Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam thảo luận ở tổ về các dự án luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nam thảo luận ở tổ 16.

Phó trưởng ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.
Tham gia ý kiến thảo luận đối với dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Phó trưởng ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng đề nghị, tại khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định: “Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể về mức phạt, khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính”, cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về căn cứ, cơ sở khoa học đối với quy định “Áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước” của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm tạo sự công bằng, minh bạch và hợp lý, phù hợp trong quá trình áp dụng thực hiện. Với mức phạt cao nhất lên đến 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp theo đại biểu là quá nặng; đồng thời quy định như vậy có thể nảy sinh sự không công bằng về mức phạt đối với các tổ chức, doanh nghiệp khác nhau khi thực hiện cùng một hành vi vi phạm (từ 1-5%). Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá tác động của dự án này để ĐBQH có cơ sở xem xét...
Về xử lý các hành vi tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là đối với hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân. Hiện nay, với xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng chuyển đổi số, hành vi tội phạm này càng trở nên phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng pháp luật hiện nay chưa quy định tội phạm trong lĩnh vực này nên khi xảy ra hành vi vi phạm, cơ quan tiến hành tố tụng phải điều tra, truy tố, xét xử theo hướng chứng minh “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” theo Điều 159 và “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự hiện hành. Tuy nhiên, tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này chưa xem xét, bổ sung những tội danh liên quan đến dữ liệu cá nhân. Do vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung hành vi tội phạm liên quan đến xâm phạm dữ liệu cá nhân nhằm phát hiện và ngăn ngừa, xử lý hiệu quả hành vi tội phạm nêu trên.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Hùng Thắng đề nghị tại khoản 5, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 11 Luật hiện hành quy định: Việc xác định khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã quyết định. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có quyền điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu”.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “Việc xác định khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã quyết định, bảo đảm phù hợp với điều kiện dân cư, địa bàn, thuận tiện cho cử tri thực hiện quyền bầu cử. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành hướng dẫn chung, tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm sự thống nhất và tuân thủ quy định pháp luật trong toàn tỉnh. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu”.

ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải phát biểu thảo luận.
Quy định như trên nhằm giao quyền chủ động cho cấp xã, nơi nắm rõ thực tế dân cư và địa bàn sẽ giúp tổ chức các điểm bỏ phiếu hợp lý hơn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. UBND cấp tỉnh vẫn đảm nhận vai trò giám sát và hướng dẫn chung để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, công bằng.
Đối với dự thảo Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng đồng tình nhất trí cao với việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026…
Tham gia ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải cho rằng, những quy định trong dự thảo bước đầu thiết lập khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, một nội dung cốt lõi mà Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đề ra, yêu cầu “đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính” để phát triển kinh tế dữ liệu chưa được thể chế hóa đầy đủ trong dự thảo luật. Dự thảo hiện nay thiên về bảo vệ dữ liệu, chưa chú trọng cơ chế phát huy giá trị dữ liệu. Khoản 5, Điều 7 dự thảo cấm tuyệt đối “mua, bán dữ liệu cá nhân”. Quy định này bảo vệ quyền riêng tư, nhưng thiếu linh hoạt để khuyến khích khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển. Chủ trương của Đảng “loại bỏ tư duy không quản được thì cấm” đòi hỏi thay vì cấm tuyệt đối, phải có phương thức quản lý cho phép chia sẻ, thương mại hóa dữ liệu dưới sự kiểm soát hợp lý.
Nếu luật không mở đường cho khai thác dữ liệu an toàn, khó xây dựng được thị trường dữ liệu lành mạnh. Dữ liệu cá nhân có nguy cơ vẫn bị mua bán “chui” trên thị trường ngầm, Nhà nước không tận dụng được tài nguyên số này.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, ĐBQH Trần Văn Khải đề xuất một số điểm cần bổ sung nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng ĐBQH và đại biểu HĐND như: quy định tỷ lệ đại biểu chuyên trách tối thiểu; nâng cao tiêu chuẩn và sàng lọc ứng viên; trẻ hóa thành phần đại biểu…