Doanh nghiệp 'chia tiền' đều đặn hút khách

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn tới kênh đầu tư mang lại dòng tiền thu nhập thụ động khác, nhất là các cổ phiếu có lịch sử trả cổ tức đều đặn hàng năm.

Nhu cầu về một nguồn thu nhập ổn định từ việc đầu tư đang tăng cao

Nhu cầu về một nguồn thu nhập ổn định từ việc đầu tư đang tăng cao

“Doanh nghiệp X sắp phát hành cổ phiếu tăng vốn, tôi đang chờ xem doanh nghiệp có chia cổ tức bằng tiền mặt hay không. Nếu tỷ lệ chia từ 10% trở lên, tôi sẽ xem xét đầu tư. Với tôi, nộp thêm tiền để mua cổ phiếu phát hành thêm thì tối thiểu cũng phải nhận được cổ tức cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng”, nhà đầu tư Thành Trung tại TP.HCM chia sẻ cách xem xét đầu tư với các doanh nghiệp tăng vốn.

Nhà đầu tư này cho biết, trong danh mục, anh thường dành tỷ trọng 20 - 30% cho các cổ phiếu có lịch sử trả cổ tức cao, kết quả kinh doanh ổn định, mục tiêu là có dòng tiền đều đặn chảy về tài khoản hàng năm, bên cạnh các khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn khác.

Cổ phiếu VEA của VEAM là một trong những mã có cổ tức ở mức cao. Doanh nghiệp này hàng năm nhận về 4.000 - 5.000 tỷ đồng cổ tức từ các liên doanh Toyota, Honda, Ford. Nhờ dòng tiền ổn định, VEAM chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 40 - 100% trong 3 năm qua. Gần đây nhất, ngày 16/11/2023, doanh nghiệp trả cổ tức với tỷ lệ 41,87%, so với thị giá thời điểm đó khoảng 36.000 đồng/cổ phiếu, lợi suất cổ tức đạt hơn 11%.

Với cổ phiếu DCM của Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), nhà đầu tư Thành Trung nhận xét: “Doanh nghiệp vừa có triển vọng kinh doanh, vừa có lịch sử trả cổ tức tốt, là lựa chọn an toàn trong bối cảnh hiện nay”.

Đạm Cà Mau đang ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực khi nhà máy sắp hết khấu hao nên chi phí giảm mạnh, góp phần cải thiện lợi nhuận. Cụ thể, quý I/2024, chi phí khấu hao tài sản cố định giảm còn 57,3 tỷ đồng, từ mức 350,2 tỷ đồng trong quý I/2023. Bên cạnh đó, chi phí giá vốn có xu hướng giảm nhanh, giúp lợi nhuận gộp tăng gần 25%, đạt 710 tỷ đồng. Ngoài ra, giá phân urê được xem là chạm đáy trong năm 2023, kỳ vọng sẽ dần hồi phục trong năm 2024.

Một nhà đầu tư khác cho hay, không ít cổ phiếu mang lại dòng tiền đều đặn từ cổ tức như SCS của Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn, doanh nghiệp chuẩn bị trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30% (ngày đăng ký cuối cùng là 11/6/2024); cổ phiếu PMS của Cơ khí Xăng dầu sắp nhận cổ tức với tỷ lệ 33,5% (ngày đăng ký cuối cùng là 10/6/2024). Tương tự, cổ phiếu TTP có tỷ lệ cổ tức là 350%, tỷ lệ này tại MCH là 100%, tại PMC là 156%, tại BMP là 126% (đợt 1 đã trả 61%). Năm 2024, kế hoạch cổ tức của SMB là 35%, PAT là 70%.

Ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc Nghiệp vụ, Quản lý danh mục đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam cho biết, trong quá trình khảo sát tại 3 thành phố lớn, Công ty nhận thấy nhu cầu về một nguồn thu nhập ổn định từ việc đầu tư đang tăng cao. Ví dụ, nhà đầu tư mua căn hộ chung cư để cho thuê, hoặc mở sổ tiết kiệm, đều nhằm mục đích tạo ra một nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường không có nhiều sản phẩm đầu tư hoặc quỹ đặc trưng có thể cung cấp lợi ích tương tự cho nhà đầu tư. Trong các kênh đầu tư phổ biến như tiền gửi, bất động sản, chứng khoán, lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp, đầu tư bất động sản không thuận lợi như trước, không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng.

Kênh chứng khoán có triển vọng khả quan, nhưng theo ông Sang, khi lựa chọn cổ phiếu để hưởng cổ tức, nhà đầu tư cần quan tâm đến 2 tiêu chí quan trọng. Một là, doanh nghiệp có vị thế trên thị trường và tình hình tài chính ổn định để có thể duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt đều đặn như Masan, Vinamilk. Thứ hai, doanh nghiệp có quy mô lớn, ít có đối thủ cạnh tranh. Theo đó, sức mạnh tài chính và uy tín thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp duy trì việc chi trả cổ tức.

Mai Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-chia-tien-deu-dan-hut-khach-post346406.html