Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Kim Sơn
Chiều 23/4, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc với cử tri các xã: Ân Hòa, Hồi Ninh, Kim Định (huyện Kim Sơn).
Dự buổi tiếp xúc có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; lãnh đạo huyện Kim Sơn.
Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, cử tri đã phản ánh, đề nghị các cấp, các ngành chức năng giải quyết một số vấn đề còn tồn tại trên các lĩnh vực và trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách ở địa phương.
Trong đó, các ý kiến tập trung vào các nội dung về: xem xét cấp thẻ Bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố gồm Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ dân phố hoặc Trưởng thôn. Tăng chế tài xử lý công dân trốn tránh đi nghĩa vụ quân sự; có chế tài xử lý đối với những công ty, doanh nghiệp sử dụng lao động là những công dân trốn, tránh nghĩa vụ quân sự, để đảm bảo công bằng trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ.
Mở rộng đối tượng đảm nhiệm các chức danh Chủ tịch Hội đối với một số tổ chức xã hội đặc thù và có chính sách hỗ trợ phụ cấp đối với Phó Chủ tịch hội. Hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho các chi bộ trực thuộc đảng bộ ở các xã, thị trấn.
Cử tri nêu kiến nghị về một số vấn đề còn tồn tại trên các lĩnh vực.
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, cử tri đề nghị cần đầu tư xây dựng mới trạm bơm Quy Hậu để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 3 xã Ân Hòa, Kim Định, Hùng Tiến…
Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Trần Xuân Trường, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn đã giải trình, làm rõ một số nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền.
Cảm ơn những ý kiến chính đáng, trách nhiệm của cử tri, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương đã chia sẻ một số thông tin kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng.
Đồng thời, tiếp thu, giải đáp một số kiến nghị mà cử tri quan tâm. Trong đó một số ý kiến trùng với nội dung đã tiếp thu từ các kỳ họp trước, được đồng chí giải đáp theo trả lời của các cơ quan có thẩm quyền như: kiến nghị về chế độ, chính sách của tổ chức hội đặc thù; công dân trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương giải đáp một số vấn đề cử tri quan tâm.
Riêng đối với kiến nghị về việc cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách Nhà nước cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, đồng chí Nguyễn Thị Thanh thông tin: theo quy định của Luật BHYT hiện nay, đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố không được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Dự kiến Luật BHYT sẽ được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV để cho ý kiến lần đầu và sẽ được sửa đổi sau khi sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, tại tỉnh Ninh Bình, vấn đề này đã được UBND tỉnh giao cho các cơ quan chức năng khảo sát, dự thảo tờ trình của UBND tỉnh để đề xuất trình HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí trong thời gian tới.
Đồng chí đánh giá cao sự chủ động của tỉnh trong thực hiện chủ trương trên và mong tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác này cũng như các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị tỉnh xem xét nguồn kinh phí để có thể hỗ trợ cho các hội đặc thù.
Đối với kiến nghị hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho các chi bộ trực thuộc đảng bộ ở các xã, thị trấn, đồng chí tiếp thu và phản ánh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 sắp tới.
Đồng chí cũng lưu ý, đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh, huyện, đề nghị lãnh đạo địa phương tiếp thu, xem xét giải quyết, đồng thời, tiến hành khảo sát các nội dung theo ý kiến phản ánh của cử tri để đánh giá mức độ, đặc biệt là các vấn đề liên quan trực tiếp đời sống, sản xuất, sự an toàn tính mạng của người dân, sớm có phương án đầu tư phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.