'Đô' tăng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu 'khóc ròng'

Đồng USD đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, tác động nhiều chiều đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Động thái tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ tư liên tiếp của Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) vừa qua thể hiện chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt ở nền kinh tế số 1 thế giới. Điều này khiến giới chuyên gia lo ngại đỉnh của lãi suất sẽ cao hơn, đặc biệt là khi Chủ tịch FED Jerome Powell phát đi tín hiệu rằng chưa đến lúc giảm tốc độ của chiến dịch chống lạm phát.

Người lo nhiều hơn người mừng

Theo các chuyên gia, những thay đổi của chính sách tiền tệ thế giới sẽ có tác động lớn đến Việt Nam bởi độ mở của nền kinh tế cao, trong khi sức chống chịu và khả năng cạnh tranh vẫn còn có những hạn chế.

Đáng chú ý, có tới hơn 70% hợp đồng mua bán quốc tế của Việt Nam được thanh toán bằng đồng USD. Do đó, bất cứ biến động nào của tỷ giá cũng đều tác động trực tiếp lên doanh nghiệp có hoạt động mua bán với nước ngoài.

Tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 8,5% từ đầu năm đến nay. (Ảnh: Int)

Tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 8,5% từ đầu năm đến nay. (Ảnh: Int)

Ước tính, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 8,5% từ đầu năm đến nay. Với mức tăng mạnh của đồng USD, khó giữ được giá bán ra của các đơn vị nhập khẩu hàng tiêu dùng trực tiếp. Còn với doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá tăng tưởng như có lợi, nhưng thực tế khi USD đắt đỏ, người tiêu dùng các nước thắt chặt hầu bao khiến đơn hàng sụt giảm.

Ngân hàng Nhà nước ngày 8/11 đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp đủ các khoản vay cho các doanh nghiệp nhập khẩu nhiên liệu, khi các cơ quan quản lý đang cố gắng ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp nhiên liệu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu nhiên liệu đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng và ngoại tệ để thanh toán cho hàng nhập khẩu và sự suy yếu của đồng tiền đã khiến nhập khẩu trở nên đắt đỏ.

Hơn nữa, với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa gia công nhưng lại nhập khẩu nguyên liệu trong thời điểm này thì vừa thuận vừa khó.

Ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Sở Công Thương Nghệ An cho biết, nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An (trung bình khoảng 75,6%) đang chủ yếu là gia công lắp ráp, phải nhập phần lớn linh kiện, phụ thuộc nguyên liệu đầu vào. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng này bị ảnh hưởng bởi giá nhập khẩu tăng lên.

Bên cạnh đó, dù là xuất khẩu hay nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đều phải trả chi phí vận tải quốc tế. Trong khi hiện nay, toàn bộ cước này tính bằng USD. Giá USD cứ đắt thêm 1%, doanh nghiệp thuê tàu sẽ phải trả chi phí tăng lên tương ứng.

Theo số liệu chính thức của hải quan, nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 tăng 22,7% so với một năm trước đó lên 7,1 triệu tấn, nhưng chi phí tăng 124% lên 7,37 tỷ USD do giá nhiên liệu toàn cầu tăng mạnh.

Ngoài ra, việc huy động vốn trên thị trường quốc tế sẽ khó hơn và lãi suất cao hơn. Chẳng hạn, dư nợ vay và nợ thuê tài chính của Hòa Phát - “ông lớn” đứng đầu về doanh thu trong ngành thép đến cuối quý III/2022 xấp xỉ 65.500 tỷ đồng. Công ty còn có các khoản vay bằng USD trị giá hàng ngàn tỷ đồng với lãi suất thả nổi. Mặt bằng lãi suất tăng lên trên toàn cầu, cùng với đó, tỷ giá USD/VND bật mạnh trong quý III/2022 đã khiến phần chênh lệch lãi/lỗ tỷ giá lên hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu chưa đến 3%, khiến Hòa Phát chỉ lãi gộp 1.001 tỷ đồng. Cú tăng sốc của tỷ giá đã “đánh bay” toàn bộ phần lãi trên. Sau khi trừ đi chi phí bán hàng và quản lý, Hòa Phát lỗ ròng 1.785 tỷ đồng.

Theo ước tính của Bộ phận Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI, việc USD tăng giá 1% so với VND sẽ dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng, tương đương 2,5% lợi nhuận sau thuế năm 2022.

Chủ động phòng ngừa

Bên cạnh các công ty đi vay bằng các ngoại tệ mất giá mạnh hơn tiền đồng, thì các doanh nghiệp có số dư tiền mặt lớn đang gửi ngân hàng cũng đang hưởng lợi trong môi trường vĩ mô thay đổi hiện tại. Dù vậy, đây vẫn chỉ là các điểm sáng lẻ loi giữa phần đông doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực bởi biến động kép.

Theo các chuyên gia, để đối phó với biến động tỷ giá bất lợi hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh và thích ứng.

Ông Cao Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Trước việc FED tăng lãi suất dẫn đến giá đồng USD tăng so với VND, về mặt vĩ mô, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan. Trước tình hình khó lường như hiện nay, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nên đa dạng hóa thị trường kể cả xuất khẩu và nhập khẩu, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán trong hợp đồng ngoại thương. Khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn cung nguyên liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa lợi thế các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để tạo lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.

“Các công ty nhập khẩu cần tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu để giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro trong bối cảnh biến động tỷ giá như hiện nay”, ông Phú nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đặc biệt chú trọng đến rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm phòng ngừa biến động tỷ giá xảy ra.

Hiện nay, các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đối đầy đủ. Một số sản phẩm phổ biến mà các ngân hàng đang cung cấp cho doanh nghiệp là giao dịch kỳ hạn (forward), hoán đổi (swap), giao ngay (spot)... Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều có thể sử dụng các sản phẩm này nếu có nhu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/do-tang-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-khoc-rong-1089202.html