Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 23-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024. Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang có nhiều ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận tổ.

NHIỀU CHỈ TIÊU ĐẠT VÀ VƯỢT

Tại buổi thảo luận, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 được trình bày tại kỳ họp. Đa số các ĐBQH cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm là những thành tựu nổi bật của nước ta, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Phát biểu ý kiến về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2023, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung và nhiều biến động của tình hình kinh tế thế giới, kinh tế nước ta năm 2023 dù gặp nhiều thách thức nhưng vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế phục hồi qua các quý.

Tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra khoảng 4,5%; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% so với năm 2022; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, xuất siêu 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần so với năm 2022; tiêu dùng tăng trưởng tích cực; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi NSNN được kiểm soát; việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm được quan tâm chỉ đạo nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ; hạ tầng đô thị tiếp tục được hoàn thiện; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tích cực hơn; thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm...

Qua báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp, các đại biểu vui mừng khi thấy những tháng đầu năm 2024 trên cơ sở kế thừa kết quả năm 2023, kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt là lạm phát tiếp tục được kiểm soát, ổn định, đời sống của người dân tại địa phương với nhiều chỉ tiêu, chỉ số tăng hơn so với cùng kỳ.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

Tại buổi thảo luận tổ, các ĐBQH cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì nền kinh tế nước ta cũng còn một số tồn tại, hạn chế: Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Năng suất lao động của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm sút với mức tăng 3,65% trong năm 2023 (so với mức trung bình 6,35%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019).

Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực, trung bình giai đoạn 2020 - 2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn so với mục tiêu 20% vào năm 2020. Tăng trưởng tín dụng chủ yếu tập trung trong tháng cuối năm, làm giảm hiệu quả thực sự của tín dụng cho tăng trưởng kinh tế… Theo đó, các ĐBQH cũng đã phân tích, đề xuất nhiều giải pháp phát triển KT-XH và NSNN năm 2024.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết 103/QH và Nghị quyết 01/CP, đồng thời đề xuất một số giải pháp cần lưu ý trong công tác điều hành của Chính phủ như sau:

Thứ nhất, về chính sách vĩ mô, xem xét tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh khó khăn, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm.

Về phía tiền tệ, để tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần ban hành và chỉnh sửa một số văn bản pháp lý liên quan tới tiếp cận tín dụng. Đồng thời, NHNN cần triển khai một số chính sách nhằm tăng cường mức độ tiếp cận tín dụng, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cũng như giảm lãi suất cho vay.

Thứ hai, về chính sách thúc đẩy đầu tư, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy đầu tư công mà trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia. Đây là những chính sách vừa kích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tạo cung dài hạn và hạn chế tác động phụ của các chính sách trọng cầu. Cùng với đó, tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân thông qua việc cắt giảm thực chất những điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; hạn chế các tác động bất lợi đến doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV.

Thứ ba, về kích cầu tiêu dùng, đối với tiêu dùng nội địa, cần kích thích chi tiêu người tiêu dùng thông qua: gia tăng trợ cấp an sinh xã hội cho người nghèo, người bị mất việc làm (cả khu vực chính thức và phi chính thức); nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương nhằm kích thích tiêu dùng.

Thứ tư, về chính sách phát triển thương mại quốc tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách xuất nhập khẩu (XNK) và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa XNK theo hướng tích cực.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng như sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen); hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... Sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, ĐBQH tỉnh Tiền Giang quan tâm đến kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Đại biểu nhấn mạnh một số thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới; khoảng cách giới về việc làm trong thời đại công nghệ số và mức thu nhập. Đồng thời, cũng kiến nghị Chính phủ tập trung thực hiện một số giải pháp để giảm khoảng cách giới và phát triển bền vững đất nước như:

Thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục, nội dung, chất lượng đánh giá tác động kinh tế, xã hội, bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án.

Quan tâm công tác phát hiện, đào tạo, nâng cao năng lực; thực hiện tốt công tác quy hoạch gắn với việc bố trí, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, với các biện pháp mang tính đột phá, để thực hiện chỉ tiêu về cán bộ nữ theo Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ ĐBQH, HĐND các cấp từ 35% đến 40%.

Đồng thời, có giải pháp chính sách kịp thời để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực già hóa dân số, công nghệ số, thu nhập, việc làm, biến đổi khí hậu. Tiếp tục quan tâm phân bổ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả 7 chương trình, đề án về bình đẳng giới và có liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

THU HOÀI - MINH TRÍ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202405/doan-dbqh-tinh-tien-giang-thao-luan-tinh-hinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-ngan-sach-nha-nuoc-1011170/