Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết: Từ kẻ trộm thành danh tướng
Nguyễn Văn Tuyết sau khi theo thầy học thành tài, trở về Tuy Viễn. Ông mong ước cứu đồng bào ra khỏi ách chuyên chế của chúa Nguyễn, song không biết làm cách nào, đành ôm mộng mà chờ người đồng khí đồng phương.
Trong sách "Võ nhân Bình Định" có chuyện kể lại rằng: Một hôm, nghe đồn chúa Nguyễn có con tuấn mã tên Xích Kỳ, Nguyễn Văn Tuyết đợi đêm khuya lẻn vào hành cung bắt ngựa rồi lên yên chạy thẳng lên vùng An Khê. Trời vừa hửng sáng thì ngựa đã qua khỏi đèo Vĩnh Viễn. Con Xích Kỳ là cống vật của Cao Miên, chúa Nguyễn rất yêu quý. Ngựa bị mất trộm, Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bị tội chết. Nhờ Trương Phúc Loan ra sức cầu xin Tuyên mới được miễn tội. Tuyên cho người đi tìm khắp Quy Nhơn, Phú Yên, Quảng Nghĩa, nhưng không thấy bóng dáng con ngựa đâu. Khi xa giá chúa Nguyễn trở về Phú Xuân thì trong dinh tuần phủ Quy Nhơn bỗng thấy hiện trên vách mấy chữ lớn: Kẻ trộm ngựa chúa là Nguyễn Văn Tuyết ở Tuy Viễn. Tuyên nhìn thấy thì hết hồn. Dặn tả hữu đừng tiết lộ và sự việc này được giữ im.
Nguyễn Văn Tuyết sau khi theo thầy học thành tài, trở về Tuy Viễn. Ông mong ước cứu đồng bào ra khỏi ách chuyên chế của chúa Nguyễn, song không biết làm cách nào, đành ôm mộng mà chờ người đồng khí đồng phương. Khi nghe tin Tây Sơn vương chiêu mộ hào kiệt, Nguyễn Văn Tuyết liền đem bộ hạ lên sơn trại đầu quân và rất được hoan nghênh.
Ảnh minh họa.
Tại đây, Nguyễn Văn Tuyết gặp lại Trần Thị Lan, cô cháu gái của sư phụ đang sống cùng chị dưới trướng Bùi Thị Xuân. Họ cùng nhau kết duyên trăm năm. Khi Nguyễn Nhạc xưng vương, Nguyễn Văn Tuyết được phong Tả đô đốc, cùng với Hữu đô đốc Nguyễn Văn Lộc tháp tùng Nguyễn Nhạc tấn công huyện Tuy Viễn. Chiếm được huyện lỵ, Nguyễn Văn Tuyết ở lại trấn giữ. Khi Nguyễn Huệ ra Thuận Hóa rồi Thăng Long thì Nguyễn Văn Tuyết cũng đi theo và lập được nhiều công trạng. Sau khi bình định Thăng Long, Đô đốc Tuyết ở lại Bắc thành cùng với Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân. Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), quân Mãn Thanh tiến vào Thăng Long. Nguyễn Văn Tuyết cưỡi Xích Kỳ về Phú Xuân báo cáo tình hình. Ngày 25 tháng 11, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế. Nguyễn Văn Tuyết lãnh chức Đại đô đốc cùng với Đại đô đốc Nguyễn Văn Lộc thống lãnh đạo tả quân kiêm cả bộ binh lẫn thủy quân. Nguyễn Văn Tuyết giữ nhiệm vụ kinh lược Hải Dương, ứng tiếp mặt đông.
Ngày mùng 4 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), đồng loạt cùng các cánh quân khác, Đại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đã tấn công đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương. Trại giặc vỡ tan, quân lớp bị tiêu diệt, lớp đạp lên nhau mà chạy một mạch về Tàu. Diệt xong giặc ngoại xâm, Đại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết về Phú Xuân. Vua Quang Trung mất, ông cùng bà Bùi Thị Xuân phò vua Cảnh Thịnh lo việc trấn giữ kinh thành. Sau ông cùng vợ được cử ra gìn giữ Bắc thành.
Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh rầm rộ kéo đến Thăng Long. Liệu chống không nổi, Nguyễn Văn Tuyết cùng phu nhân đưa vua Bửu Hưng cùng cung quyến sang sông Nhị Hà, chạy lên vùng núi phía Bắc, có Đô đốc Nguyễn Văn Tứ và Tư mã Nguyễn Văn Dũng theo hộ giá. Đoàn ngự giá đến Xương Giang thì bị quân Nguyễn bao vây. Hai ông bà phá được vòng vây phò xa giá chạy thoát được mươi dặm thì bị Lê Chất kéo quân kỵ mã đuổi theo kịp. Nhờ tình quen biết cũ, Nguyễn Văn Tuyết đã trao đổi với Lê Chất về nghĩa vua tôi, song Lê Chất vin vào thù cha mà khước từ. Nguyễn Văn Tuyết đành ra lệnh cho phu nhân phò tá vua Bửu Hưng chạy trước còn mình ở lại đánh nhau với Lê Chất.
Nguyễn Văn Tuyết với cây ngân côn tung hoành ngang dọc giữa lớp lớp quân nhà Nguyễn bao vây. Lê Chất nhờ binh đông tướng nhiều nên kéo dài cuộc chiến đấu. Và Nguyễn Văn Tuyết đã bị trúng đạn rồi tử thương.
Lời bàn về Nguyễn Văn Tuyết
Tinh ba tú khí của non sông và mấy ngàn năm văn hiến Việt Nam đã sản sinh ra một con người xuất chúng, đó là hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trong sự nghiệp vĩ đại của mình, công đức lớn nhất của Quang Trung là xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước, chiến thắng giặc ngoại xâm ở phương Bắc tràn xuống và từ phía Tây lẻn vào, giữ vững nền độc lập dân tộc. Song, bên cạnh những võ công bách chiến bách thắng, ông đã bền lòng thực hiện chiến thuật tâm công vẻ vang không kém nhằm cứu vớt nhân cách của thời đại mình khỏi sự suy đồi, trả lại cho nó những giá trị đích thực, để rồi đến lượt mình, các nhân cách đó góp phần cùng ông làm vinh danh cho quốc gia, triều đại.
Một sử gia đã viết: Như thể rằng Nguyễn Huệ đã quên đi sức mạnh sấm sét của mình để sống với người tài bằng một quả tim lớn... Nguyễn Huệ đã buộc những người trí thức hoài nghi phải tin theo ông, bằng cách cho họ thấy rằng ông trao cả niềm tin cho họ, không chật hẹp, không dè chừng, không phân biệt. Đó là những con người như Võ Văn Dũng, Phan Văn Lân, Vũ Văn Nhậm, Lê Văn Hưng, Võ Đình Tú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu và đặc biệt là Nguyễn Văn Tuyết... Đó chính là nguyên nhân vì sao ngay cả sau khi người thì chết trận, người thì bị quân nhà Nguyễn tàn sát... nhưng hình ảnh cuộc đời cũng như sự nghiệp với những chiến công lừng lẫy của những văn thần, võ tướng thời Nguyễn Huệ đã trở thành bất tử trong trái tim dân tộc. Và trách nhiệm của hậu thế ngày nay cũng như mai sau là làm sao cho truyền thống của nghĩa quân áo vải năm xưa mãi mãi tỏa sáng.