Những cánh rừng mang 'chứng chỉ xanh'
Sau khi sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có hơn 585.000ha đất lâm nghiệp. Việc phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững, gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ môi trường theo chức năng của từng loại rừng tiếp tục là định hướng quan trọng của tỉnh. Trong đó, việc nhân rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là một trong những giải pháp thiết thực.

Người dân khai thác diện tích rừng trồng đạt tiêu chuẩn.
Những năm gần đây, huyện Phú Lương (cũ) xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân. Địa phương hiện có 16.700ha rừng, chiếm 48% tổng diện tích tự nhiên, trong đó rừng sản xuất là trên 14.200ha.
Từ năm 2016 đến nay, Phú Lương đã chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia các chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, đặc biệt là hỗ trợ cây giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rừng. Đồng thời phối hợp với các tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; hướng dẫn các hộ dân hoàn thiện tiêu chí, hồ sơ và mời chuyên gia đến đánh giá, cấp chứng nhận rừng. Hiện, trên địa bàn có 7.800ha rừng được cấp chứng chỉ FSC - diện tích lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.
Ông Nguyễn Đức Chung, xã Yên Trạch: Chăm sóc và bảo vệ rừng theo quy trình FSC đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Tuy nhiên, bù lại là cây trồng phát triển tốt hơn và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 13, đánh giá: Việc cấp chứng chỉ rừng FSC là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đối với cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã hay các tổ chức trồng rừng, chứng chỉ này giúp nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, ý thức bảo vệ môi trường và giá trị kinh tế từ rừng.
Với tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên rừng, việc được cấp chứng chỉ FSC không chỉ giúp quản lý rừng bền vững mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho cộng đồng, đồng thời tạo cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của địa phương.
Toàn tỉnh hiện có gần 13.000 hộ dân liên kết thành các nhóm hộ để thực hiện chứng chỉ rừng FSC với tổng diện tích gần 18.000ha. Dự kiến đến hết năm 2025, diện tích được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn toàn tỉnh sẽ đạt trên 26.000ha, bằng 1.898,6% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.
Ông Vũ Đức Công, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Để nâng cao diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC sau khi sáp nhập, ngành Kiểm lâm xác định tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý rừng bền vững đến các chủ rừng và người dân. Ngành cũng chỉ đạo rà soát diện tích rừng trồng có khả năng triển khai cấp chứng chỉ để giới thiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực của tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để triển khai hiệu quả công tác này.
Sau khi sáp nhập, tổng diện tích rừng của Thái Nguyên là trên 557.000ha. Với tiềm năng và lợi thế hiện có, việc mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng và toàn xã hội, đồng thời là cơ hội để khẳng định vị thế và giá trị thương hiệu của sản phẩm lâm sản Thái Nguyên trên thị trường quốc tế.