Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo, uống nhiều đồ uống có đường gây tăng cân, kháng insulin và một loạt các vấn đề về chuyển hóa liên quan đến bệnh đái tháo đường, đặc biệt là bệnh tim - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
NỘI DUNG
Đồ uống có đường làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở các nước đang phát triển
Đây là yếu tố có thể phòng ngừa được
Đồ uống có đường làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở các nước đang phát triển
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, ước tính cướp đi sinh mạng của 17,9 triệu người mỗi năm. Trên tạp chí Nature Medicine, các nhà nghiên cứu mới đưa ra cảnh báo, việc tiêu thụ đồ uống có đường không chỉ gây ra khoảng 2,2 triệu ca mắc bệnh đái tháo đường type 2 mới mà còn gây ra 1,2 triệu ca mắc bệnh tim mới trên toàn thế giới hàng năm.
Tiêu hóa nhanh đồ uống có đường dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến. Theo thời gian, việc tiêu thụ thường xuyên sẽ dẫn đến tăng cân, kháng insulin và một loạt các vấn đề về chuyển hóa liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh tim - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, khi các quốc gia phát triển và thu nhập tăng lên, khả năng tiếp cận và mong muốn sử dụng đồ uống có đường cũng tăng lên. Ở các nước đang phát triển số ca bệnh đặc biệt đáng lo ngại.
Đồ uống có đường gây ra hơn 21% số ca đái tháo đường mới ở châu Phi cận Sahara. Đối với châu Mỹ Latinh và Caribe, chúng gây ra gần 24% số ca đái tháo đường mới và hơn 11% số ca bệnh tim mạch mới.
Ở Colombia, hơn 48% trong số tất cả các trường hợp đái tháo đường mới là do tiêu thụ đồ uống có đường và lượng tiêu thụ này có liên quan đến gần một phần ba tất cả các trường hợp đái tháo đường mới ở Mexico. Lượng tiêu thụ này cũng liên quan đến 27,6% các trường hợp đái tháo đường mới và 14,6% bệnh tim mạch ở Nam Phi. Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, người dân ở trong tình thế khó khăn hơn trong việc giảm thiểu hậu quả sức khỏe lâu dài.
Nghiên cứu trước đó của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan cũng chứng minh, việc uống thêm một loại đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng khoảng 18% bất kể người đó tập thể dục nhiều như thế nào. Các nhà nghiên cứu quan sát thấy ngay cả những người tiêu thụ đồ uống có đường nằm trong top 25% về mức độ hoạt động thể chất cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Ở những người mắc đái tháo đường type 2, các phát hiện cho thấy tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn trong số những người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường. Ngược lại, tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch giảm ở những người thường xuyên uống đồ uống lành mạnh hơn như cà phê, trà, sữa bò ít béo hoặc nước lọc.
Đây là yếu tố có thể phòng ngừa được
Tiến sĩ Dariush Mozaffarian (bác sĩ tim mạch, Giám đốc Viện Thực phẩm và Y học tại Trường Khoa học và Chính sách Dinh dưỡng Gerald J. và Dorothy R. Friedman thuộc Đại học Tufts ở Boston), tác giả chính của nghiên cứu cho biết: " Chúng tôi thấy rằng đồ uống có đường gây ra nhiều tác hại hơn nhiều. Việc hiểu được tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe ở mọi quốc gia trên thế giới và trong các nhóm dân số tại mỗi quốc gia là rất quan trọng để đưa ra hành động giải quyết tình trạng có thể phòng ngừa được này".
Hiểu được những mối liên hệ này có thể giúp mọi người đưa ra lựa chọn chế độ ăn uống sáng suốt hơn để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thay đổi thói quen ăn uống là cách đơn giản để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia nhấn mạnh.
Đồ uống có đường bao gồm: nước ngọt có gas, soda, nước ép trái cây có đường, trà sữa, nước tăng lực... Khi chúng ta uống một lon nước ngọt 300-330 ml đã cung cấp cho cơ thể 30-40 g đường, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi ngày chỉ nên ăn 25 g đường (tương đương 5 thìa cà phê), mức tối đa là 50 g/ngày đối với người lớn.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo, trẻ em từ 2 - 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 25 g mỗi ngày. Do đó cắt giảm đường, nhất là đường bổ sung là giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh tim hay đái tháo đường.
Nên ưu tiên sử dụng đường tự nhiên trong chế độ ăn uống sẽ tốt cho sức khỏe hơn là đường bổ sung. Đường tự nhiên có trong những thực phẩm lành mạnh như: các loại ngũ cốc, trái cây, rau củ… Đường bổ sung là thành phần chính trong các sản phẩm như: bánh, kẹo, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn như gia vị, nước sốt, sữa chua, nước trái cây đóng hộp, các loại trà, cà phê hòa tan…
Cần hạn chế tối đa các sản phẩm chứa đường bổ sung. Thay vào đó nên chọn ăn trái cây tươi, rau củ, uống nước lọc, uống trà và cà phê không thêm đường hoặc rất ít đường.