Đoàn kết chống 'căn bệnh trầm kha của quyền lực'

Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức có nguy cơ gây cản trở sự phát triển bền vững toàn cầu. Đáng quan ngại, vấn nạn tham nhũng, được ví như 'căn bệnh của quyền lực', đang len lỏi trong hầu hết những thách thức này, tác động tiêu cực tới mọi khía cạnh của xã hội, kìm hãm sự phát triển, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, làm chậm trễ việc đối phó với biến đổi khí hậu và là tác nhân gây ra bất ổn và xung đột.

Chủ tịch Tổ chức Minh bạch quốc tế, bà Delia Ferreira Rubio nhấn mạnh, “từ đại dịch COVID-19 đến sự tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, không có cách nào giải quyết những vấn đề lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay nếu không giải quyết tham nhũng trước".

Tại Hội nghị lần thứ chín các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng (UNCAC) diễn ra tháng 12/2021 tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập), Tuyên bố Sharm El-Sheikh cũng như 7 nghị quyết khác nhằm thúc đẩy hợp tác chống tham nhũng trên quy mô toàn cầu đã được thông qua, với cam kết biến năm 2022 thành năm của hành động. Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng 9/12 năm nay, LHQ đã chọn chủ đề “UNCAC năm thứ 20: Đoàn kết thế giới chống tham nhũng”, nhằm nêu bật mối quan hệ giữa chống tham nhũng và hòa bình, an ninh cùng phát triển.”

Trên thực tế, năm 2022 đã ghi nhận nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng. Với vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), từ đầu năm, Indonesia đã khởi động Nhóm công tác chống tham nhũng G20 2022 (ACWG), với mục tiêu xóa bỏ tham nhũng để duy trì tăng trưởng kinh tế của các nước hậu đại dịch. Một chiến dịch vận động thành lập tòa án chống tham nhũng toàn cầu, như một công cụ hỗ trợ cộng đồng quốc tế thực thi luật chống tham nhũng hiện hành, đang được thúc đẩy.

Ở cấp độ quốc gia, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trước Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, kết án và xử lý nhiều quan chức. Indonesia tập trung chống tham nhũng trong lĩnh vực cấp phép xây dựng. Tại Panama, tháng 9 vừa qua, 2 cựu tổng thống bị buộc tội tham nhũng. Quốc hội Hungary hồi tháng 10 đã thông qua dự luật đầu tiên trong loạt dự luật chống tham nhũng, trong khi Nam Phi đang nghiên cứu và xây dựng các luật mới để loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng ở các địa phương.

Tại Việt Nam, năm 2022, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, "không ngừng", "không nghỉ", trên nhiều lĩnh vực mới, tồn tại lâu dài như: đất đai, tài chính, thị trường chứng khoán, đấu thầu... Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập tại tất cả 63 tỉnh, thành phố. Cuộc chiến ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực ngày càng mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ.

Bà Ramla Al Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng một cách rất nghiêm túc và đã thực hiện hiệu quả các biện pháp chống tham nhũng trong thời gian qua. Trong khi đó, Thạc sỹ Uch Leang, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia đánh giá quyết tâm cao trong nỗ lực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng theo phương châm “không có vùng cấm” của Việt Nam là minh chứng trước cộng đồng quốc tế về tính minh bạch, thượng tôn pháp luật, nguồn lực dồi dào, hệ thống quản trị và môi trường kinh doanh tốt đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Ad Spijkers, nguyên Phó Trưởng đại diện Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) tại Việt Nam, nêu rõ trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã ghi nhận tiến triển trong cải cách thể chế mạnh mẽ và tất cả đã góp phần hạn chế tham nhũng. Theo bảng xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2021, trong 10 năm, Việt Nam tăng gần 20 bậc. Ông nhấn mạnh điều này cho thấy Việt Nam đã đạt rất nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng và Việt Nam đang làm rất tốt, rất quyết liệt. Theo tờ Asiana Times, Việt Nam đã triển khai các biện pháp chống tham nhũng có hệ thống và nỗ lực tiếp tục cuộc chiến.

Hoạt động chống tham nhũng cũng diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Tháng 2/2022, sau cuộc điều tra xuyên biên giới mang tên “SwissLeaks” Ngân hàng Credit Suisse có tuổi đời gần 170 năm của Thụy Sĩ bị cáo buộc lách các quy định ngân hàng quốc tế để giữ các quỹ liên quan đến tội phạm và tham nhũng trong nhiều thập kỷ, với số tiền lên tới hơn 100 tỷ USD. Trước đó, tháng 10/2021, hồ sơ Pandora, tài liệu do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố cho biết, các nhà lãnh đạo thế giới đã lợi dụng các 'thiên đường thuế' để che giấu số tài sản khổng lồ trị giá hàng nghìn tỷ USD. So với Hồ sơ Panama" (2016) và "Hồ sơ Paradise" (2017), Hồ sơ Pandora gây chấn động toàn cầu khi phơi bày sự bất bình đẳng trong xã hội giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, tham nhũng vẫn là một vấn nạn toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018 ước tính, nền kinh tế toàn cầu tổn thất 3,6 nghìn tỷ USD mỗi năm do tham nhũng. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm các doanh nghiệp và cá nhân phải trả hơn 1 nghìn tỷ USD tiền hối lộ.

Tháng 6 năm ngoái, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra mắt mạng lưới hoạt động toàn cầu của các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng, nhằm thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới nhanh hơn, hiệu quả hơn và chủ động chia sẻ thông tin để theo dõi và truy tố tội phạm tham nhũng xuyên biên giới và thu hồi tài sản. Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nêu rõ tham nhũng có thể coi như một loại tội phạm xuyên biên giới bởi vấn nạn này gây hậu quả nặng nề, lấy đi các nguồn lực để phát triển bền vững, phản bội lòng tin của người dân. Bởi vậy, tăng cường hợp tác toàn cầu và quyết liệt chống tham nhũng là điều cần thiết để thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người.

Phương Thịnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/doan-ket-chong-can-benh-tram-kha-cua-quyen-luc-20221209170215220.htm