Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào các dự thảo luật
(QBĐT) - Ngày 12/2, kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì, phát biểu khai mạc kỳ họp.
![Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia góp ý vào các dự thảo luật.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_446_51458555/bb121f4e2800c15e9811.jpg)
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia góp ý vào các dự thảo luật.
Buổi sáng, tham gia thảo luận tại tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh Ninh Bình, Hưng Yên và Bắc Kạn, Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Góp ý dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia một số ý kiến tại khoản 2, Điều 8 dự thảo luật; đồng thời, đề nghị giải thích rõ một số thuật ngữ về quy định thẩm quyền của Chính phủ (Điều 14), của HĐND, UBND cấp tỉnh (Điều 21) để thuận tiện trong quá trình áp dụng.
![Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự kỳ họp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_446_51458555/cf5b6c075b49b217eb58.jpg)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự kỳ họp.
Ý kiến đề nghị tại khoản 2, Điều 50 quy định theo hướng một số trường hợp (điểm a, b khoản 1) cần xin ý kiến của cơ quan, người có thẩm quyền, các trường hợp còn lại (từ điểm c đến điểm g, khoản 1) đương nhiên được xây dựng, ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn để giảm bớt thủ tục. Đối với Điều 72, đồng chí đề nghị nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất các nội dung trong dự thảo luật.
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đồng chí nhấn mạnh, các nội dung trong dự thảo sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Trung ương liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Đồng thời, khắc phục, xử lý một số vướng mắc, bất cập trong hoạt động của Quốc hội đã phát sinh trong quá trình thi hành Luật Tổ chức Quốc hội thời gian qua. Do đó, ý kiến đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh lại khoản 2, Điều 5 theo hướng ngắn gọn hơn, bao quát hơn; đồng thời thay đổi từ ngữ tại khoản 2, Điều 48.
![Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thảo luận tại tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_446_51458555/339491c8a6864fd81697.jpg)
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thảo luận tại tổ.
Cùng tham gia thảo luận, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ rõ, luật hiện hành chỉ quy định tạm đình chỉ khi khởi tố bị can nhưng dự thảo luật bổ sung quy định có cơ sở xác định xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với ĐBQH là cán bộ, công chức. Trong khi đó, ĐBQH là do người dân bầu nên việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH phải hết sức thận trọng, chặt chẽ. Đồng chí cũng đề nghị giao thẩm quyền quyết định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến bế mạc vào ngày 19/2.