Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình thăm, làm việc tại Hàn Quốc

Thực hiện Kế hoạch đối ngoại của tỉnh năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu tìm hiểu về cơ chế đặc thù cho quản lý và phát triển Đô thị Di sản - Cố đô, mô hình phục dựng, bảo tồn các Di sản Lịch sử - Văn hóa, học tập kinh nghiệm định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động thời vụ, từ ngày 24/6 đến ngày 27/6/2024, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đi thăm, làm việc tại Hàn Quốc.

Đoàn công tác của tỉnh làm việc tại thành phố Asan (Hàn Quốc).

Đoàn công tác của tỉnh làm việc tại thành phố Asan (Hàn Quốc).

Tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và thành phố Tam Điệp.

Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Giai đoạn 2019-2022, Hàn Quốc luôn nằm trong top 3 quốc gia có lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao nhất đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 5/2023, Hàn Quốc là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, với 9.666 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 81,56 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, logistics, xây dựng...

Các dự án của Hàn Quốc thường có quy mô lớn, góp phần quan trọng từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam.

Qua 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Hàn Quốc liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hàn Quốc là sản phẩm dệt may, điện thoại và linh kiện điện tử, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, giày da… Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng như: máy tính, sản phẩm điện tử và các linh kiện điện thoại, máy móc, thiết bị, xăng dầu các loại và chất dẻo nguyên liệu.

Hàn Quốc cũng là đất nước có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Những năm gần đây, Hàn Quốc đã có bước đột phá trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng kinh tế di sản, phát triển công nghiệp văn hóa và đổi mới sáng tạo. Các ngành công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc không chỉ ghi dấu ấn trong khu vực mà có sức ảnh hưởng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, khẳng định sức mạnh văn hóa trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.

Những thành công của Hàn Quốc là bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng trong xây dựng và phát triển văn hóa trở thành nguồn lực và động lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 năm 2021.

Với mong muốn thực hiện thành công Chiến lược phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, trên cơ sở các ký kết hợp tác giữa hai quốc gia cũng như giữa tỉnh Ninh Bình và các tỉnh, thành phố của Hàn Quốc, Đoàn công tác của tỉnh đi thăm và làm việc tại Hàn Quốc lần này đã có các buổi làm việc tại các thành phố Asan, Ansan, Busan, Gyeongju, Suncheon, tỉnh Jeollanam; thăm và chào xã giao Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc.

Tại các buổi làm việc, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn công tác và các thành viên trong Đoàn đã trao đổi, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quan điểm phát triển và định hướng lớn về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại; đồng thời mong muốn tiếp tục tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác trong phát triển công nghiệp lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ ô tô, điện tử... với đầu tàu là liên doanh ô tô Hyundai và Tập đoàn Thành Công; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, giảm phát thải carbon, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Hợp tác tổ chức sự kiện, nghệ thuật biểu diễn, truyền thông - quảng cáo, xây dựng phim trường - điện ảnh, nhiếp ảnh, thủ công mỹ nghệ, thiết kế sáng tạo, phần mềm giải trí… gắn với phục dựng và khai thác giá trị Kinh thành Hoa Lư - "Cố đô Thiên niên kỷ". Hợp tác trong xây dựng, đầu tư phát triển các Khu công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn; đầu tư phát triển công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data).

Xây dựng và phát triển các mô hình trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; huy động khai thác, liên kết, tối ưu hóa các nguồn lực của địa phương và các vùng lân cận; hợp tác, giới thiệu các Quỹ đầu tư Startup của Hàn Quốc đầu tư cho các mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế thể thao, xây dựng các bệnh viện phục hồi chức năng thể thao, xây dựng các nhà máy hoặc đại lý phân phối thực phẩm chức năng thể thao; thúc đẩy du lịch thể thao (Golf, bóng đá...); tạo điều kiện cho các nhãn hàng, đại lý phân phối thời trang thể thao, phụ kiện thể thao Hàn Quốc hoạt động trên địa bàn tỉnh; hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực khai quật khảo cổ học, thực hiện bảo tồn tại chỗ các di tích khảo cổ học, hướng đến mục tiêu phát triển học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong bảo tồn di sản, đặc biệt là bảo tồn tại chỗ các di tích khảo cổ học; thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong bảo quản, phục hồi, phục chế, trưng bày tư liệu, tài liệu, hiện vật cổ.

Đại diện lãnh đạo tỉnh và chính quyền thành phố Asan ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động.

Đại diện lãnh đạo tỉnh và chính quyền thành phố Asan ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động.

Phía Hàn Quốc cũng đã chia sẻ thông tin, trao đổi và gợi mở những phương thức, giải pháp phù hợp để thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với Hàn Quốc nói chung, giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Asan, Ansan, Busan và các đối tác, các nhà đầu tư. Từ đó nâng cao hiệu quả hợp tác hữu nghị, trên tinh thần có trọng tâm, trọng điểm và hướng tới những lĩnh vực, thị trường cụ thể; nhất là xúc tiến trên các lĩnh vực nước bạn đang có thế mạnh và phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh là công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch - dịch vụ và khoa học công nghệ.

Trong chuyến công tác, Đoàn đã khảo sát thực tế tại Làng cổ Oeam Folk Village; Công ty sữa Yonsei Milk Factory; Đoàn thăm và làm việc tại Nhà máy Ô tô Hyundai, thành phố Asan. Đoàn cũng đã hội đàm với ngài Park Gyung-gi, Thị trưởng thành phố Asan, đánh giá kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua và trao đổi các nội dung hợp tác phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động thời vụ ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình làm việc tại thành phố Asan.

Theo đó, hàng năm Ninh Bình sẽ phái cử lao động thời vụ sang làm việc tại Asan với thời gian từ 6 đến 8 tháng mỗi đợt. Hai bên cam kết đảm bảo các yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực và các điều kiện lao động đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho cả hai bên.

Đoàn thăm và làm việc tại Học viện K-Unicorn, Học viện Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo thuộc Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Hàn Quốc KOSME, tại thành phố Ansan; tìm hiểu về xây dựng và phát triển kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Hàn Quốc.

Trong chương trình công tác, Đoàn đã làm việc với ngài Joo Nak-Young, Thị trưởng thành phố Gyeongju và các cộng sự chính quyền Gyeongju nhằm tìm hiểu cơ chế quản lý đặc thù đô thị di sản - Cố đô, mô hình phục dựng và bảo tồn di sản văn hóa, kinh nghiệm xây dựng và quản lý đô thị di sản.

Đoàn công tác của tỉnh làm việc với chính quyền thành phố Gyeongju.

Đoàn công tác của tỉnh làm việc với chính quyền thành phố Gyeongju.

Thành phố Gyeongju không chỉ được biết đến là thủ đô của triều đại Silla, vương quốc tồn tại trên bán đảo Hàn Quốc suốt nghìn năm (từ năm 57 trước Công nguyên đến thế kỷ X) mà còn là chiếc nôi văn hóa của dân tộc Hàn. Khu di tích lịch sử thành phố Gyeongju giống như một bảo tàng lịch sử sống ngoài trời rộng lớn với quần thể di sản và di tích các đền đài, cung, chùa, tháp, lăng, thành.. phản ánh phong tục tập quán và những tinh hoa Phật giáo của triều đại Silla thống nhất. Hiện tại Gyeongju sở hữu số lượng di sản văn hóa nhiều nhất Hàn Quốc với 4 di sản thế giới, 161 di sản quốc gia. Các di sản được bảo tồn, phát huy giá trị, đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển đô thị Gyeongji.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn tặng quà lưu niệm cho ngài Thị trưởng Thành phố Gyeongju.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn tặng quà lưu niệm cho ngài Thị trưởng Thành phố Gyeongju.

Tại buổi làm việc, thị trưởng Joo Nak-Young đã chia sẻ kinh nghiệm của thành phố trong xây dựng đô thị di sản, thành phố lịch sử, các cơ chế, chính sách để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển; đặc biệt cơ chế, chính sách để bảo tồn, phục dựng các di sản, tài sản quý báu này, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế di sản, phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã bày tỏ mong muốn sau cuộc làm việc này, giữa tỉnh Ninh Bình và Gyeongji sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác song phương chặt chẽ, lâu dài, bền vững, góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Cũng trong chương trình công tác, Đoàn đã có buổi làm việc với cơ quan quản lý phim trường Suncheon, tỉnh Jeollanam. Phim trường Suncheon được thành lập từ năm 2006, là nơi quay hơn 100 bộ phim truyện nổi tiếng, các phim tài liệu, các chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư… Tại đây, Đoàn đã tham quan và tìm hiểu cơ chế đầu tư xây dựng, cách thức quản lý và vận hành phim trường, học tập kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, phim trường nói riêng tại Ninh Bình.

Chuyến công tác tại Hàn Quốc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn công tác đã kết thúc tốt đẹp với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả; góp phần nâng tầm mối quan hệ giữa Ninh Bình với các địa phương và các doanh nghiệp Hàn Quốc; thúc đẩy hợp tác đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm tiền đề để Ninh Bình thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp theo chương trình làm việc tại nước ngoài, trong hai ngày 28 và 29/6, Đoàn công tác có chuyến thăm và làm việc với các đối tác tại Nhật Bản.

Tin, ảnh: Hải Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doan-cong-tac-tinh-ninh-binh-tham-lam-viec-tai-han-quoc/d20240625154219177.htm