Định hướng phát triển sầu riêng phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu
Kể từ khi trái sầu riêng được mở vào thị trường Trung Quốc, giá loại trái cây này tăng cao khiến nhiều nông dân tỉnh Bình Phước chuyển sang trồng sầu riêng với hy vọng làm giàu nhanh chóng.
Các chuyên gia khuyến cáo nông dân không vì giá sầu riêng lên cao mà phá vỡ chuỗi cung ứng, hợp tác liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, làm ảnh hưởng đến chất lượng, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Bình Phước hiện có trên 7.500 ha sầu riêng. Các địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn gồm: huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh. Trong đó, giống sầu riêng Dona chiếm 61%, Ri6 31%, Chín Hóa 5%, giống khác 4,3%. Gần đây, cây sầu riêng đang có sức hút “nóng” do mang lại giá trị kinh tế cao đã khiến nhiều nhà nông đổ xô đi trồng loại cây này bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Do cây điều liên tục cho năng suất giảm, nguồn thu nhập thấp do ảnh hưởng thời tiết bất thường. Trước tình hình đó, để có thêm thu nhập, gia đình bà Thanh Vân (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) đã chuyển đổi một phần diện tích điều để trồng sầu riêng với mong muốn sẽ có nguồn thu cao hơn.
Cùng với gia đình bà Thanh Vân, nhiều hộ nông dân khác như hộ ông Nguyễn Tuấn Thinh (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) cũng đã quyết định phá bỏ 1,5 ha hồ tiêu để trồng hơn 200 gốc sầu riêng; hộ ông Bùi Văn Nho (ngụ xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng) phá bỏ 2 ha cao su và 1 ha điều cho thu hoạch nhiều năm qua để trồng hơn 300 gốc sầu riêng giống Musang King…
Trước tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước khuyến cáo nhà nông không nên chạy đua trồng sầu riêng theo phong trào bởi đây là cây trồng đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật cao trong tất cả các khâu, từ lúc trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm.
Bên cạnh đó, sầu riêng rất nhạy cảm với những tác động thời tiết, sâu bệnh, việc điều trị cây khi đã bị nhiễm bệnh rất khó và chi phí khá cao. Ngoài ra, một số vùng trồng không phù hợp, không chủ động nguồn nước tưới... cũng sẽ gây thiệt hại về năng suất và chất lượng sầu riêng của tỉnh, đồng thời có thể phá vỡ quy hoạch của một số cây trồng khác.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, người nông dân trồng sầu riêng phải có kế hoạch, định hướng, nghiên cứu kỹ càng để tránh tình trạng cung vượt cầu, dư thừa sản lượng, được mùa rớt giá.
Ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi
Bình Phước hiện có trên 3.500 ha sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng hơn 33.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 65 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 2.500 ha; trong đó huyện Bù Đăng dẫn đầu với 28 mã số vùng trồng. Niên vụ sầu riêng 2023 – 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 3.539 ha đang cho sản phẩm với năng suất bình quân 9,9 tấn/ha. Riêng diện tích sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng cho năng suất bình quân 16 tấn/ha.
Vụ mùa năm nay ước sản lượng sầu riêng trên địa bàn tỉnh giảm 20% so với niên vụ trước do ảnh hưởng thiên tai hạn hán. Tuy nhiên, giá sầu riêng lại cao nhất từ trước đến nay, với mức bình quân loại I đạt 72.000 đồng/kg đối với giống Ri.6 và 80.000 đồng/kg đối với giống sầu riêng Dona.
Là địa phương dẫn đầu về diện tích cây sầu riêng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng Nguyễn Huy Long cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 30 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động; trong đó, có gần 10 hợp tác xã dịch vụ, cung ứng, liên kết với các hộ nông dân sản xuất sầu riêng, thu hút khoảng 450 thành viên đang tích cực phát huy vai trò tập hợp nông dân, liên kết sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra cho hơn 500 ha sầu riêng trên địa bàn huyện.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng khuyến cáo người nông dân, doanh nghiệp trồng sầu riêng cần thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn đặt ra, tuân thủ nội dung hợp tác giữa các bên. Đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao trong quá trình canh tác sầu riêng.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông, trưởng các khu phố, thôn để đồng hành với nông dân trong trồng và chăm sóc cây sầu riêng đúng kỹ thuật, theo hướng an toàn và bền vững.
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp và các doanh nghiệp tham gia vào “chuỗi liên kết trồng sầu riêng”, để phát triển bền vững, hiệu quả cây sầu riêng phải có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị; duy trì và đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu VietGAP và nâng dần tiêu chuẩn GAP nhằm cạnh tranh sản phẩm, tìm kiếm nhiều thị trường mới tiêu chuẩn GAP cao hơn, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, Bình Phước đã xây dựng được 31 chuỗi liên kết trồng sầu riêng; trong đó, có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết với 29 hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh. Bình Phước đang định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000 – 10.000 ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Các nhà máy trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cấp mã số đóng gói cấp đông trước khi xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc. Công suất chế biến sầu riêng cấp đông của mỗi nhà máy trên địa bàn tỉnh đạt từ 40 – 160 tấn/ngày.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cũng cho biết vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp VNPT Bình Phước đã tổ chức ký kết và triển khai chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng và giải pháp phát triển sầu riêng bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Đây là hệ sinh thái chuyển đổi số do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam GREEN triển khai trong thời gian tới ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Bình Phước là địa phương đầu tiên được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam GREEN chuyển giao hệ sinh thái chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp từ quy trình canh tác đến nguyên liệu đầu vào, đầu ra đối với các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh.