Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La lấy ý kiến vào dự thảo Luật Nhà Giáo
Sáng nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị tham gia lấy ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo và Luật Công nghiệp công nghệ số. Đồng chí Chá A Của, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La chủ trì Hội nghị.
Góp ý vào dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Luật. Đại biểu đã tham gia ý kiến vào các điều khoản thuộc Chương 5 về tiền lương và phụ cấp với nhà giáo và “thực hiện bình đẳng giữa nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập”. Đại biểu cho rằng, trên thực tế điều này khó thực hiện. Vì hiện so sánh mức lương của giáo viên ngoài công lập, ngày lễ, ngày nghỉ phần lớn đều là do thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với nhà giáo; và mức lương giáo viên ngoài công lập hiện rất thấp so với lương của giáo viên công lập.
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định tại Điều 26, nhiều đại biểu cho rằng cần bỏ hẳn điểm d đề xuất “miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác”, bởi không nên tạo ra đặc quyền đặc lợi, gây bất bình đẳng giữa các học sinh là con em của các ngành nghề khác. Cũng trong điều này, đại biểu cho rằng, quy định hỗ trợ đối với “nhà giáo trẻ” thì phải quy định rõ “trẻ” là độ tuổi bao nhiêu. Đồng thời nên bổ sung chính sách hỗ trợ nhà giáo công tác vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho phù hợp.
Liên quan đến Điều 27 về chính sách thu hút nhà giáo, đại biểu đề nghị bỏ hẳn cụm từ “người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo”, vì làm thế nào để người ứng tuyển chứng minh mình là người có năng khiếu đặc biệt, gây khó khăn cho người tuyển dụng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ, hiện dư luận xã hội đang rất quan tâm và bức xúc với việc các nhà trường đang sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa, giáo trình cho một chương trình học tập, gây lãng phí lớn, kiến nghị Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, xem xét ban hành thống nhất một bộ sách giáo khoa duy nhất cho một chương trình và có thể sử dụng nhiều lần và không thiết kế làm bài tập trực tiếp vào sách.
Dự thảo Luật quy định về “thuyên chuyển công tác”, có nêu chung công tác đủ 5 năm tính từ thời điểm tuyển dụng, được chuyển công tác về vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đề nghị điều chỉnh với nữ đủ 3 năm, với nam đủ 5 năm trở lên cho phù hợp với chính sách với cán bộ nữ. Về “bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo”, điểm a nêu “Trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nếu chế độ, chính sách ở vị trí công việc cũ cao hơn chế độ, chính sách ở vị trí công việc mới thì được bảo lưu các chế độ, chính sách của vị trí công việc cũ trong thời hạn tối đa 36 tháng”. Đại biểu cho rằng, việc bảo lưu chế độ cũ tới 36 tháng là thời gian quá dài, tạo ra đặc quyền đặc lợi riêng dẫn đến bất bình đẳng với các ngành nghề khác.
Liên quan đến Điều 29 quy định chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật không phù hợp, do đó đề xuất chỉ nên kéo dài chung cho các nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ thời gian là 5 năm.
Đại biểu cũng góp ý cần bổ sung từ “biên giới” vào điều khoản quy định “có chính sách ưu tiên về tiền lương, đãi ngộ và an sinh xã hội đối với nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”.
Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và tổng hợp trình Quốc hội trong Kỳ họp tới./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=90148