Doanh nghiệp bất động sản bắt đầu cuộc đua từ đáy
Thị trường bất động sản bước qua 'vùng tối' với cuộc sàng lọc khốc liệt. Một số doanh nghiệp vững vàng bắt đầu cuộc đua từ đáy.
Gượng dậy
Trước kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gây bất ngờ khi công bố lợi nhuận năm 2023 được cải thiện đáng kể so với năm trước, thậm chí ghi nhận khoản lãi đột biến. Phần lớn kết quả này có được nhờ sự nỗ lực tái cấu trúc tài sản, danh mục đầu tư.
Chẳng hạn, trong quý IV/2023, Tập đoàn Novaland ghi nhận doanh thu gần 2.028 tỷ đồng. Hoạt động tài chính có kết quả tích cực, mang về doanh thu tăng gấp đôi, lên khoảng 1.825 tỷ đồng. Riêng lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng, số còn lại chủ yếu là lãi từ mua bán chứng khoán và tiền cho vay. Nhờ vậy, Novaland lãi sau thuế hơn 1.642 tỷ đồng, tăng gần 13 lần so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất theo quý kể từ quý IV/2020.
Cả năm 2023, Novaland đạt gần 4.759 tỷ đồng doanh thu và gần 685 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch cả năm, lợi nhuận sau thuế cao hơn 3,2 lần mục tiêu đề ra, chủ yếu đến từ việc tái cơ cấu nợ, tối ưu chi phí.
Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cũng vượt dốc thành công nhờ hoạt động tái cấu trúc. Trong quý IV/2023, nhờ ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính lên đến 421 tỷ đồng, cao gấp 25,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, đã giúp Phát Đạt báo lãi, với mức lãi sau thuế gần 283 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 267 tỷ đồng).
Việc một số doanh nghiệp nỗ lực gượng dậy và bắt đầu có lãi trở lại là tín hiệu vui, dù thực tế, thị trường địa ốc mới chỉ đi qua giai đoạn khó khăn nhất và chưa phục hồi hoàn toàn.
Được biết, khoản doanh thu tài chính này chủ yếu đến từ việc Phát Đạt chuyển nhượng toàn bộ 99,8% quyền sở hữu tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt (PDI) cho Công ty TNHH Phát Đạt Holdings (thu lãi 415 tỷ đồng). Nhờ khoản doanh thu tài chính này và một phần doanh thu khác từ hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ, đã giúp Phát Đạt hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm toàn bộ dư nợ trái phiếu trong tháng 12/2023.
Một số doanh nghiệp địa ốc khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc từ hoạt động chuyển nhượng dự án. Chẳng hạn, nhờ bàn giao sản phẩm tại khu phức hợp Westgate (Bình Chánh, TP.HCM), Tập đoàn An Gia ghi nhận được lợi nhuận năm 2023 đạt 175 tỷ đồng, gấp 9 lần năm trước và vượt 75% kế hoạch đề ra.
Việc một số doanh nghiệp nỗ lực gượng dậy và bắt đầu có lãi trở lại là tín hiệu vui, dù thực tế, thị trường địa ốc mới chỉ đi qua giai đoạn khó khăn nhất và chưa phục hồi hoàn toàn.
Bản lề để bước vào chu kỳ mới
Theo nhận định của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2024, khả năng cao sẽ là năm cuối cùng của quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất động sản. Về bản chất, thay đổi này không phải sự phát triển, mà là nỗ lực tiến về vạch xuất phát, thay vì tồn tại trong trạng thái âm như thời gian vừa qua.
Đây sẽ là căn cứ và nền tảng để thị trường chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới, mang tính ổn định, bền vững và hiệu quả hơn. Các thay đổi trong quy định pháp luật tuy chưa được áp dụng ngay, nhưng sẽ là tín hiệu tích cực để các chủ thể gửi gắm niềm tin và xốc lại tinh thần.
Thực tế, so sánh giữa các chu kỳ khó khăn của bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình hiện tại đỡ hơn rất nhiều so với trước. Năm 2024, thị trường sẽ tiếp tục sàng lọc những vấn đề rủi ro, nhất là trái phiếu. Trong bối cảnh này, cơ hội lội ngược dòng vẫn mở ra cho nhiều doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, chiến lược phát triển sản phẩm với tầm nhìn dài hạn.
Chẳng hạn, với việc sử dụng phân khúc nhà ở vừa túi tiền làm trục tăng trưởng chính đã giúp Tập đoàn Nam Long giữ được sự ổn định. Cụ thể, năm 2023, Nam Long ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.181 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kinh doanh bất động sản là 2.905 tỷ đồng. Điểm sáng của Nam Long trong năm 2023 là lãi từ công ty liên doanh, liên kết đạt hơn 418 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ gần 25 tỷ đồng. Với tỷ lệ đòn bẩy thấp, có lượng hàng lớn sẵn sàng để bán, giúp Nam Long nhanh chóng chớp thời cơ khi thị trường hồi phục, ngay cả khi sức mua chưa đạt kỳ vọng.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán SSI ước tính, năm 2024, Nam Long có thể ghi nhận doanh thu 6.860 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.030 tỷ đồng, tăng 136%. Điều này nhờ lộ trình phục hồi của thị trường bất động sản và đặc biệt là sản phẩm của Nam Long phù hợp với người có nhu cầu ở thực. Đây là phân khúc được đánh giá có tiềm năng hồi phục đầu tiên trong thị trường bất động sản.
Tương tự, với Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, sau khi vượt qua “cơn bạo bệnh”, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc cho biết, năm 2024, Công ty không đầu tư dàn trải, mà chỉ tập trung phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu thị trường để đạt được mức độ hấp thụ cao nhất, tập trung tạo dòng tiền để ngày một ổn định hơn.
Hiện công ty này đang có ít nhất 4 dự án đủ điều kiện ra hàng với tổng doanh thu dự kiến hơn 40.000 tỷ đồng, gồm: Dự án Cadia Quy Nhơn (Bình Định), Bình Dương NTMK (Bình Dương), Bắc Hà Thanh (Bình Định), Serenity Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, việc khởi công Dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 tại Bình Dương cũng thể hiện rõ quyết tâm của doanh nghiệp trong đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Đây cũng là dự án được kỳ vọng mang về dòng tiền lớn cho Phát Đạt trong năm 2024.