Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị sự nghiệp công lập làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên
Chiều 4.5, tại TP. Thái Nguyên, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên.
Tham dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng; các thành viên Đoàn giám sát và đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, các sở, ngành và lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thành Minh cho biết, tỉnh đã thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập, thu gọn đầu mối, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đạt được kết quả cụ thể. Theo đó, sau khi cơ cấu lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, đến ngày 31.12.2023, tỉnh Thái Nguyên đã giảm được 118 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 116 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối chính quyền và 2 đơn vị thuộc cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.
Về giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập so với mục tiêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, tính đến hết năm 2021, tỉnh Thái Nguyên giảm 105 đơn vị so với năm 2015, đạt tỷ lệ 11,64%; đến ngày 31.12.2023, thực hiện giảm 116 đơn vị, đạt tỷ lệ 12,86% so với năm 2015. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, tổng số đơn vị tại thời điểm ngày 31.12.2023 là 15 đơn vị, giảm 2 đơn vị so với năm 2015.
Từ năm 2018 đến năm 2023, tỉnh Thái Nguyên thành lập mới 3 đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc lĩnh vực giáo dục do bị quá tải về số lượng học sinh. Việc thành lập mới các trường học là giải pháp thiết thực nhằm sắp xếp trường lớp theo hướng hợp lý, ổn định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khắc phục tình trạng quá tải và nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm theo yêu cầu, điều kiện quy định tại Nghị dịnh số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2018 - 2023 đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Trong quá trình thực hiện, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo và triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Trung ương và sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị. Do vậy, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được rà soát, triển khai đồng bộ trên tất cả các ngành, lĩnh vực với cơ cấu hợp lý, bảo đảm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị sự nghiệp công lập đã đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị, bảo đảm chặt chẽ hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp đã đi vào hoạt động bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các văn bản nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, quy định, hướng dẫn về vị trí việc làm và biên chế công chức, xác định cơ cấu ngạch công chức, xây dựng Đề án vị trí việc làm theo hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan, làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công…
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Thái Nguyên đánh giá thêm về hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp sau sáp nhập; làm rõ thêm về quá trình xây dựng danh mục vị trí việc làm của tỉnh và những thuận lợi, khó khăn trong việc quản lý viên chức theo vị trí việc làm thời gian qua; thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện kiểm định, đánh giá, xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc địa phương…
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Thái Nguyên đã làm rõ những vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra. Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên cũng kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, làm cơ sở để các địa phương thống nhất quy định chế độ trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NÐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó bổ sung nội dung Quỹ Phúc lợi được chi thực hiện tinh giản biên chế cho người lao động, giúp cho các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thuờng xuyên tạo lập nguồn để thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với người lao động; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 106/2020/ND-CP ngày 10.9.2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đề nghị xác định cụ thể về cơ cấu các hạng chức danh nghề nghiệp để làm cơ sở cho việc xét thăng hạng chức danh…
Trên cơ sở các ý kiến tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quán triệt các nghị quyết của Trung ương về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện báo cáo bổ sung, làm rõ hơn các kết quả đạt được trong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và phân tích những hạn chế, tồn tại trong tổ chức thực hiện, từ đó có các đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.