Đổ bệnh vì nắng nóng
Thời tiết nóng gắt ở khu vực phía Nam khiến cuộc sống người dân đảo lộn, kèm theo đó là nhiều tiềm ẩn biến cố về sức khỏe
Trường hợp mới nhất vừa được Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tiếp nhận là nam bệnh nhân (34 tuổi, mưu sinh bằng xe công nghệ) đến khám trong tình trạng mệt mỏi kéo dài, tim đập nhanh, vã mồ hôi nhiều. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân kiệt sức do làm việc ngoài trời dưới nắng nóng dẫn đến mất nước kéo dài.
Sốc nhiệt, kiệt sức
Người bệnh được khuyên nghỉ ngơi, bổ sung dung dịch điện giải đường uống, kê đơn một số thuốc bồi bổ cơ thể và điều chỉnh sinh hoạt. Ngoài uống nước rải rác cả ngày, tăng cường bổ sung nước có chứa điện giải nếu làm việc lâu dưới nắng cần ưu tiên trang phục thoáng mát, nghỉ giải lao 15 - 20 phút mỗi 2 giờ và đặc biệt ngưng chạy xe trong khung giờ nắng gắt.
TS-BSCK2 Kiều Xuân Thy, Phó trưởng cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 20 - 30 ca đến khám do ảnh hưởng của nắng nóng. Hầu hết người bệnh trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức sau thời gian làm việc dài ngoài trời nắng. Bên cạnh đó, một số bệnh cũng gia tăng như viêm họng, sốt, viêm mũi xoang, đau đầu migraine… Các nhóm nguy cơ cao gồm trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính (tim mạch, phổi, đái tháo đường, thận...), người lao động ngoài trời và người tham gia giao thông vào khung giờ nắng cao điểm.
Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể sẽ mất nước và điện giải nhanh chóng làm rối loạn điều hòa nội môi dẫn đến kiệt sức hoặc sốc nhiệt - một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. "Kiệt sức do nóng thường biểu hiện bằng tình trạng mệt lả, vã mồ hôi, chóng mặt, tim đập nhanh, tụt huyết áp. Trong khi đó, sốc nhiệt có thể làm thân nhiệt tăng đột ngột trên 39,5 độ C, da khô nóng, lú lẫn, rối loạn ý thức, co giật hoặc hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời có thể gây tổn thương đa cơ quan và tử vong" - BS Thy cảnh báo.
Theo các chuyên gia y tế, nắng nóng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cả trẻ em và người lớn, đặc biệt là các bệnh tim mạch, hô hấp, da liễu…
Uống nước đúng cách
TS-BS Tạ Vương Khoa, Phó trưởng Khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Quân y 175, cảnh báo thêm nắng nóng có thể làm trầm trọng các bệnh lý mạch máu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (như từ ngoài trời nắng vào phòng lạnh) có thể khiến mạch máu co thắt, huyết áp biến động dẫn đến tai biến nghiêm trọng. Người cao tuổi và người có bệnh nền là nhóm cần đặc biệt lưu ý vì khả năng điều hòa thân nhiệt kém hơn người trẻ.

Người bệnh đến khám tại cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM do ảnh hưởng của nắng nóng
Theo BS Nguyễn Tiến Lộc, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP HCM), nhiều người có thói quen chỉ uống nước khi khát nhưng thực tế cơ thể đã thiếu nước trước khi cảm thấy khát. Thay vào đó, nên uống nước đều đặn từng ngụm nhỏ trong suốt cả ngày. Đặc biệt, việc bổ sung điện giải cũng rất quan trọng. "Chỉ uống nước lọc là chưa đủ khi cơ thể mất nhiều mồ hôi. Cần bổ sung thêm điện giải từ các loại nước thể thao như có chứa điện giải hoặc nước dừa, gel năng lượng, viên sủi để tránh mất cân bằng điện giải. Tuy nhiên, cũng cần tránh uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn vì có thể gây loãng máu, hạ natri máu - một tình trạng nguy hiểm cho tim và não" - BS Lộc khuyến cáo.
Các bác sĩ lưu ý nếu không có việc cần thiết thì hạn chế ra đường trong khung giờ khoảng 10 giờ đến 16 giờ; tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột (không vào phòng lạnh ngay sau khi vừa ở ngoài trời nắng); uống đủ nước, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc; theo dõi huyết áp thường xuyên, đặc biệt ở người có bệnh nền; mang theo thuốc điều trị và vật dụng bảo hộ khi ra ngoài.
Một số dấu hiệu cấp cứu cần nhận biết sớm như choáng váng, đau đầu, buồn nôn, da đỏ hoặc tái, mồ hôi đổ nhiều hoặc ngược lại da khô nóng, tim đập nhanh, thở dốc, lơ mơ. "Khi gặp những dấu hiệu này cần di chuyển người bệnh đến nơi râm mát, thông thoáng; cởi bớt quần áo, lau mát cơ thể bằng khăn ẩm; uống nước từ từ, tránh uống dồn dập. Đồng thời, gọi cấp cứu nếu nghi ngờ sốc nhiệt, tuyệt đối không để người bệnh tự di chuyển. Với trẻ em, cần được mặc đồ thoáng mát, thấm hút mồ hôi; hạn chế vận động gắng sức giữa trưa nắng; luôn mang theo nón, nước uống và bổ sung điện giải khi cần thiết" - một chuyên gia nhấn mạnh.
Xử trí khi bị bỏng nắng: Coi chừng bị bỏng lạnh
Theo TS-BSCK2 Phạm Thị Thanh Giang, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da Liễu (TP HCM), khi bị bỏng nắng, việc đầu tiên cần làm là nhanh chóng làm mát vùng da bị tổn thương bằng khăn lạnh hoặc nước mát. Tuyệt đối không sử dụng nước đá trực tiếp lên da vì có thể gây bỏng lạnh khiến tình trạng tổn thương nặng thêm. Sau khi làm mát, nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm nhẹ dịu như gel nha đam, kem chứa panthenol hoặc các loại kem dưỡng làm dịu da. Cần tránh dùng các sản phẩm chứa cồn, hương liệu hoặc chất tạo màu vì có thể gây kích ứng.
Bỏng nắng nặng có thể gây phồng rộp da nên không tự ý xử lý phồng rộp. Không tự ý chọc vỡ bóng nước và không bôi thuốc chứa corticoid nếu không có chỉ định của bác sĩ. Việc xử lý sai cách có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc để lại sẹo. Ngoài việc chăm sóc tại chỗ nên uống nhiều nước và tăng cường bổ sung trái cây tươi, đặc biệt là các loại giàu vitamin C để giúp da hồi phục nhanh hơn. Người bị bỏng nắng cần đến ngay cơ sở y tế nếu có các biểu hiện như sốt, chóng mặt, buồn nôn hoặc da bị phồng rộp trên diện rộng. Trẻ nhỏ và người cao tuổi - những đối tượng có làn da nhạy cảm - cần được bảo vệ cẩn thận hơn vì dễ tổn thương dưới tác động của tia UV.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/do-benh-vi-nang-nong-196250502202033384.htm