Định kiến vùng miền vẫn âm ỉ trong lòng xã hội

Có một thứ vẫn vô tình trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đó là vấn nạn kỳ thị và định kiến vùng miền. Nhiều người yêu quê hương của mình nhưng chưa tôn trọng quê hương của người khác. Và định kiến vùng miền đã ăn sâu vào suy nghĩ, vào lời ăn tiếng nói hàng ngày, ở nhiều khía cạnh của cuộc sống.

Nếu như ngày trước, những định kiến vùng miền chỉ là sự hoài nghi thì bây giờ khi mạng xã hội và thông tin ngày càng phát triển, những hoài nghi đó đã biến thành thành kiến, khiến nhiều người đau đầu khi phải đối diện.

Trên mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều hội nhóm mang tên “Hội những người ghét dân ...”, “Hội ghét dân...”. Đa phần trên các nhóm này, bất kỳ bài đăng nào đều nhằm mục đích chế giễu, chê bai người dân ở địa phương khác bằng những ngôn từ xúc phạm. Hoặc các nhóm này cắt ghép, lấy ảnh chế với nội dung bôi nhọ, như “Không tuyển người làm từ ...”, “Chọn bạn ở ghép, miễn không phải là người xứ...”. Các nhóm này thường xuyên lấy hình ảnh, tin bài để công kích, miệt thị người dân ở một số tỉnh. Và khi có nhiều người cùng chung mục tiêu công kích người khác, họ trở nên hào hứng, bất chấp mọi việc.

Những năm trước đây, một số doanh nghiệp, khi tuyển lao động họ treo biển “Không tuyển lao động tỉnh X, Y, Z …”, và họ không bị xử phạt. Bởi Bộ luật Lao động hiện nay chỉ điều chỉnh các: “Phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, người nhiễm HIV, khuyết tật…”, chứ chưa có từ nào nghiêm cấm về phân biệt vùng miền.

Không chỉ trong nước mà trên thế giới, định kiến vùng miền cũng rất phổ biến. Tại Mỹ, năm 2008, một cuộc khảo sát công khai quy mô quốc gia cho thấy 4-6% người Mỹ thừa nhận họ không muốn bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên người Mỹ gốc Phi nào làm tổng thống. Còn các học giả quốc tế cũng cho rằng kỳ thị vẫn có ở bất cứ nơi đâu, nó không suy giảm trên thực tế, mà chỉ gián tiếp, ngấm ngầm làm giảm đi tình cảm con người với nhau.

Định kiến vùng miền rất dễ hình thành, khó triệt tiêu và không dễ dàng nhận diện. Điều này cũng giống như “Trông mặt mà bắt hình dong”, “Nghe quê hương mà đoán tính cách”…, khi ta chưa tìm biết cặn kẽ, thấu hiểu một con người mà chỉ phán đoán, nhận định dựa trên suy nghĩ chủ quan và thông tin thiếu xác nhận rất dễ dẫn dắt đến nhiều hành động sai trái, không hợp lý.

Đối với các bạn trẻ ngày nay, việc tiếp xúc với một thế giới mở, từ nhiều nền văn hóa, phong tục, quan điểm khác nhau sẽ đem lại cho chúng ta một nguồn kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống. Do đó, đừng chỉ vì những thành kiến ấy mà mất đi một người bạn, một cơ hội việc làm, hay hơn thế là một tình yêu tuyệt đẹp trong cuộc sống để rồi phải hối tiếc về sau.

NHẬT MINH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/148/277342/dinh-kien-vung-mien-van-am-i-trong-long-xa-hoi.html