BRICS 2025: Chấp nhận mọi thách thức

Cho dù không có sự hiện diện của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025 (diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil trong hai ngày 6-7/7) vẫn có thể xem là một bước tiến mới của xu thế đa phương hóa, trước những thách thức khắc nghiệt từ các định chế cũng như trật tự cũ.

"Hãy cải tổ IMF!"

Ngay từ trước khi hội nghị chính thức khai mạc, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã đồng thuận đưa ra đề xuất chung về việc cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - một sự thách thức đối với định chế lâu đời mang đậm dấu ấn của các quốc gia phát triển phương Tây này.

Đây là lần đầu tiên nhóm BRICS đạt đồng thuận về lập trường thống nhất chung trong vấn đề cải cách IMF. Các bộ trưởng cho biết họ sẽ ủng hộ việc đưa ra đề xuất cải cách này tại cuộc họp của IMF vào tháng 12 tới, tập trung vào việc điều chỉnh hạn ngạch xác định mức đóng góp và quyền biểu quyết của mỗi thành viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống nước chủ nhà Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống nước chủ nhà Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva.

Cụ thể, tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính BRICS nêu rõ: "Việc điều chỉnh hạn ngạch cần phản ánh vị trí tương đối của các thành viên trong nền kinh tế toàn cầu, đồng thời bảo vệ phần hạn ngạch của các thành viên nghèo nhất". Theo đó, BRICS đề xuất lập công thức mới dựa trên giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sức mua tương đương (PPP) và giá trị tương đối của các đồng tiền, qua đó sẽ giúp tăng quyền biểu quyết cho các quốc gia đang phát triển.

BRICS cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ cách thức lựa chọn và tăng cường đại diện khu vực trong Ban điều hành IMF. Lâu nay, chức Tổng Giám đốc IMF luôn thuộc về một người châu Âu, trong khi Mỹ nắm quyền bổ nhiệm người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện tại, đã đến lúc sự thống trị tuyệt đối của phương Tây, đặc biệt là Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) cần phải bị thay đổi.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Tài chính BRICS cũng xác nhận đang thảo luận về một cơ chế bảo lãnh mới do Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS hỗ trợ, nhằm giảm chi phí huy động vốn và thúc đẩy đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển. Không gì khác, đối với giới quan sát quốc tế, đây là sự tiếp diễn của tiến trình tự chủ dòng vốn, nhằm tiến tới vị thế độc lập với các cơ chế tài chính quốc tế mà xưa nay vẫn nằm trong tay G7 - điều mà các nhà lãnh đạo BRICS đã luôn hướng tới.

Cho dù, kể từ đầu năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tiếp nhiệm và lập tức thi hành những chính sách cứng rắn, khơi lên cuộc chiến thuế quan toàn cầu, đồng thời đe dọa rằng "bất cứ biểu hiện xây dựng đồng tiền riêng nào của BRICS (nghĩa là cạnh tranh trực tiếp vị thế thanh toán quốc tế với đồng USD) cũng sẽ phải trả những cái giá rất đắt"..., mọi công cuộc mà BRICS tiến hành đều đã vấp phải không ít rào cản.

Hiện tại, BRICS vẫn tập trung vào một số định hướng hợp tác và phát triển, gồm: Thúc đẩy quá trình mở rộng thành viên nhằm mở rộng quy mô và ảnh hưởng của nhóm trên phạm vi toàn cầu; Nghiên cứu thúc đẩy thể chế hóa cao hơn; Củng cố, mở rộng vai trò, ảnh hưởng của Ngân hàng NDB; Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hình thành một hệ thống riêng như chuỗi cung ứng BRICS, hợp tác công nghệ mới, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, nền tảng thị trường chung (FTA BRICS), xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, xã hội, thúc đẩy thương mại đa phương, đầu tư, chống biến đổi khí hậu...

Ngọn cờ đa phương hóa

Việc Brazil - một trong 5 quốc gia thành viên sáng lập - lần thứ tư đăng cai Hội nghị thượng đỉnh BRICS là cơ hội để nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh tác động mạnh mẽ đến công cuộc định hình tương lai nhóm. Từ đầu năm, Brazil đã tổ chức hơn 150 sự kiện trong nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS, thể hiện nỗ lực xây dựng hình ảnh một quốc gia phát ngôn cho các nước Nam bán cầu. Qua đó, Brazil không chỉ mong muốn tăng cường vai trò lãnh đạo tại Mỹ Latinh mà còn định vị là lực lượng trung gian và kết nối, thúc đẩy trật tự quốc tế công bằng, đa cực, đa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo".

Hơn thế, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến chuyển sâu sắc cả về chính trị, kinh tế và khí hậu - môi trường, BRICS càng lúc càng được thể hiện rõ nét hơn, như một mô hình hợp tác mới mang tính chiến lược, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình lại trật tự toàn cầu. Thậm chí, như Phó chánh Văn phòng Tổng thống Nga Maxim Oreskin phát biểu: "Người tiêu dùng châu Âu và Mỹ phụ thuộc vào sản phẩm của chúng tôi, chứ chắc chắn không phải là ngược lại. Còn tài chính của họ phụ thuộc hoàn toàn vào tiền tiết kiệm của chúng tôi. Cuộc chiến thương mại đang diễn ra ngày càng bộc lộ sự phụ thuộc lẫn nhau này". Đây hiển nhiên là thông điệp gửi đến Washington, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hé lộ rằng ông sắp gửi thư áp thuế đến 12 quốc gia, với mức thuế suất có thể lên tới 70%, trong đó nhiều khả năng sẽ bao gồm cả không chỉ một thành viên BRICS.

Moscow chắc chắn không quan tâm tới những động thái ấy từ nước Mỹ, bởi trên thực tế, quan hệ giao thương Nga - Mỹ đã hoàn toàn bị cắt đứt từ lâu. Tuy nhiên, như để củng cố sự tự tin cho các "đồng đội", ông Maxim Oreshkin cũng khẳng định: Các nước BRICS và đối tác hiện có mọi thứ cần thiết, từ tri thức, nguồn lực dự trữ cho đến công nghệ và tiềm lực để phát triển. Nói cách khác, BRICS đủ mạnh để không cần phải e ngại bất cứ thách thức nào từ phương Tây. Bởi, sau khi mở rộng quy mô thành viên lên 11 nước, BRICS chiếm tới hơn một nửa dân số thế giới và hơn 40% tỷ trọng nền kinh tế toàn cầu.

Như hãng tin Reuters bình luận, với việc kêu gọi cải cách các thể chế phương Tây truyền thống, Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025 đã "thể hiện cam kết của khối, về việc trở thành ngọn cờ tiên phong của chủ nghĩa đa phương, trong một thế giới ngày càng chia rẽ". Reuters cũng nhận định: Khi các diễn đàn như nhóm G7 và G20 của các nền kinh tế lớn bị cản trở bởi sự chia rẽ và cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, việc mở rộng quy mô thành viên BRICS kể từ đầu năm đến nay đã tạo nên không gian mới cho những cơ hội hợp tác, đặc biệt là với khối các nước đang phát triển. Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025 đã có thêm sức nặng, khi lên tiếng thay mặt cho các quốc gia đang phát triển trên khắp khu vực Nam bán cầu, củng cố lời kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

"Trước sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, các quốc gia mới nổi phải bảo vệ thương mại đa phương và cải cách cấu trúc tài chính quốc tế" - Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định, như một lời hiệu triệu, ngày 5/7. Và, do đó, đến cả một kênh phương Tây bảo thủ như đài RFI cũng đánh giá: "Hội nghị thường niên này là dịp để thành lập một mặt trận thống nhất chống lại chủ nghĩa bảo hộ của ông Donald Trump, qua chính sách thuế quan mà nước Mỹ áp đặt". Dù vậy, họ cũng chỉ ra: Những khác biệt trong quan điểm đối ngoại của các thành viên chủ chốt, đặc biệt là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, có thể tạo nên những rào cản nhất định đối với nhu cầu gắn kết hướng đến mục tiêu chung của BRICS.

Trên thực tế, có không ít thành viên (cũng như đối tác) của BRICS cố gắng tránh đối đầu công khai về kinh tế với nước Mỹ. Do đó, cũng có những luồng ý kiến cho rằng chuyện Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chỉ tham dự phiên họp toàn thể bằng hình thức trực tuyến, hay việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt lại là cơ hội để BRICS giới thiệu một diện mạo "mềm mỏng" hơn, mở rộng hợp tác hơn, cân bằng hơn. Nói như ông Marcos Caramuru, cựu Đại sứ Brazil tại Trung Quốc và là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Quan hệ quốc tế Brazil: Cả Ấn Độ và Brazil đều có thể giúp lấp đầy khoảng trống do Nga và Trung Quốc để lại bằng cách tập trung vào các vấn đề thực tế. Đó là những lĩnh vực mà các thành viên "không thể bất đồng quan điểm", chẳng hạn như y tế, khí hậu và đói nghèo - những nỗi ám ảnh thường trực đối với các nước đang phát triển cũng như các cộng đồng dễ bị tổn thương ở Nam bán cầu.

Vì thế, xét cho cùng, BRICS vẫn đang tiếp tục "ghi điểm", để tạo áp lực mạnh mẽ lên trật tự thế giới cũ mà nước Mỹ và phương Tây nắm giữ quyền chỉ huy.

Thiên Thư

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/brics-2025-chap-nhan-moi-thach-thuc-i774276/