Đoàn ĐBQH Thanh Hóa tham gia góp ý về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5 Tổ 18 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang và Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024.

Các đại biểu tham gia buổi thảo luận tại tổ.
Tại buổi thảo luận, các ĐBQH đã tham gia góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Các đại biểu tham gia buổi thảo luận tại tổ.
Cho ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, các ĐBQH cơ bản thống nhất và đồng thuận cao với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính.
Các đại biểu cho rằng, mặc dù khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai, bão lũ, hạn hán tại nước ta ngày càng khắc nghiệt, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất cao, sự chung sức, đồng lòng của cả nước, toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024 đều đạt, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đánh giá cao thành tựu của công tác đối ngoại nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng; thu ngân sách và phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng đạt nhiều thành tựu quan trọng; hoàn thành nhiều dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt là đường dây 500 kV mạch 3 trong thời gian ngắn kỷ lục 6 tháng...

ĐBQH Mai Văn Hải tham gia phát biểu tại tổ.
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các địa phương trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt và khó kiểm soát. Theo đại biểu, tinh thần đổi mới, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã mang lại kết quả rõ nét, đặc biệt về tăng trưởng kinh tế. GDP quý I/2025 đạt 6,93% – mức cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020–2025.
Đại biểu cho rằng, việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy (tinh gọn bộ máy) được xem là một cuộc cách mạng, một bước đột phá quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cần phải lường trước được những vấn đề có thể xảy ra sau khi thực hiện sắp xếp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ví dụ tới đây sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã thì vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch như thế nào để khi bộ máy đi vào hoạt động phải phát huy hiệu quả. Do đó trong lúc chưa thực hiện quy hoạch theo đơn vị hành chính mới thì trước hết phải kế thừa những quy hoạch trước kia đã quy hoạch. Nếu không như thế sẽ không có căn cứ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu cũng đề nghị cần phải sớm có phương án xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập nhằm tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước và của Nhân dân; đồng thời có biện pháp, phương án để xử lý cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Cần đánh giá rõ hơn về những sản phẩm OCOP trên thị trường để có biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm; Chính phủ sớm chỉ đạo để có bộ tiêu chí mới trong xây dựng nông thôn mới đối với các xã sau khi sáp nhập...

ĐBQH Lê Thanh Hoàn tham gia phát biểu tại tổ.
Tham gia góp ý, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần thiết phải thành lập Ban chỉ đạo để rà soát toàn bộ và giao sớm việc sử dụng đất nông lâm trường cho địa phương, trong khi đó chỗ nào vướng mắc thì có biện pháp xử lý. Đề nghị Nhà nước cần chủ động rà soát để đảm bảo trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; cần tăng cường giải pháp trong việc phòng ngừa lừa đảo qua mạng...