Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An kiến nghị nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Sáng ngày 25/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV tổ chức phiên thảo luận tổ đầu tiên để đóng góp về các báo cáo, tờ trình đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 và những nội dung quan trọng khác.
Tại phiên thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu (ĐB) QH tỉnh Long An - Lê Thị Song An kiến nghị Chính phủ sớm bố trí vốn cho các địa phương để triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 1740/QĐ-TTg, ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ĐB Lê Thị Song An, năm 2022, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó, nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo QH, GDP năm 2022 tăng 8,02%. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả để duy trì và từng bước phục hồi, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục có những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, ĐB An cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế mà qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp vẫn còn rất nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến giá xăng, dầu, vật tư nông nghiệp và các mặt hàng thiết yếu liên tục biến động; tình hình tiêu thụ nông sản thiếu ổn định; dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ trở lại, tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và đời sống của người dân;... Còn 2 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2022 chưa đạt kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công và triển khai, thực hiện một số chính sách thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu; công tác lập quy hoạch còn chậm. Nhiều DN gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận các nguồn vốn, chi phí sản xuất tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp. Đời sống của người dân, công nhân, lao động còn nhiều khó khăn. Trật tự, an toàn xã hội; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân còn nhiều bất cập.
Mặc dù nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng việc sản xuất còn nhiều khó khăn khi giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá nhân công, giá xăng, dầu liên tục tăng làm cho nông dân chưa an tâm sản xuất. Từ đó, ĐB An kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân an tâm sản xuất. Rà soát các tiêu chuẩn chất lượng nông sản hàng hóa; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu chính ngạch, khắc phục tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới như thời gian qua. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thông thoáng giúp người dân và DN được tiếp cận các nguồn vốn trong chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
ĐB An kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62. Tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh cơ chế tài chính để đầu tư dự án 3 cầu giao thông trên Đường tỉnh 827E, gồm cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây nhằm tạo động lực phát triển KT-XH cho các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, ĐB cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt, bố trí đủ vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo nhằm bảo đảm các yêu cầu thiết yếu của người dân được sử dụng điện an toàn, ổn định, góp phần cải tạo, nâng cấp hạ tầng cấp điện đồng bộ với kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn của các địa phương.
Bên cạnh đó, ĐB An cho rằng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều bất cập, vướng mắc, điều kiện chuẩn bị còn thiếu cả về nhân lực, vật lực, nhiều nội dung thiếu tính khả thi. Qua giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, ĐB kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung rà soát, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Tham gia thảo luận, ĐB Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp, đề nghị Chính phủ quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động, người dân và DN. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi, trợ cấp xã hội. ĐB Dung cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, triển khai, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và có các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm để bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội./.