Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc tại Huế
Các ngành chức năng của Huế đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các điều khoản của Luật Đường sắt hiện hành để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành đường sắt.
Ngày 24.2, Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Huế phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
Cùng dự có: ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải; Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Huế Nguyễn Thị Sửu và lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu
Theo Sở GTVT Huế, hiện trạng tuyến đường sắt Bắc - Nam qua thành phố có chiều dài 112,5km (Km655+000 - Km767+500) gồm 10 ga, công trình trên tuyến có 7 hầm và 109 cầu.
Trong quy hoạch chung đô thị thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện có thuận tiện cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và tuyến nhánh kết nối với Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô phù hợp với lộ trình quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn để đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên toàn đô thị.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Huế
Phát triển đường sắt tốc độ cao qua Huế, hình thành mô hình Ga đường sắt và TOD theo các khu vực ga tại Phú Mỹ và Chân Mây. Sự kết nối giữa đường sắt Bắc - Nam với đường bộ tương đối tốt nhưng kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác (đường thủy, cảng biển, sân bay) chưa được thuận tiện.
Theo báo cáo của UBND thành phố Huế, từ khi Nghị định 39/NĐ-CP năm 1996, Luật Đường sắt năm 2005, Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực, hành lang an toàn giao thông đường sắt mới chỉ được xác định trên thực địa và chưa được đền bù, giải tỏa theo quy định. Do chưa có điều kiện xây dựng hàng rào bảo vệ; hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa có điều kiện đo đạc, cắm mốc chỉ giới theo Luật Đường sắt năm 2017.
Ngoài ra, do khối lượng giải phóng mặt bằng và nguồn kinh phí để thực hiện là rất lớn; mặc dù bố trí được kinh phí nhưng lại gặp khó khăn trong công tác giải tỏa, đền bù dẫn đến khó khăn trong công tác thực hiện theo quy định này.
Do đó, thành phố đề xuất quá trình lập đề án xác định ranh giới đất dành cho đường sắt, lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt đối với đoạn đường sắt, dự án đường sắt qua địa bàn thành phố kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giao đơn vị cụ thể làm chủ đầu tư, trích từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện; sau khi hoàn thành bàn giao hồ sơ cho địa phương quản lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính.
Kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các Bộ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng các hầm chui, đường ngang để phát huy hiệu quả của các đường gom do địa phương xây dựng nhằm xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở trên hệ thống đường sắt quốc gia.

ĐBQH hoạt động chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải phát biểu
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), lãnh đạo thành phố Huế cho biết, Luật Đường sắt được Quốc hội ban hành năm 2017. Hiện nay có nhiều quy định pháp luật mới như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Giá, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật Đấu thầu... có liên quan đến hoạt động đường sắt được ban hành sau có nhiều điểm đổi mới so với Luật Đường sắt 2017 nên rất cần thiết và đạt tính khả thi cao của dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm giải quyết các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Trong đó, đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các điều khoản của Luật Đường sắt hiện hành để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành đường sắt.
Phát biểu tại buổi làm việc, ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải chỉ ra một số bất cập của hệ thống đường sắt hiện tại của Huế. Trong đó, nổi lên tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt với nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng; tình trạng đường ngang trái phép; hành lang an toàn giao thông đường sắt bị xâm phạm...
Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị địa phương quan tâm, nghiên cứu đến đường sắt nội đô (kết nối với các cơ sở hạ tầng giao thông khác như: cảng biển, sân bay); nghiên cứu đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, đường nhánh kết nối với các cơ sở hạ tầng giao thông theo hình thức PPP để phục vụ phát triển kinh tế.
Khẳng định việc sửa Luật Đường sắt là rất quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh dự án Luật này sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho hệ thống đường sắt Việt Nam, mở đường cho những dự án lớn trong tương lai.
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh cho biết, số vụ và người chết do tai nạn đường sắt diễn biến phức tạp; thành phố đang cố gắng để giải quyết dứt các “điểm đen”. Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng, tạo hành lang an toàn giao thông đường sắt cũng gặp nhiều khó khăn. Các dự án đường sắt đô thị, tuyến nhánh đã đưa vào quy hoạch của thành phố nhưng việc triển khai trong thực tế đang ở giai đoạn nghiên cứu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Hải Minh phát biểu
Đối với dự án Luật mới, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế kiến nghị các quy định liên quan đến thủ tục phải nhanh, giảm bớt các bước để việc thi công đường sắt nhanh, đảm bảo an toàn giao thông.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đã thông tin về việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao; đường sắt Hà Nội – Lào Cai cũng như mạng lưới đường sắt tại 2 đô thị lớn: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc phát triển hạ tầng đường sắt trong thời gian tới.
Đoàn khảo sát cũng đã trao đổi về một số vấn đề cụ thể như: tư nhân quan tâm đầu tư nhà ga đường sắt; kinh doanh đường sắt; công tác quản lý nhà nước về đường sắt; việc phát triển công nghệ đường sắt từ toa xe đến hệ thống thông tin, tín hiệu...
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các sở, ngành thành phố, Cục Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề nghị thành phố Huế sớm hoàn thiện báo cáo để gửi cho Đoàn khảo sát. Đối với Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị tiếp thu các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật; trong đó, có phương án giải quyết, trả lời các kiến nghị của thành phố Huế.