Đò dọc, đò ngang

Khi những con đường bê tông len lỏi vào từng xóm nhỏ, thôn sâu thì những con đò dọc, đò ngang ở quê tôi cũng dần vắng bóng. Trong những ngày trời rỉ rả đổ xuống cơn mưa, đứng bên bờ sông mênh mang một màu trắng xóa, lòng tôi da diết nhớ tiếng gọi 'đò ơi'.

“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, làng tôi không sầm uất cũng chẳng gần trung tâm, bốn mùa yên ả những nếp nhà hướng mặt ra đồng và quay lưng về phía một dòng sông. Dải lụa xanh mang phù sa bồi đắp, tưới tắm cho biền bãi, ruộng nương và cũng trên dòng sông ấy mỗi ngày êm trôi bao chuyến đò ngang, đò dọc.

Những chuyến đò dọc mang sản vật quê hương như mít, chuối, thơm, chè ngược lên chợ huyện hoặc xuôi về chợ tỉnh, còn những chuyến đò ngang lại rẽ đôi con nước để đưa người làng bên này ghé đến làng phía bên kia. Những bà thím đi đám cưới, đám ma, mừng người quen tân gia hay tổ chức lễ đầy tháng cho cháu nội; là đám thanh niên từ bờ bên kia đôi lần trong tháng ăn bận đỏm dáng sang làng bên này tìm bạn gái tán tỉnh; đôi khi những chuyến đò ngang còn đằm mình xuống tròng trành vì những gánh lá, gánh cỏ xanh rì của một chị nông dân chăm chỉ bậc nhất trong làng. Đàn trâu của chị dù mùa khô hay mùa rét thì con nào con nấy đều được vỗ béo từ những gánh cỏ xa bờ.

Tôi khó mà quên được một buổi trưa mùa hè vắng lặng. Nội và tôi sau đám tiệc ở nhà một người họ hàng đã cắp nón lên đường trở về bến sông. Con đường làng hôm ấy phủ đầy bụi đất càng rực lên chói chang màu nắng. Sát bờ sông, có mấy bụi tre già, người ta cột vào đó mấy con trâu, chúng nằm bẹp xuống đất, miệng không ngừng nhai và uể oải dùng chiếc đuôi đuổi lũ nhặng ruồi.

Nội đi trước, tôi chậm rãi bám gót theo sau. Nội dùng tay rẽ lối mấy đám dây leo, cây bụi um tùm. Khi xuống hết con dốc, trước mắt chúng tôi là mặt sông xanh theo thẻo, im lìm, không gợn sóng như được tráng gương. Nội cất tiếng gọi “đò ơi, đò ơi”. Nội gọi mãi nhưng chẳng ai trả lời. Tôi ngồi trên bờ cỏ dán mắt vào chiếc đò bất động hình lá lúa phía bên kia mà thở dài thườn thượt. Chỉ cách một con sông, mái ngói màu nâu đỏ từ đây cũng có thể nhìn thấy, thế mà khoảnh khắc đợi chờ mòn mỏi trong buổi trưa hôm ấy đã mang đến một điều gì đó thật vắng xa...

Nếu những con đò ngang được chèo tay, trôi đi, cập bến trong phút chốc thì những con đò dọc thường được chủ đò gắn thêm một động cơ chạy bằng máy. Nhiều đò lớn còn có mái che, có bếp, có ghế ngồi, chiếu trải, nuôi thêm một hai chú gà gáy vang ấm áp như một mái nhà.

Vào những tháng cuối năm, tôi thường theo mẹ đi chợ tỉnh để bán củi, bán lá chuối và một số loại rau quả vườn nhà. Ngồi trên con đò dọc đang nổ bành bạch dội vang hai bên bờ bãi, tôi thò tay xuống sông để rẽ nước. Đò xuôi dòng khi trời còn nửa mờ, nửa tỏ, màn sương se sắt tháng Chạp như chiếc màn mỏng còn vây bọc khắp chốn ruộng nương. Đò càng trôi xa bến, mặt trời sẽ sáng hơn, chiếu ánh nắng le lói khiến không gian ấm dần lên, cảnh vật, làng mạc hai bên bờ từ từ hiện ra biếc xanh, ngút ngát.

Người trên đò từ vị trí của mình có thể phóng mắt ra xa để ngắm những bãi ngô, nương dâu, ruộng lúa. Có khi là vẻ cổ kính, quần tụ của một xóm thôn. Những đứa trẻ đang dắt trâu ra đồng. Trên vài tàng cây là một “sân chim” tập hợp đông đúc lũ sáo, chào mào, chiền chiện tạo nên vệt lốm đốm trắng đen, chúng thi nhau hót vang chao chát cả một khoảng biền.

Bây giờ, lần nào trở về thăm quê, tôi cũng dành cho mình một chút thời gian để đứng lặng trước bến sông xưa. Trong con nắng ngọt mềm của những ngày xuân ấm áp, khi khác là giữa làn sương bụi lất phất của những buổi chiều mùa đông, tôi trầm mình nghĩ về những chuyến đò ngang, đò dọc và cảnh xóm thôn mênh mang xinh đẹp.

Giá mà bây giờ, chỉ cần cất tiếng gọi “đò ơi”, tôi cũng sẽ được về nhà.

MINH THI (Đà Nẵng Online)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/do-doc-do-ngang/202224.htm