Tổng thống Trump nói Patriot 'rất tốn kém', chưa quyết hỗ trợ thêm Ukraine

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông vẫn đang xem xét đề xuất từ Ukraine về việc cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot, song thừa nhận đây là khí tài 'rất tốn kém' và nguồn cung cũng không dễ đáp ứng.

Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo đài RT ngày 9/7, khi trả lời câu hỏi của phóng viên, Tổng thống Trump nói rõ: “Hệ thống Patriot rất hiếm và rất đắt. Chúng ta sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng yêu cầu này. Thật đáng tiếc khi chúng ta phải chi quá nhiều tiền để hỗ trợ Kiev”. Ông cũng nhấn mạnh chính quyền Mỹ cần ưu tiên cân đối nguồn lực quốc phòng cho chính quân đội Mỹ.

Trước đó, ông Trump nhiều lần chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden vì “ký séc trắng” cho Ukraine, khiến ngân sách quốc phòng Mỹ bị căng thẳng khi phải cung cấp hàng loạt vũ khí và đạn dược cho Kiev.

Hệ thống Patriot do tập đoàn Raytheon (Mỹ) phát triển là một trong những tổ hợp phòng không đa lớp hiện đại nhất của Mỹ, thường được sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, máy bay chiến đấu và thiết bị bay không người lái. Tuy nhiên, Patriot không chỉ đắt đỏ mà còn mất nhiều thời gian để sản xuất.

Cũng trong ngày 9/7, kênh n-tv (Đức) dẫn nguồn từ Raytheon cho biết công ty này dự kiến sẽ tăng sản lượng tên lửa đánh chặn PAC-2 GEM-T thêm 150% mỗi tháng vào năm 2028, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn từ các đồng minh. Hiện nay, mỗi quả tên lửa PAC-2 có giá vào khoảng 4 triệu USD, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia quốc phòng, để vận hành hiệu quả một tổ hợp Patriot cần nhiều quả tên lửa dự trữ, đội ngũ vận hành được huấn luyện bài bản và chi phí bảo trì đáng kể.

Theo số liệu công khai, đến đầu năm 2024, Raytheon chỉ sản xuất được khoảng 240 quả tên lửa Patriot mỗi năm, con số này khó có thể đáp ứng nhanh yêu cầu bổ sung từ Ukraine và các đồng minh khác.

Cũng trong tuần này, trang Axios dẫn nguồn tin cho biết chính quyền Mỹ đã đồng ý bổ sung thêm tên lửa Patriot cho Ukraine, nhưng số lượng rất hạn chế. Thông tin này xuất hiện chỉ ít ngày sau khi Lầu Năm Góc thông báo tạm hoãn một số gói viện trợ vũ khí để đánh giá khả năng duy trì kho dự trữ chiến lược của Mỹ.

Đáng chú ý, chỉ vài ngày sau tuyên bố tạm hoãn, Tổng thống Trump lại phát tín hiệu Mỹ có thể nối lại một phần viện trợ quân sự cho Ukraine. Giới quan sát cho rằng những động thái trái ngược này cho thấy quan điểm của chính quyền Washington về viện trợ quân sự vẫn chưa thực sự nhất quán.

Trước phát biểu mới của Tổng thống Trump, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng Washington đang đưa ra những thông điệp thiếu nhất quán về kế hoạch viện trợ Patriot. Về phía Nga, giới chức nước này nhiều lần nhận định Mỹ và các nước phương Tây khó có thể duy trì sản xuất đủ số lượng tên lửa Patriot để đáp ứng nhu cầu viện trợ quy mô lớn. Hồi cuối tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng từng thừa nhận công nghiệp quốc phòng Mỹ không thể tăng năng lực sản xuất đủ nhanh để bổ sung kho dự trữ trong nước.

Theo Viện Kiel (Đức), kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát trở lại năm 2022, Mỹ đã chi gần 115 tỷ USD cho viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev. Nga nhiều lần tuyên bố các lô vũ khí phương Tây chỉ khiến chiến sự kéo dài, làm gia tăng thương vong mà không thay đổi cơ bản cục diện chiến trường.

Trong bối cảnh nhu cầu khí tài như Patriot tiếp tục gia tăng, nhiều chuyên gia quốc phòng tại Mỹ cho rằng Washington cần tính toán kỹ lưỡng để cân bằng giữa việc hỗ trợ Ukraine và duy trì năng lực sẵn sàng chiến đấu cho chính quân đội Mỹ.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/tong-thong-trump-noi-patriot-rat-ton-kem-chua-quyet-ho-tro-them-ukraine-20250710074355721.htm