'Định kiến giới trong chọn nghề. Làm sao vượt qua để sống đúng với ước mơ?'

'Nếu tôi vì sợ người ta đánh giá mà chọn nghề khác, có lẽ giờ này tôi đã ngồi bàn giấy, làm công việc mà mình không hề yêu thích. Được làm kỹ sư máy tàu là điều tôi tự hào và tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn gái dám chọn điều mình thực sự muốn'. Đây là chia sẻ của nữ kỹ sư Hứa Nguyễn Hoài Thương, người đã kiên định theo đuổi trở thành người phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam tốt nghiệp ngành Máy tàu biển và trực tiếp làm việc trên các tàu Viễn Dương.

Giới tính không quyết định nghề nghiệp

Hành trình của Hoài Thương là tâm điểm trong số mới nhất của podcast “Hành trình kiến tạo tương lai”, một sản phẩm phối hợp giữa trường ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM và báo Tiền Phong, nhằm truyền cảm hứng cho giới trẻ và thay đổi tư duy định kiến về nghề nghiệp theo giới.

Với chủ đề: “Định kiến giới trong chọn nghề. Làm sao vượt qua để sống đúng với ước mơ?”, câu chuyện không chỉ thu hút sự quan tâm của học sinh, mà còn khiến nhiều phụ huynh và nhà giáo dục phải nhìn lại tư duy định hướng nghề cho con em mình.

 Toàn cảnh podcast “ Hành trình kiến tạo tương lai” số 4.

Toàn cảnh podcast “ Hành trình kiến tạo tương lai” số 4.

Rào cản lớn nhất không phải chương trình học mà là cách nhìn

Chia sẻ với chương trình, kỹ sư Hoài Thương nhớ lại: “Khi tôi quyết định đăng ký ngành Máy tàu biển, không ít người ngạc nhiên. Một số bạn cười bảo tôi ‘chơi liều’, nhiều thầy cô cũng ngỡ ngàng. Nhưng tôi thích kỹ thuật, thích hiểu cách vận hành của động cơ và muốn được làm việc thực tế, ở những nơi thử thách”.

Từ ngày đầu bước vào giảng đường, Hoài Thương là nữ sinh duy nhất trong lớp. Không có phòng ký túc xá nữ cho ngành này, không có nhiều tài liệu hay hình mẫu nữ giới đi trước để học hỏi. Nhưng cô gái trẻ không lùi bước.

Thậm chí, sau khi ra trường, Hoài Thương còn xin làm việc thực tế trên tàu biển – một môi trường được coi là “chỉ dành cho nam giới”. Từ việc ngủ trong cabin hẹp, chịu cảnh sóng dữ, làm việc 12 - 14 tiếng/ngày dưới tầng máy nóng bức… cô đã vượt qua tất cả bằng bản lĩnh, đam mê và quyết tâm.

Giờ đây, khi nhìn lại, Hoài Thương khẳng định: “Tôi chưa bao giờ thấy mình yếu hơn đồng nghiệp nam. Điều khiến tôi khác biệt là tôi tin vào lựa chọn của mình và không để định kiến đánh bại mình”.

 Hình ảnh Hoài Thương đã kiểm tra các thiết bị trên tàu.

Hình ảnh Hoài Thương đã kiểm tra các thiết bị trên tàu.

“Chúng ta đang vô tình dập tắt những ước mơ nữ giới”

Cùng xuất hiện trong chương trình, TS Tâm lý Nguyễn Hữu Long bày tỏ lo ngại khi rất nhiều học sinh đặc biệt là nữ vẫn bị bó hẹp trong những khuôn mẫu nghề nghiệp từ rất sớm.

“Rất nhiều em gái học tốt Toán, Lý, đam mê kỹ thuật nhưng lại bị ngăn cản: ‘Nữ thì học Sư phạm, Kinh tế thôi’. Ngược lại, nam giới muốn làm điều dưỡng, giáo viên mầm non lại bị cho là ‘mất nam tính’. Chúng ta đang vô tình áp đặt những tiêu chuẩn giới lệch lạc lên sự nghiệp và cuộc đời của các em”, TS Long bày tỏ.

Theo TS Nguyễn Hữu Long, giới tính không quyết định năng lực và càng không phải là thước đo để chọn nghề. Việc gán nhãn các ngành nghề theo giới là hệ quả của tư tưởng cũ kỹ, đang cản trở sự phát triển toàn diện của xã hội hiện đại.

“Trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu, không phải giới tính mà năng lực mới là yếu tố quyết định. Những nữ kỹ sư, nữ lập trình viên, nữ nhà khoa học... ngày càng nhiều và thành công, bởi họ được trao quyền và được tin tưởng.”, TS Nguyễn Hữu Long nêu thực tế.

 Podcast “Hành trình kiến tạo tương lai” số 4 do báo Tiền Phong phối hợp với trường ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM (UTH) thực hiện.

Podcast “Hành trình kiến tạo tương lai” số 4 do báo Tiền Phong phối hợp với trường ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM (UTH) thực hiện.

Định hướng nghề nghiệp cần đi cùng... thay đổi nhận thức

Tại Việt Nam, dù phong trào bình đẳng giới đã có nhiều bước tiến, nhưng định kiến nghề nghiệp theo giới vẫn còn âm ỉ, đặc biệt ở các vùng nông thôn, hoặc trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh.

Chính vì vậy, TS Nguyễn Hữu Long cho rằng, việc hướng nghiệp cho học sinh không thể tách rời giáo dục nhận thức giới. Nhà trường cần tạo ra môi trường định hướng nghề nghiệp công bằng, truyền thông cần lan tỏa hình ảnh phụ nữ làm kỹ thuật, nam giới làm giáo dục một cách bình thường.

Dưới góc độ là phụ huynh, TS Nguyễn Hữu Long nhấn mạnh: “Làm cha mẹ, điều quan trọng không phải là định hướng con học nghề gì để ‘ổn định’, mà là lắng nghe con thích gì, phù hợp với nghề gì. Hãy để các em được sống với năng lực và ước mơ của chính mình”.

"Câu chuyện của kỹ sư Hoài Thương không chỉ là một trường hợp “vượt định kiến” cá nhân. Nó là lời nhắc nhở bạn trẻ: Không có ngành nghề nào dành riêng cho con trai hay con gái; mỗi người chỉ sống một lần, đừng sống theo kỳ vọng của người khác; ước mơ của bạn là duy nhất, hãy bảo vệ và theo đuổi nó đến cùng", TS Nguyễn Hữu Long chia sẻ thêm.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/dinh-kien-gioi-trong-chon-nghe-lam-sao-vuot-qua-de-song-dung-voi-uoc-mo-post1764166.tpo