ĐOÀN TÀU KHÔNG SỐ HIỆU TRÊN SÔNG ĐỒNG NAI, HỒ DẦU TIẾNG (*): Thừa nhận nhưng lại than khó!
Theo cơ quan chức năng các địa phương, tình trạng hút cát trái phép trên sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng là có nhưng rất khó để bắt quả tang cũng như xử lý những trường hợp vi phạm
Sau loạt bài điều tra "Đoàn tàu không số hiệu trên sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng" mà Báo Người Lao Động phản ánh, cơ quan chức năng các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Bình Dương đã lên tiếng xung quanh thực trạng này.
Biết nhưng "bó tay"
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện UBND huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) cho biết: "Đoàn liên ngành thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Phước, UBND huyện Bù Đăng, lực lượng công an nhiều lần phục kích để bắt giữ các con tàu hút cát trái phép trên sông Đồng Nai nhưng "bó tay" vì phương tiện còn hạn chế và bị các đối tượng theo dõi, cảnh giác. Tình trạng hút cát trái phép mà Báo Người Lao Động cung cấp là có nhưng rất khó để bắt quả tang. Thậm chí khi bắt quả tang thì đối tượng liền xả cát trên tàu xuống sông nên không xử lý được".
Trong khi đó, Công an huyện Bù Đăng cho rằng khi đoàn liên ngành đến kiểm tra thì các chủ mỏ cát đều di chuyển đoàn tàu sang bờ sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng neo đậu nên rất khó xử lý.
Ông Trần Văn Hướng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Phước, cho biết sở đã phối hợp Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải (GTVT), UBND huyện Bù Đăng… tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết cát xây dựng tại khu vực sông Đồng Nai (đoạn thuộc xã Thống Nhất và xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng).
Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra không phát hiện đối tượng, phương tiện khai thác cát trên sông Đồng Nai. Điều đáng nói là cả đoàn tàu thường ngày vẫn neo đậu ở mép sông thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước nhưng thời điểm kiểm tra chỉ có 3 con tàu không có biển số, số hiệu… neo đậu, không biết chủ phương tiện là ai.
Thượng tá Phạm Trọng Đại, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Bình Phước, cho biết ngày 5-1, đơn vị đã phối hợp Sở TN-MT tỉnh, UBND huyện Bù Đăng... lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác cát và các bãi tập kết cát. Ngày 24-1, phòng đã báo cáo kết quả kiểm tra và tham mưu phương án xử lý.
Thượng tá Đại khẳng định lực lượng đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định số lượng tàu và hành vi khai thác cát trái phép. Hiện Công an tỉnh Bình Phước đang tạm giữ 1 con tàu khai thác cát trái phép và tiếp tục xác minh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) này.
Đối với đoàn tàu hoán cải công năng, không gắn số hiệu, không đăng kiểm, đơn vị đang có kế hoạch phối hợp Sở GTVT tỉnh kiểm tra, rà soát để xử lý theo quy định. "Chúng tôi cũng đưa ra một số phương án để xử lý dứt điểm tình trạng tàu neo đậu rồi lợi dụng để khai thác cát trái phép. Riêng bãi tập kết sẽ kiểm tra để xử phạt về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, có hành vi trốn thuế hay không" - thượng tá Đại nói.
Theo thượng tá Đại, khó khăn hiện nay là sông Đồng Nai giáp ranh giữa tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng nên muốn bắt quả tang tàu hút cát lậu phải xác minh được tọa độ. Ngày 29-2, Phòng PC03 đã xây dựng kế hoạch kiểm tra xử lý hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai giáp ranh giữa tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng trong thời gian từ ngày 1-3 đến 1-6. "Dù không bắt được quả tang nhưng có thể khẳng định một số lượng cát không có nguồn gốc rõ ràng" - thượng tá Đại thông tin.
Ông Trần Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, cho hay thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về công tác quản lý các mỏ cát, tàu hút cát trên hồ Dầu Tiếng. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp tỉnh Bình Dương tổ chức kiểm tra, xử lý các tàu khai thác cát không đúng quy định trên hồ Dầu Tiếng.
Năm 2023, Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản trên hồ Dầu Tiếng khu vực giáp ranh giữa Tây Ninh và Bình Dương, bắt quả tang 1 tàu đang khai thác cát trái phép. Do địa phận tàu hút cát trái phép thuộc tỉnh Bình Dương nên Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh đã bàn giao tàu và đối tượng cho Công an tỉnh Bình Dương xử lý theo thẩm quyền. "Những thông tin Báo Người Lao Động cung cấp chúng tôi sẽ tiếp thu và xử lý triệt để" - đại diện Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh nói.
Cam kết và giải pháp
Ông Trần Văn Hướng cho biết nhằm trốn tránh việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, các đối tượng thường lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ và ban đêm để khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai rồi vận chuyển về bãi tập kết chờ bán đi nơi khác. Mặt khác, công tác kiểm tra, xử lý những trường hợp này còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng chủ yếu sử dụng các tàu vỏ thép đã được hoán cải công năng để hút, chở cát trên sông Đồng Nai.
Vì vậy, cần phải trang bị phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng để tiến hành kiểm tra, bắt quả tang thì mới xử lý được. Bên cạnh đó, khi kiểm tra, chủ sở hữu các bãi tập kết cát hoặc chủ đất thường cố tình né tránh, không hợp tác, đồng thời số lượng cát tập kết cũng được những trường hợp này hợp thức hóa bằng các hóa đơn, chứng từ mua bán cát từ những DN đã được cấp phép khai thác cát xây dựng thuộc các tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai.
Về trường hợp khai thác cát trái phép vào ban đêm trên hồ Dầu Tiếng của Công ty Đông Tiến (tên đầy đủ là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản, Khoáng sản Đông Tiến), xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, một lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Dầu Tiếng khẳng định trước đây cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt DN này về hành vi khai thác cát ngoài phạm vi được cấp giấy phép.
Thiếu tá Mai Công Như, Phó trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đơn vị đang xây dựng kế hoạch để phối hợp Công an huyện Dầu Tiếng nhằm có biện pháp xử lý mạnh tay nạn khai thác cát lậu ở lòng hồ Dầu Tiếng.
Theo thiếu tá Mai Công Như, trước đó để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch 1486, việc xử phạt DN cũng được thực hiện thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, thời gian qua thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép rất tinh vi, một phần do đặc thù lòng hồ Dầu Tiếng giáp ranh giữa 3 tỉnh (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) nên các đối tượng này thường canh lực lượng chức năng và nếu thấy có mặt lực lượng chức năng thì họ sẽ chạy qua địa phận của tỉnh khác. "Do không phải địa bàn của mình nên cũng khó xử lý, ngoài ra nhiều đối tượng khi thấy lực lượng chức năng tiếp cận thì họ sẵn sàng bỏ lại phương tiện, nhảy xuống sông trốn thoát" - thiếu tá Như nói.
Đối với trường hợp của Công ty Đông Tiến mà Báo Người Lao Động đề cập trong loạt phóng sự điều tra, thiếu tá Mai Công Như thông tin mới đây nhất, Công an tỉnh đã tham mưu cho các đơn vị liên quan xử phạt 2 lỗi liên quan đến các hành vi không có giấy phép về môi trường và truy thu thuế liên quan đến việc khai báo không trung thực so với sản lượng khai thác.
"Liên quan thông tin điều tra của Báo Người Lao Động về hoạt động khai thác cát trái phép vào ban đêm trên hồ Dầu Tiếng, đặc biệt là Công ty Đông Tiến và mỏ cát Hòa Bình (tên đầy đủ Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Hòa Bình)… chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý nghiêm theo quy định" - một lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định.
Đang điều tra hoạt động khai thác cát trái phép
Đại tá Lâm Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, cho biết sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, đơn vị đã chỉ đạo Phòng PC03, Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Bù Đăng tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai và các bãi tập kết cát tại xã Thống Nhất và xã Đăng Hà.
Đại tá Long khẳng định ông là người tham mưu UBND tỉnh không cấp phép cho các DN khai thác khoáng sản trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước. Bởi lẽ, tình trạng khai thác cát dễ dẫn đến sạt lở khu vực xung quanh và gây ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác.
Đại tá Long nhấn mạnh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai rồi bơm vào các bãi tập kết người dân đã phản ánh và Công an tỉnh Bình Phước đã làm rất quyết liệt. Tuy nhiên, do sông Đồng Nai giáp ranh giữa tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng, công tác kiểm tra, bắt quả tang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, phía tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho một số DN khai thác cát nhưng ở địa phương không có bãi tập kết. Vì vậy, chủ DN đã thuê đất của người dân rồi tập kết cát ở địa bàn tỉnh Bình Phước. "Chúng tôi đang điều tra về hoạt động khai thác cát trái phép và nguồn gốc cát ở các bãi tập kết tại xã Thống Nhất và xã Đăng Hà" - đại tá Long khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền mới đây yêu cầu Công an tỉnh, Sở GTVT, Cục Thuế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Bù Đăng có ý kiến về kiến nghị của Sở TN-MT tỉnh liên quan đến việc kiểm tra, xử lý đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát xây dựng tại khu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn xã Thống Nhất và xã Đăng Hà.
(*)Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-3