Đổ số tiền lớn nâng cấp phòng không, liệu NATO có được sức mạnh như ý?
NATO có kế hoạch đầu tư số tiền lớn để nâng năng lực phòng không lên gấp 5 lần. Song, việc khôi phục các năng lực đã bị liên minh bỏ bê từ sau Chiến tranh Lạnh lại không hề dễ dàng.
NATO hiện rất cần năng lực phòng không. Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã nhấn mạnh châu Âu hiện "không có đủ" hệ thống phòng không, đồng thời nêu rõ những lỗ hổng liên quan tới khả năng chỉ huy và kiểm soát, các vũ khí tầm xa và hệ thống cảm biến, trong khi sự phát triển của quân đội Nga đang "thực sự gây ra mối đe dọa".
Cách các lực lượng Nga đang chiến đấu ở Ukraine và việc tái thiết quân đội đã trở thành lời cảnh tỉnh đối với NATO. Các chuyên gia quốc phòng nhận định, việc đầu tư thêm nhiều tiền hơn là hợp lý, đặc biệt cho hệ thống phòng không trên bộ, nhưng NATO không thể mong đợi giải quyết nhanh chóng vấn đề chỉ bằng tiền.

Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Lake Erie phóng tên lửa đánh chặn SM-3 Block 1B. Ảnh: Hải quân Mỹ
Phương Tây cần hệ thống phòng không và kho tên lửa lớn
Tình hình xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt là các đòn tấn công liên tục của Nga vào nhiều thành phố Ukraine đã chứng minh hệ thống phòng không vô cùng cần thiết trong giao tranh quy mô lớn. Đối với phương Tây đây là lời cảnh tỉnh.
Phương Tây đã thu hẹp quy mô phòng không trong những thập kỷ gần đây, khi họ chỉ phải chiến đấu với những đối thủ yếu hơn và không gây ra mối đe dọa lớn nào trên không. Tuy nhiên, các cuộc không kích của Nga, đôi khi sử dụng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tập kích Ukraine cho thấy, phương Tây phải sẵn sàng cho khả năng xảy ra điều tương tự.
Chuyên gia Justin Bronk tại Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhấn mạnh, "NATO phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống phòng không trên bộ", cả về số lượng hệ thống và nguồn cung cấp đạn dược để bắn.
Dù NATO đang hành động, nhưng đầu tư không có nghĩa vũ khí thực sự có thể được sản xuất nhanh chóng. Theo ông Bronk, "hiện tại, không có đủ năng lực sản xuất các tên lửa đánh chặn cho Patriot hay SAMP/T". Đây là các tên lửa đất đối không để loại bỏ những mối đe dọa trên không.
Khó khăn trong sản xuất không dễ giải quyết
Sau Chiến tranh Lạnh, sức mạnh sản xuất quốc phòng và công nghiệp của phương Tây đã suy yếu. Nhưng hiện tại, các dây chuyền sản xuất đang được thúc đẩy. Điển hình, công ty Lockheed Martin đã mở rộng chế tạo tên lửa đánh chặn PAC-3 cho hệ thống Patriot lên 500 tên lửa vào năm 2024 và có kế hoạch tăng sản lượng thêm nữa. Ngoài ra, tập đoàn Rheinmetall và Lockheed Martin còn có kế hoạch thành lập một trung tâm sản xuất tên lửa châu Âu, bao gồm cả sản xuất tên lửa PAC-3.
Tổng Giám đốc điều hành Rheinmetall là ông Armin Papperger nói với tờ báo Đức Hartpunkt rằng, châu Âu đã phải vật lộn để có được tên lửa từ Mỹ do tình trạng thiếu hụt sản xuất ở xứ sở cờ hoa. Ông cho biết đôi khi phải chờ tới 10 năm, và đây là khoảng thời gian quá dài.

Hệ thống phòng không Patriot phóng tên lửa đánh chặn. Ảnh: Quân đội Mỹ
Trên thực tế, đối với hệ thống phòng không Patriot, nhu cầu thường xuyên vượt quá nguồn cung. Và việc giải quyết vấn đề tồn đọng này lại không thể diễn ra nhanh chóng.
Ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) lưu ý: "Năng lực sản xuất giảm là vấn đề lớn ở Mỹ. Bạn có thể ký tất cả các hợp đồng mà bạn muốn, nhưng năng lực sản xuất thì lại thiếu".
Ngay cả khi nhiều công ty tăng cường công suất, việc sản xuất vũ khí hiện đại vẫn không thể nhanh chóng. Ông Thomas Laliberty, Chủ tịch hệ thống phòng không và trên bộ của hãng Raytheon từng chia sẻ với tờ Politico vào năm 2024 rằng, phải mất 12 tháng để chế tạo một radar Patriot, trong khi đây chỉ là một phần trong khẩu đội phòng không loại này.
Tính phức tạp
Theo ông Bronk, các tên lửa phục vụ mục đích tấn công dễ chế tạo hơn. "Chế tạo tên lửa tấn công rẻ hơn nhiều so với chế tạo tên lửa đánh chặn”. Giá cả đã phản ánh sự chênh lệch này. Theo đó, các tên lửa đánh chặn của Hải quân Mỹ như dòng SM có thể có giá lên tới gần 30 triệu USD/quả.
Cựu Thiếu tướng Lục quân Australia Mick Ryan giải thích thêm, hệ thống phòng thủ là "một trong những thiết bị tinh vi nhất của quân đội và việc sản xuất chúng cần thời gian cũng như nguồn nhân lực lành nghề". Do đó, tăng cường năng lực sản xuất hệ thống phòng không “sẽ là một thách thức”.
Bên cạnh đó, NATO tồn tại văn hóa làm việc riêng rẽ thay vì phối hợp với nhau. Vì vậy, ông Jan Kallberg, chuyên gia an ninh tại Trung tâm phân tích chính sách châu Âu cho rằng "thách thức lớn nhất của NATO không phải là tiền, mà là sự phối hợp".