Định hướng phát triển nền kinh tế carbon thấp ở Việt Nam từ các chuyên gia

Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu khí thải carbon và xây dựng nền kinh tế bền vững thông qua các chính sách xanh, công nghệ tiên tiến và nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng tới một tương lai xanh và bền vững.

Tình hình carbon tại Việt Nam

Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn trong việc kiểm soát và giảm thiểu khí thải carbon do sự phát triển kinh tế nhanh chóng và sự gia tăng của các ngành công nghiệp và giao thông. Theo số liệu từ các cơ quan nghiên cứu môi trường, lượng khí thải carbon tại Việt Nam đang tăng cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nơi mức độ ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng.

Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo năm 2024 (Innovation Summit Vietnam) diễn ra vào ngày 2/8 tại Tp.HCM đã đưa ra số liệu khảo sát, có đến 94% người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm thiểu khí thải để phát triển bền vững, nhưng cũng có tới 45% cho rằng việc áp dụng các biện pháp giảm thải là rất khó khăn do thiếu nguồn lực và chính sách hỗ trợ.

Chính vì những khó khăn này đã một phần ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình xanh hóa môi trường tại Việt Nam.

Các chuyên gia thảo luận về nền kinh tế carbon thấp và sự chuyển đổi tại Việt Nam ở Hội nghị ngày 2/8. (Ảnh: BTC).

Các chuyên gia thảo luận về nền kinh tế carbon thấp và sự chuyển đổi tại Việt Nam ở Hội nghị ngày 2/8. (Ảnh: BTC).

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đặc biệt là về biến đổi khí hậu.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định cụ thể về lộ trình và các biện pháp để hướng tới xây dựng một nền kinh tế carbon thấp.

Sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đang xây dựng các lộ trình và ban hành các chính sách pháp luật liên quan.

Ví dụ, Chính phủ đang xem xét sửa đổi Nghị định 08 về hướng dẫn và quy định chi tiết một số điều thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đặc biệt là các chính sách liên quan đến quản lý rác thải.

Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BTC).

Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: BTC).

Vai trò của ngân hàng và các doanh nghiệp

Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia (Tập đoàn toàn cầu về ứng dụng công nghệ hiện đại trong điện hóa, tự động hóa và số hóa - PV), nhấn mạnh quan điểm của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh Đổi mới Sáng tạo năm 2024 (Innovation Summit Vietnam 2024) rằng: “Tương lai bắt đầu từ hôm nay và bây giờ là lúc để chúng ta hành động. Tôi nghĩ rằng trong những năm vừa qua, chúng ta làm chưa đủ để làm giảm đi sự nóng lên của toàn cầu. Mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tương lai bền vững hơn cho thế hệ mai sau".

Về vấn đề giảm phát thải môi trường cần nguồn lực tài chính cố định, đại diện Ngân hàng UOB, ông Jason Yeo, Giám đốc phát triển bền vững và Giám đốc quốc gia về chuyển đổi UOB Việt Nam cho biết: "Ngân hàng và các tổ chức tài chính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các dự án xanh.

Cung cấp các khoản vay xanh và ưu đãi tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng sẽ tạo động lực lớn cho doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, ngân hàng cần đánh giá kỹ lưỡng các dự án để đảm bảo rằng các khoản vay xanh thực sự đạt được mục tiêu môi trường.

Việc giám sát và đánh giá liên tục trong suốt hành trình của dự án sẽ giúp đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của các biện pháp giảm thải".

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Coteccons nhận định: "Chính phủ Việt Nam có sự cam kết rất lớn, đồng thời rất ủng hộ việc giảm phát thải carbon môi trường. Đây chính là cơ hội rất lớn để mọi người và các nhà đầu tư có thể thực hiện các mục tiêu đề ra".

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thách thức lớn khi triển khai các chính sách xanh: "Xu hướng ESG (ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp.

Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp) rất lớn, nhiều người đặt ra KPI (chỉ số hoàn thành mục tiêu - PV), tiêu chí rất lớn. Đừng có lậm sâu vào số liệu, tính toán quá mà phải nhìn vào yếu tố nền tảng tại sao chúng ta phải làm những việc này".

Ngoài ra, các chuyên gia còn nhắc đến việc ứng dụng công nghệ vào việc giảm phát thải carbon ra môi trường. Ứng phó với khủng hoảng kép về khí hậu và năng lượng đòi hỏi số hóa và áp dụng AI để tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tính bền vững. Công nghệ được đánh giá có thể loại bỏ 70% phát thải CO2 trong chuỗi mắt xích năng lượng. Đây chính là cơ hội lớn cho mỗi chúng ta.

Phạm Thị Mỹ Hậu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dinh-huong-phat-trien-nen-kinh-te-carbon-thap-o-viet-nam-tu-cac-chuyen-gia-204240802183411555.htm