Dịp lễ gắn bó người dân Xạ Phang với vật nuôi
Xạ Phang là một trong 19 dân tộc anh em tại Điện Biên, sinh sống trên rẻo núi cao. Trải qua quá trình sinh sống phát triển, người Xạ Phang vẫn giữ nhiều nét văn hóa, tập tục truyền thống độc đáo. Một trong số đó là Tết gia súc - dịp lễ thể hiện sự gắn bó giữa con người và vật nuôi, sự quan trọng của sức kéo trong đời sống nông nghiệp của người Xạ Phang.
Người Xạ Phang cư trú chủ yếu tại các huyện: Mường Chà, Tủa Chùa, Nậm Pồ và Mường Nhé; có nền văn hóa lâu đời, phong phú. Bản Huổi Lèng, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) là nơi sinh sống của người dân tộc Xạ Phang với 44 hộ, gần 300 nhân khẩu. Những tháng cuối năm khi vụ mùa xong, nương sắn đã thu, nương ngô đã hái… sẽ là khoảng thời gian người dân ở đây tổ chức Tết gia súc mà bà con gọi vui là “ngày sinh nhật” trâu bò. Trong ngày tổ chức Tết gia súc, người dân và vật nuôi đều nghỉ ngơi, tạm gác lại công việc thường ngày.
Tết gia súc được ấn định vào ngày 1/10 âm lịch hằng năm. Việc tổ chức Tết khá đơn giản. Công đoạn quan trọng nhất có lẽ là giã bánh giầy, với gạo nếp tròn mẩy mới thu trong vụ mới, được lựa chọn kỹ càng, đồ thành xôi và giã thành bánh. Khi bánh đã nhuyễn, còn nóng hổi các bà, các mẹ người Xạ Phang chia bánh giầy thành 2 phần, một phần được nặn tròn, đựng vào lá chuối để cúng tổ tiên; nửa còn lại được vê thành miếng tròn nhỏ hơn, gắn lên sừng trâu, sừng bò của gia đình.
Người Xạ Phang quan niệm trong ngày này, trâu bò của gia đình được ưu tiên “ăn tết” trước với những đồ ăn người dân đã chuẩn bị. Những người đàn ông trong nhà đi cắt cỏ, lấy nước sạch pha muối… để đảm bảo khẩu phần ăn ngon nhất cho gia súc của gia đình trong ngày Tết gia súc.
Tết gia súc của dân tộc Xạ Phang thể hiện sự thân thiết, gắn bó giữa vật nuôi cùng người nông dân nói chung, người Xạ Phang nói riêng, thể hiện vai trò gia súc trong đời sống văn hóa tinh thần cũng như kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Xạ Phang.