Đoàn Nguyên – Gã họa sĩ 'điên' và hành trình đi tìm tự do tuyệt đối trong nghệ thuật
Các sáng tác của Nguyên tràn ngập năng lượng của một bản hòa tấu giằng xé nội tâm, lúc trầm mặc sâu lắng, khi hân hoan rạo rực, vừa truyền thống, vừa hiện đại trừu tượng, nó như khiêu khích, mời gọi…

Tác giả bài viết - họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng với họa sĩ “điên” Đoàn Nguyên
Đoàn Nguyên - hiện tượng dị biệt?
Đoàn Nguyên – hiện tượng được cho là dị biệt, gây sốt cộng đồng mạng mấy năm trở lại đây, khiến không ít người muốn giải mã. Từng biết nhau qua Facebook, trò chuyện qua Messenger, giọng Nguyên nhỏ nhẹ, hiền khô, trái hẳn với hình ảnh bụi bặm, có phần kinh dị trên mạng khiến tôi rất có cảm tình.
Nhân chuyến vào Nam dự trại sáng tác tại Vũng Tàu, tôi quyết định rủ nhà thơ trẻ Nguyễn Hải Yến ghé thăm chàng nghệ sĩ kỳ dị có biệt danh "điên" này. Nhắn tin cho Nguyên hỏi đường và nhận được hồi âm: "Dạ em ở khu nghĩa địa Thới, Trần Thị Cờ, quận 12, TP. Hồ Chí Minh anh ạ." Trời! Cái địa chỉ nghe khá rợn người. Xe càng chạy, càng đi về phía hoang vắng chỉ có những khu mộ rập rạp, đường mòn, cỏ cây um tùm. Đến một ngã rẽ xe mất phương hướng, dừng lại tôi phải gọi cho Nguyên. "Anh cứ ở yên đấy, em ra đón!" – Nguyên trả lời.
Ba phút sau, Đoàn Nguyên xuất hiện: nụ cười thân thiện, mái tóc dài bết dính, trang phục rách nát, những vết sơn màu loang lổ khắp quần áo, chiếc xe máy cà tàng còn loang lổ hơn. Nguyên hướng dẫn xe chúng tôi đi theo, rồi dừng lại nơi có dãy nhà khá lụp xụp. Tôi lướt nhìn xung quanh: phía trước, phía sau – toàn mộ là mộ, nghĩa là nơi đây người dương ở lẫn với người âm.
Gian nhà của họa sĩ, từ cửa vào cũng dính đầy sơn màu. Trong nhà, la liệt ngổn ngang đồ vật, họa phẩm, khung toan cùng những bức tranh dang dở. Ở một góc phòng, tôi bắt gặp rất nhiều loại rượu tây: Chivas, Vodka Macallan, Whisky… cùng nhiều can 20 lít đựng rượu, ước tính tới cả chục can. Nguyên nói như giải thích: "Rượu của em chủ yếu là mọi người cho, tặng. Mới đây có một khách từ Hà Nội vào mua tranh rồi tặng em luôn mấy thùng Chivas."
Tự chấp nhận mình là kẻ "điên", cùng vẻ bề ngoài khác biệt đã gây sự chú ý của mọi người về một hình ảnh độc đáo, dị thường. Khi tôi hỏi điều gì đã khiến Nguyên chọn cách sống biệt lập ở nơi hoang vắng này? Sau làn khói thuốc, Đoàn Nguyên hồn nhiên bộc bạch: "Vì thế giới này có lẽ không hợp với em. Em không muốn tham gia vào các nhóm bè phái này khác, em chọn sự bình yên. Chỉ có bình yên thì làm nghệ thuật mới xuất thần được. Con người thực trong em nó ở trong tâm hồn, mà cái tâm hồn của em lại không ở cõi này."

Góc thư giãn nghỉ ngơi của họa sĩ “điên” Đoàn Nguyên
Nhìn không gian bừa bộn đồ nghề, ngập tràn không khí sáng tác ngẫu hứng, hoang dại và ma mị, cùng sự luộm thuộm chỗ ăn, chỗ nghỉ, tôi hỏi nhỏ: "Sao em không lấy vợ, hay tuyển một bóng hồng để lo nâng khăn sửa túi, giúp nội trợ?" Nguyên thỏ thẻ: "Em sợ đám đông, sợ người. Em sợ đàn bà bởi vì em sợ mất tự do, và như thế em chắc sẽ không còn làm được gì..." rồi cười hề hề.
Sống trong căn nhà nhỏ giữa nghĩa địa, nơi người sống thì ít, người chết thì nhiều, đêm đêm chìm trong tĩnh lặng chỉ có âm thanh cóc nhái, côn trùng. Có lẽ ở môi trường này khá lâu nên Nguyên đã mắc chứng ngại đám đông, sợ người ngoài, chỉ làm bạn tâm giao với ca sĩ Duy Mạnh và mấy người cận kề. Nguyên từ chối mọi cuộc phỏng vấn, tiếp xúc, chỉ ra ngoài khi tối trời…
Sáng tạo từ những giấc mơ
Cái “điên” của Nguyên hoàn toàn không phải sự mất trí. Nó là đỉnh điểm của thăng hoa, cảm xúc tuyệt đối trong tự do sáng tạo. Bỏ qua và coi nhẹ mọi thứ, chỉ tâm niệm phóng bút ghi lại những giấc mơ, phô diễn những cảm xúc mãnh liệt không thể cưỡng lại.
Đoàn Nguyên sáng tạo như một sự biểu đạt, tái tạo những giấc mơ. Giọng nói nhỏ nhẹ: "Em không rõ em đang mơ hay cảm giác lơ mơ khi uống rượu. Một không gian lung linh biến ảo trong đầu. Em nhìn thấy Quan Âm Bồ Tát bay qua, bay lại, tay Ngài cầm đóa sen và những cánh hoa bay khắp nơi..."
Ám ảnh ấy, khoảnh khắc ấy luôn ẩn hiện trong đầu. Nguyên bắt đầu tìm hiểu và vẽ nhiều về Phật, về sen, thể hiện lại những gì nhìn thấy trong giấc mơ. Một lần khác, Nguyên lại mơ thấy một con chim phượng hoàng lửa cùng một con công bay lượn trên bầu trời. Thế rồi, những bức tranh về chủ đề này đã ra đời và được mọi người đón nhận.

Một bức tranh sen của họa sĩ Đoàn Nguyên
Tranh của Nguyên phản ánh chất “điên” của một tâm hồn nghệ sĩ tự do, khác biệt, luôn tìm kiếm sự hoàn mỹ của những giấc mơ trong cái không hoàn mỹ của đời thường. Mỗi khi đứng trước tấm toan, Nguyên thường đằm mình trong rượu rồi quằn quại ném những nhát bút vào vô định mà đầy chủ định, vẩy từng vệt màu một cách đầy ngẫu hứng, tự nhiên mà hiệu chuẩn.
Nguyên kể, có lần đang cao hứng, em đã uống cả lọ màu rồi phải nhập viện. "Em nghĩ sơn màu nó đã gắn vào cuộc đời em, da thịt em và máu em, nên không phải là thứ dơ bẩn. Ngược lại em thấy nó rất thơm, em nghiện mùi này nên nuốt vào." Rồi từ đó, Nguyên có biệt danh “thằng khùng”, “thằng điên”.
Một đời dị biệt, tự do đến tận cùng
Đoàn Nguyên, tên khai sinh Đoàn Văn Nguyên, sinh năm 1981 tại Nam Định. Từng theo học Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, nhưng do hoàn cảnh gia đình, phải nghỉ học, đi chép tranh kiếm sống. Sau thấy bế tắc, nhàm chán với việc chép tranh, Nguyên chuyển sang sáng tác.
Với trang phục, bề ngoài cùng phong cách sáng tác quái dị như người tới từ một hành tinh ma mị, Nguyên có niềm đam mê mãnh liệt với hoa sen. Từng lang thang khắp các cánh đồng sen, vẽ sen, trò chuyện cùng sen, cảm nhận hương vị của sen đến mê mẩn, khiến công an tưởng là kẻ trộm rồi bị bắt giam. Những bức tranh sen như thực, như ảo, trong hòa sắc vàng, vẽ trong cơn "điên", đã gây sốt khắp cộng đồng mạng và được săn lùng.
Dù bị đồn đoán là “điên”, “khùng”, “dị biệt” nhưng Nguyên không bận tâm, không một lời giải thích. Cứ sống và tự do sáng tác theo cảm xúc và suy nghĩ hồn nhiên của mình. Tiếp xúc với Nguyên, tôi mới hiểu rõ: con người em đôn hậu, hiền lành, dễ mến. Nguyên từng bị đánh khi từ chối ký tên mình vào bức tranh không phải do mình vẽ.

Họa sĩ “điên” Đoàn Nguyên “lên đồng” tái tạo những giấc mơ
Đoàn Nguyên chia sẻ: "Có đơn vị muốn ký hợp đồng quản lý tác phẩm của em, với điều kiện em không được phép chia sẻ lên mạng xã hội. Em đã từ chối ngay vì em là kẻ sống tự do, tự tại. Thích vẽ thì em vẽ khi cảm xúc đến, không thích thì uống rượu, ngủ. Nên em không thể chịu bị ai đó quản lý."
Nguyên cho rằng: làm nghệ thuật mà bị quản lý thì coi như là chết rồi. Cũng có tổ chức nghệ thuật ngỏ ý mời Nguyên tham gia triển lãm, em cũng từ chối. Đoàn Nguyên muốn sống và vẽ hoàn toàn tự do, thả hồn theo trí tưởng tượng và tiềm thức dẫn dắt, không muốn đặt mình trong giới hạn, khuôn mẫu của xã hội.
Nguyên bản năng trong sáng tạo, "điên" trong cảm xúc, bốc lửa trong thăng hoa… Nguyên cũng chưa từng tổ chức triển lãm cá nhân, bởi vẽ cũng không nhiều, vả lại vẽ được bức nào thì khách lại mua mất. Nguyên cũng không quan tâm việc bán tranh với giá này nọ, mà hoàn toàn cho rằng việc đó là tùy duyên. Có bức định giá tầm 5.000 USD, nhưng gặp người có duyên, có khi chỉ lấy 3.000 USD. Ngược lại, người không có duyên thì trả 10.000 USD cũng không bán.

Một góc sáng tác của họa sĩ Đoàn Nguyên
Không màng danh lợi, tiền bạc, hoàn toàn sống cho nghệ thuật, coi nghiệp vẽ chỉ là cuộc chơi. Có lần, hai nhà sưu tập cùng tranh nhau một bức tranh của Nguyên, không ai chịu nhường ai. Em… đốt luôn bức tranh để nó không thuộc về ai.
Có tiền, Nguyên lại ưu tiên vào việc mua sắm vật liệu vẽ, rồi đầu tư vào thưởng thức các loại rượu ngâm trái cây, rễ cây quý hiếm…
Đời cứ nói gì thì mặc. Đoàn Nguyên vẫn sống thế, vẫn làm công việc “kỳ dị” của một họa sĩ “điên”, không màng đến chuyện thiên hạ. Bởi với Nguyên, tác phẩm là chốn dung thân, là nơi tìm thấy sự bình yên nhất.
Nguyên và tranh Nguyên có thể là điên rồ trong mắt nhiều người, nhưng tôi chắc chắn: đó là sự thăng hoa phóng khoáng, dị biệt đến tột độ của một tâm hồn nghệ sĩ thực thụ, khẳng định cái riêng độc đáo của mình trong đời sống mỹ thuật đương đại.