ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÒA BÌNH LÀM VIỆC TẠI BAN DÂN TỘC

Sáng 13/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hòa Bình gồm các ông, bà: Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn đã làm việc với Ban Dân tộc tỉnh về triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân tộc và việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) trên địa bàn tỉnh.

Cùng tham gia đoàn có các đồng chí: Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình; Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh...

Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Giai đoạn 2021-2023, tổng số vốn đầu tư phát triển giao cho tỉnh là 720.680 triệu đồng, trong đó nguồn vốn T.Ư 635.706 triệu đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương 84.974 triệu đồng. Tổng số vốn sự nghiệp 601.434 triệu đồng nguồn ngân sách T.Ư. Kế hoạch năm 2022, kinh phí 149.025 triệu đồng; kế hoạch năm 2023, kinh phí 452.409 triệu đồng. Tổng nguồn vốn thực hiện lồng ghép 520.376 triệu đồng, trong đó: CTMTQG nông thôn mới 307.270 triệu đồng; CTMTQG Giảm nghèo bền vững 162.606 triệu đồng; vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội tính đến 6 tháng năm 2023 là 16.200 triệu đồng, ước đến hết năm 2023 đạt khoảng 30.000 triệu đồng; vốn hỗ trợ ODA vào các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) 20.500 triệu đồng.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá: CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN có 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc, do đó cần nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình hàng năm phân bổ chi tiết cho từng dự án, nội dung chi gây khó khăn cho tỉnh cân đối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Việc huy động các nguồn lực tư nhân, nguồn lực trong xã hội còn hạn chế, công tác tổ chức triển khai và giải ngân còn chậm...

Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình kiến nghị: Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn đã giao năm 2023 cho các địa phương để thực hiện các Chương trình MTQG sang năm 2024. Đối với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành T.Ư: Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định, hướng dẫn chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đề nghị T.Ư thông báo cho tỉnh số vốn còn lại trong giai đoạn 2024-2025; xem xét điều chỉnh chỉ tiêu giao cho tỉnh đến năm 2025 có 33 xã và 50% số thôn, xóm thoát khỏi diện ĐBKK; sớm tham mưu ban hành tiêu chí đánh giá, xác định thôn, xóm thoát khỏi diện ĐBKK; xem xét cho các xã khu vực III hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đối với vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK đến hết năm 2025…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tiếp thu toàn bộ kiến nghị, đề xuất của ngành Dân tộc, xem xét, trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị Ban Dân tộc tiếp tục rà soát nội dung các văn bản tham mưu cho tỉnh về Chương trình. Nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác dân tộc và phối hợp với các cấp, ngành, đảm bảo Chương trình thực hiện hiệu quả hơn. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong giải ngân thực hiện các dự án, tiểu dự án theo kế hoạch đề ra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=79812