vị thế trong chuỗi giá trị khu vực. Việc sáp nhập hành chính tạo điều kiện cho các cụm ngành, khu công nghiệp liên kết hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cần xác định vai trò của mình trong hệ sinh thái mới: là trung tâm sản xuất, vệ tinh cung ứng hay điểm phân phối.
Thứ hai, dữ liệu sẽ là chìa khóa chiến lược. Thay vì dựa vào cảm nhận, doanh nghiệp nên sử dụng các dữ liệu phân tích để đánh giá lại thị trường mục tiêu, vị trí đầu tư, khả năng sinh lời và năng lực tăng trưởng. Những dữ liệu này, khi được phân tích đúng cách, sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ sống sót, mà còn bứt phá.
Thứ ba, cần tăng cường liên kết vùng. Trong cấu trúc mới, không tỉnh nào có thể phát triển một mình. Sự phối hợp giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, khu công nghiệp, các trường đại học và trung tâm R&D là điều kiện tiên quyết để hình thành các cụm đổi mới sáng tạo và chuỗi cung ứng khép kín.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần đầu tư vào năng lực nội tại, đặc biệt là năng lực quản trị, công nghệ và chuyển đổi số. Trong một không gian cạnh tranh mở rộng, sự linh hoạt, nhanh nhạy và khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu sẽ là yếu tố then chốt để tồn tại và phát triển.
Vẽ lại bản đồ doanh nghiệp không chỉ là việc gắn lại tọa độ trên bản đồ hành chính, mà còn là hành trình định hình tương lai. Trong thời khắc chuyển giao này, doanh nghiệp nào nhìn thấy rõ hơn vai trò của mình trong hệ sinh thái kinh tế mới, doanh nghiệp đó sẽ có lợi thế để tiến xa, bền vững và tự tin trong kỷ nguyên phát triển kế tiếp.