Dỡ chà bắt cá ăn tết

Dỡ chà bắt cá ăn tết trước đây đã có ở nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, nay vẫn còn một số nơi còn giữ. Vào những ngày cận tết, một số hộ dân tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) dỡ chà bắt cá ăn tết, lưu giữ một nét sinh hoạt độc đáo vùng sông nước.

Tờ mờ sáng ngày 27 tháng chạp, bà Nguyễn Thị Hậu, ngụ xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng chuẩn bị ít bánh mì, trà nóng cho đội dỡ chà vì hôm nay nhà bà dỡ đống chà trước nhà. Bà Hậu cho biết: “Năm nào nhà tôi và bà con trong xóm cũng dỡ chà bắt cá ăn tết vì thường tết cá bán có giá, dỡ chà bắt cá bán vừa có tiền xài tết, vừa có cá ăn khi ngán thịt mỡ”.

Đội dỡ chà của ông Nguyễn Văn Trung, ngụ thị trấn Giồng Riềng, chuẩn bị dỡ 1 đống chà cho người dân xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng.

Đội dỡ chà của ông Nguyễn Văn Trung, ngụ thị trấn Giồng Riềng, chuẩn bị dỡ 1 đống chà cho người dân xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng.

Theo bà Hậu và những người có thâm niên trong nghề chất và dỡ chà tại Kiên Giang, để có những đống chà dẫn dụ được nhiều cá, người chất chà thường kiếm bên bờ lở, nước sâu nhưng yên tĩnh để chất chà. Còn dỡ chà thu hoạch cá thường theo con nước kém, đặc biệt là vào thời điểm tết, người dân dỡ chà nhiều nhất.

Từ khi chất chà đến khi dỡ chà, người chất chà không tốn chi phí, nhưng trước khi dỡ chà bắt cá sẽ rãi cám, lúa lép để dụ cá tụ về. Có nhiều cách dỡ chà. Ở huyện Giồng Riềng, khi chà chất cặp bờ kênh, người dân bao lưới hết đống chà. Mọi người cùng nhau hạ viền lưới tháo lục bình và từng nhánh chà được chuyển ra ngoài.

Thông thường, đống chà được chất ven trên sông, kênh, rạch phải rộng từ 30-50m2.

Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, người có thâm niên 40 năm hành nghề dỡ chà mướn kể: “Trước đây, mỗi đống chà ven các kênh xáng đến kỳ dỡ tối thiểu cũng vài ba trăm kí-lô-gram cá trắng, chưa kể tôm càng; cá đen như cá lóc, cá trê nhiều vô kể. Số tôm, cá vừa để ăn vừa bán kiếm tiền sắm sửa trong mấy ngày tết”.

“Đặt hàng” từ nửa tháng trước cho chuyến đi xem dỡ chà bắt cá, tờ mờ sáng, tôi được ông Nguyễn Văn Trung đưa đi dỡ chà bằng chiếc ghe đục - phương tiện chuyên dụng để rọng cá sau khi thu hoạch được. Chiếc ghe từ từ di chuyển trên kênh xáng Thạnh Hòa, rồi rẻ vào 1 nhánh kênh nhỏ tại ấp Láng Sơn, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng. Tại đây, đã có 4 người chờ sẵn và đang hoàn tất công đoạn bao lưới quanh đống chà.

Đống chà này, ông Nguyễn Văn Trung, ngụ thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng dỡ ăn chia hai với chủ nhà.

Rích 1 hơi thuốc thiệt dài, ông Trung nheo nheo đôi mắt trên gương mặt xạm đen vì cháy nắng rồi nói: “Nghề này cực trần ai lắm. Không chịu lạnh, chịu nước được thì khỏi làm. Cá thu được cũng ngày một ít hơn nên di dỡ chà có khi lỗ vốn ngày công, cũng có khi trúng anh em về chia nhau mỗi người 500-600 ngàn đồng/ngày”.

Đống chà khá to nên mất hơn 30 phút, đội dỡ chà mới bao lưới xong và bắt đầu kéo lục bình ra.

Công việc dỡ chà vất vả, gặp những hôm sương mù, gió lạnh, người dỡ chà phải uống rượu hoặc nước mắm trước khi xuống nước cho đỡ lạnh.

Thường dỡ xong đống chà phải mất 6-7 giờ đồng hồ, thời gian làm việc của người dỡ chà thường phải dầm mình, thậm chí lặn sâu dưới nước để kéo chân lưới, lôi chà lên. Vì vậy, người dỡ phải chịu đựng lạnh giỏi.

Khi bao lưới xong, ông Lê Văn Bảy, thành viên trong đội dỡ chà của ông Trung nhổ cọc, tháo rượng, hai người khác đi cùng dỡ chà và thu hẹp dần vòng lưới lại để gom bắt cá. Không ai bảo ai, công việc dỡ chà cứ diễn ra trôi chảy như được mặc định sẵn.

Từng nhánh chà được những người thợ dỡ chà lặn rút lên và chuyền tay nhau đưa ra ngoài lưới, sau đó được xếp lại tái sử dụng.

Theo người dân huyện Giồng Riềng, trước đây nguồn lợi cá, tôm còn nhiều nên mỗi tháng dỡ chà một lần. Theo thời gian, cá tôm ngày một ít hơn nên đống chà phải 3-4 tháng mới có cá thu hoạch.

Thành quả sau 7 tiếng hết ngâm mình dưới nước lại phơi nắng vất vả là mẻ cá hơn 70kg với đủ loại gồm cá chốt, cá trê trắng, cá tra, lóc, sặc…

Sau khi phân loại, cá lớn có giá trị sẽ được rọng trong lòng ghe đục - loại phương tiện có đục nhiều lỗ bên mạn để nước có thể ra vào giữ cá sống lâu và bán được giá hơn.

Cá được thu hoạch và đưa lên bờ cho chủ nhà.

Sau một ngày vất vả, ông Trung và những người trong đội dỡ chà lại ngồi bên nhau tận hưởng thành quà mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho họ những ngày cận tết.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/do-cha-bat-ca-an-tet-12436.html